Ngày 28/2, trên mạng xã hội chia sẻ một video về một bé trai được cho là phát bệnh dại sau khi bị chó cắn nhưng sợ không dám nói với bố.
Hình ảnh trong clip ghi lại một bé trai khoảng 7-8 tuổi có nhiều biểu hiện điên dại bất thường. Cháu bé liên tục phát ra tiếng kêu "oắc oắc" giống hệt tiếng chó sủa.
Người chia sẻ clip cho biết: "Đây là hình ảnh em bé phát bệnh dại vì bị chó cắn không dám nói với bố. Nhìn vừa sợ vừa thương". Người này còn cảnh báo nên cho trẻ tránh xa các loài vật hung dữ, nhất là chó. Nên thường xuyên nói chuyện, trao đổi với trẻ. Tránh việc bé phạm lỗi sợ không dám nói dẫn đến hậu quả như trên.
Không phải bệnh dại
Tuy nhiên, sau khi xem video này, chia sẻ với PV, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương) khẳng định: "Tôi khẳng định triệu chứng của cháu bé này không phải do phát bệnh dại, còn bị chó dại cắn hay không tôi không biết".
Theo bác sĩ Cấp, người bị chó dại cắn, nếu không tiêm phòng có thể bị phát bệnh dại. Từ khi bị có cắn đến khi phát bệnh dại trung bình 3-6 tháng, có rất ít trường hợp phát bệnh sớm hơn hoặc cá biệt có những ca sau vài năm mới phát bệnh. Khi phát bệnh dại có 2 thể bệnh chính. Ở thể viêm não, người bệnh khởi đầu có cảm giác dị cảm nơi cắn, mất ngủ, bồn chồn. Sau đó xuất hiện kích thích, sợ nước, sợ gió.
|
Chó, mèo cắn là một trong những nguyên nhân lây truyền bệnh dại cho con người. (Ảnh KT). |
Bệnh tiến triển tăng dần đến mức không thể uống nước, có những cơn co thắt hầu họng khi uống nước, khi thấy gió hoặc thậm chí nghe thấy tiếng nước chảy, gió thổi. Sau đó xuất hiện co thắt hầu họng tự nhiên, cường dương, xuất tinh tự nhiên và thường tử vong trong vòng một tuần kể từ khi phát bệnh.
Thể bệnh thứ 2 là liệt. Người bệnh sẽ liệt lan dần từ chân đến liệt cơ tròn làm rối loạn tiểu, đại tiện liệt, lan lên liệt tay đến khi lan lên liệt cơ hô hấp thì bệnh nhân sẽ tử vong. "Lưu ý là các bệnh nhân dại sẽ tỉnh táo hoàn toàn cho đến lúc chết chứ không bị điên dại. Và không có trường hợp bị phát bệnh dại nào sủa như chó", bác sĩ Cấp khẳng định.
Tuy nhiên, bác sĩ Cấp cho biết có một số người bị có cắn, lo sợ quá ám ảnh nghĩ mình bị dại và ám ảnh rằng bị dại thì sẽ sủa như chó nên họ sẽ sủa gâu gâu.
"Những trường hợp đó được gọi là biểu hiện giả dại chứ thực tế bệnh nhân không bị dại. Một số bệnh lý không phải dại khác như bệnh nhân viêm thanh quản cũng có thể ho, nói ông ổng giống tiếng chó sủa", bác sĩ cho biết thêm.
Về cháu bé trong video trên, bác sĩ Cấp cho rằng có thể bé bị viêm thanh quản. Bệnh lý này cũng rất nguy hiểm vì nếu không điều trị tốt bởi khi bị phù nề bít tắc thanh quản, bệnh nhân sẽ ngạt thở gây tử vong.
Ai có thể bị dại?
Chuyên gia lưu ý, ngoài chó, có thể có mèo, dơi (dơi quỷ hút máu), chồn, cáo... cũng có thể truyền bệnh dại. "Khi bị chó dại cắn, không phải 100% số người bị cắn phát bệnh dại mà có người bị, có người không. Nguy cơ bệnh nhiễm bệnh dại tùy thuộc lượng virus trong nước bọt chó nhiều hay ít, vết thương sâu hay không làm rách da.
Tuy nhiên, không thể dự đoán được người nào có thể bị phát dại hay không, và khi đã phát bệnh dại nhìn chung sẽ tử vong", bác sĩ Cấp khuyến cáo. Do đó, những người bị chó dại cắn đều được khuyến cáo tiêm vắc xin phòng bệnh dại.
Bác sĩ này cũng khuyến cáo các biện pháp thử bằng mẹo, điều trị bằng thuốc nam đến nay chưa có biện pháp nào khẳng định được hiệu quả trong phòng, chữa bệnh dại. Trái lại hàng năm ở nước ta vẫn có hàng chục bệnh nhân chết oan vì tin lời thầy lang thử bảo không phải dại, hoặc cho thuốc chữa và bỏ không đi tiêm vắc xin.