Việt Nam đang trong giai đoạn đầu tiên của quá trình phát triển vắcxin, ngay sau khi trình tự gene của COVID-19 được công bố, công ty VABIOTECH đã nhanh chóng hợp tác cùng Đại học Bristol - Anh để nghiên cứu vắcxin ngừa COVID-19 dựa trên công nghệ vector virus.
Đối với phát triển vắcxin có nhiều lựa chọn khác nhau, nhưng công nghệ mới và đa năng, cho hiệu suất sản xuất cao, không phụ thuộc vào việc nuôi cấy toàn thể tác nhân gây bệnh, phù hợp đối với các vắcxin đại dịch là công nghệ vector virus, công nghệ tổng hợp gene DNA và RNA.
Vector virus là hệ thống được cài đặt một hoặc nhiều vùng gene mã hóa vùng kháng nguyên mong muốn. Khi tiêm chủng, kháng nguyên protein sẽ được biểu hiện tương tác với vật chủ để tạo ra đáp ứng miễn dịch phòng tác nhân đích gây bệnh.
|
Việt Nam đang trong giai đoạn đầu tiên của quá trình phát triển vắcxin ngừa COVID-19. Ảnh: SK&ĐS. |
Cụ thể, các nhà khoa học đã gài kháng nguyên virus SARS-CoV-2 vào vắcxin, tiến hành tiêm thử nghiệm vắcxin trên chuột để theo dõi tính sinh miễn dịch. Đến nay tròn 10 ngày, 50 con chuột thí nghiệm khoẻ mạnh, tiếp tục theo dõi các đáp ứng miễn dịch trong giai đoạn 1, có thể nói là thành công bước đầu của nghiên cứu. Công nghệ này tuy khó khăn ở bước đầu để tạo ra protein đáp ứng miễn dịch nhưng các bước sau sẽ nhanh hơn so với công nghệ tổng hợp gene, giúp rút ngắn thời gian phát triển và sản xuất vắcxin.
Sau 4 ngày nữa là tròn 2 tuần sau tiêm, nhóm nghiên cứu sẽ lấy máu chuột để gửi Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đánh giá kháng thể, xem chuột có đáp ứng miễn dịch sau tiêm.
Đây cũng là giai đoạn quan trọng của nghiên cứu sản xuất vắcxin COVID-19 tại Việt Nam. Nếu thử nghiệm thành công trên chuột, nhóm nghiên cứu sẽ tham gia dự tuyển vắcxin để tìm các nguồn đầu tư nghiên cứu từ các quỹ quốc tế, đồng thời tiến hành định liều, thử nghiệm trên động vật, trên nhóm nhỏ và nhóm lớn người tình nguyện.
Video "Mặc áo mưa không giúp ngăn ngừa Covid-19". Nguồn: THDT.
Đến hiện tại, tại Việt Nam có 4 đơn vị cũng đang tiến hành nghiên cứu vắc-xin phòng chống COVID-19 nhưng Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) là đơn vị đầu tiên tiến hành thử nghiệm trên chuột và thu được các kết quả ban đầu rất khả quan. VABIOTECH sử dụng công nghệ vector Baculovirus trong phát triển vaccine COVID-19. Đơn vị này đã tiêm thử nghiệm trên chuột thí nghiệm, cho kết quả đáp ứng miễn dịch trung hòa của vaccine thấy rõ. Đặc biệt, vaccine có đáp ứng miễn dịch ở liều nhắc lại. Đây là điều quan trọng và cần thiết đối với vaccine.
Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC) cho hay đơn vị này đang sử dụng công nghệ nuôi cấy trên trứng gà có phôi với quy trình sản xuất tương tự vaccine cúm A/H5N1 đã được thiết lập với công suất 3 triệu liều/năm. Để nghiên cứu sản xuất vaccine COVID-19, IVAC sử dụng chủng NDV-LaSota-S làm vector biểu hiện protein S của SARS-CoV-2. Đây là chủng có độc lực thấp được sử dụng trong nhiều loại vaccine. Chủng virus này được đánh giá thích ứng và phát triển tốt trên trứng gà có phôi.
Đơn vị thứ 3 là Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vaccine và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC), đang sử dụng công nghệ tái tổ hợp sử dụng vector virus sởi. POLYVAC đang chờ phê duyệt dự án nghiên cứu chính thức của Bộ Khoa học Công nghệ, tổ chức đấu thầu sinh phẩm.
Đơn vị thứ 4 là Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen. Công ty này đã nghiên cứu thành công một ứng cử viên vaccine subunit dựa trên protein S của virus SARS-CoV-2. Ứng cử viên này được phát triển bằng công nghệ tái tổ hợp. Vaccine sẽ bao gồm protein S của hai chủng virus Vũ Hán và chủng đột biến D614G.