Chiều 4/4, thông tin từ chính quyền xã Trung Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, cho biết trên địa bàn thôn Lộc Môn của xã vừa có 2 người tử vong là bố con nghi do bị chó cắn.
Trước đó, trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, cả gia đình này bị chó cắn. Con chó ngay sau đó bị chém chết, đồng thời gia đình không đi tiêm phòng bệnh dại.
Ngày 31/3, người bố bị nấc, khó thở, có biểu hiện sợ nước, ánh sáng, tiếng động, tinh thần hoảng loạn, tiếp xúc chậm, nhịp thở yếu… được người nhà đưa đến Trung tâm Y tế huyện Lương Sơn cấp cứu rồi chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình và Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.
Tuy nhiên, việc điều trị tại không có kết quả, gia đình xin về và bệnh nhân tử vong tại nhà chiều ngày 2/4. Đến đêm 3/4, người con trai chưa được tiêm phòng dại cũng tử vong. Còn người vợ và con gái đã tiêm phòng dại mới đây chưa phát bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp (Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương) cho biết mỗi năm bệnh viện tiếp nhận khoảng 50 ca bị bệnh dại. Đáng lo ngại, tỷ lệ tử vong của căn bệnh này là 100%.
|
Vết chó cắn trên bàn tay một bệnh nhân bị chó tấn công sau 1,5 tháng. Ảnh: Mai Thanh. |
Chủ quan vì không theo dõi tình trạng con chó cắn
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho hay các đối tượng mắc bệnh dại thường do bị chó lạ cắn, chó nhà nuôi bị ốm. Những loại này đều có nguy cơ cao mắc bệnh dại nên truyền trực tiếp virus sang người. Do không kịp thời tiêm phòng, khi căn bệnh phát tác, người bệnh không còn cơ hội sống sót.
Chó mắc bệnh dại thường sống không quá một tuần. Nếu sau 10 ngày, con vật vẫn sống khỏe mạnh, người bị cắn không mắc bệnh. Tuy nhiên, nhiều trường hợp đã giết ngay con chó sau khi bị tấn công dẫn tới việc không biết được khả năng mắc bệnh dại của mình.
Trường hợp nữ bệnh nhân Nguyễn Thị Liên (40 tuổi, ở Bắc Giang, đã đổi tên) làm nghề buôn bán thịt chó bị chó dại cắn tử vong hồi tháng 3/2018 cũng vì lý do tương tự. Con chó cắn người phụ nữ này bị giết luôn ngay ngày hôm sau.
Một bệnh nhân khác ở Nghệ An cũng nhập viện sau khi lên cơn dại vì bị chó cắn khoảng hơn một tháng nhưng chủ quan không tiêm phòng. Sau 5 ngày điều trị tích cực tại viện, bệnh nhân không qua cơn nguy kịch, nên gia đình đã xin về.
Do đó, bác sĩ Cấp nhấn mạnh: “Nếu sau khi bị cắn, con chó bị giết hoặc chạy mất, người bị cắn cần ngay lập tức đi tiêm phòng”.
Ngoài ra, nếu bị tấn công ở mức độ nhiều tổn thương hoặc ở vị trí đầu mạch, vùng mặt, cổ, bộ phận sinh dục, người dân cũng cần phải tiêm phòng ngay. Virus dại phát tán rất nhanh ở những bộ phận này. Thậm chí, nhiều trường hợp dù đã tiêm phòng, khi thuốc chưa kịp phát huy tác dụng, bệnh nhân đã tử vong.
Đối với vết thương do chó cắn, người dân cần xử lý bằng cách rửa, sát trùng. Nếu vết cắn phức tạp, gia đình nên đưa nạn nhân đến bệnh viện.
100% ca bệnh dại đều tử vong
Bệnh nhân mắc bệnh dại từ chó thường được cấp cứu thường với hai thể diễn biến.
Ở thể viêm não, một vài ngày đầu, bệnh nhân thường lo lắng, mất ngủ, sau đó xuất hiện tình trạng tăng kích thích, vật vã, sợ nước, sợ gió. Tình trạng này ngày càng nặng đến mức độ co thắt cổ họng, không thể nuốt và thở.
Với thể liệt, bệnh nhân bị liệt lan toàn cơ thể, chân, tay, cổ ngực rồi tử vong. “Khi đã lên cơn dại, bệnh nhân không thể điều trị. 100% ca bệnh đều tử vong”, bác sĩ Cấp cho hay.
Đặc biệt, virus dại thường tiềm ẩn trong cơ thể người khá lâu trước khi phát bệnh nên ít người biết để đề phòng.
Chuyên gia khuyến cáo để bảo vệ tính mạng cho bản thân và cộng đồng, tất cả chó mèo đều cần tiêm vắc xin. Người có sở thích nuôi thú cưng nên hạn chế dẫn chó tới những nơi đông người hoặc rọ mõm trước khi đi để tránh nguy cơ chúng tấn công người khác.