Tre lục trúc là một loại tre thuộc họ hòa thảo. Khi măng mới nhú lên khỏi mặt đất là phải đào ngay, phần dưới còn 6 mắt tiếp tục phát triển thành 6 cây khác nên được gọi là tre lục trúc.
Loài tre này có nguồn gốc từ nước ngoài, được du nhập vào Việt Nam từ rất lâu. Cây tre lục trúc có thể thích nghi với nhiều loại đất khác nhau, giống tre cũng được trồng rộng rãi ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, đặc biệt là ở vùng đồng bằng và trung du.
Tre lục trúc dễ trồng và không tốn nhiều công chăm sóc.
Trong những năm vừa qua, cây giống tre lục trúc được áp dụng và trồng nhiều vào mùa mưa. Nếu trồng gần một năm và thu hoạch sẽ cho ra sản lượng trung bình mỗi gốc từ 10-15kg măng. Măng có thể chế biến thành nhiều món ăn như nộm, luộc, xào hay lẩu, nước luộc ngọt thanh, không bị đắng, he như loại măng khác nên được thị trường ưa chuộng.
Thành phẩm đa dạng, có giá trị cao.
Theo người dân, chỉ sau 1 năm trồng, cây tre lục trúc đã cho thu hoạch măng và khai thác trong 8-10 năm. Nếu tính trên diện tích 1ha, tiền mua cây giống và chi phí chăm sóc chỉ vào khoảng 100 triệu đồng nhưng cho thu nhập khoảng từ 400-500 triệu đồng, nên thời gian gần đây nhiều người lựa chọn để khởi nghiệp, vươn lên làm giàu.
Chị Dương Thị Luyện (xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) được biết đến là người nông dân thành công với mô hình trồng và kinh doanh tre lục trúc. Năm 2017, do thua lỗ trong chăn nuôi, gia đình chị Luyện phải chuyển nghề sang đi chợ buôn măng, rau để kiếm sống qua ngày.
Chị Luyện đã làm giàu thành công nhờ tre lục trúc.
Thời điểm đó, chị nhận thấy thị trường tiềm năng của cây tre lục trúc nên bắt đầu tìm tòi nghiên cứu, trồng thử nghiệm thì mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chị Luyện đã bàn bạc cùng gia đình và quyết định đầu tư ban đầu với hơn 200 gốc.
Việc trồng cây ngày càng phát triển, gia đình chị Luyện tiếp tục mở rộng diện tích kinh doanh. Đến thời điểm hiện tại, chị đã có gần hàng chục ha trồng tre lục trúc ở khắp các thôn trong xã Ngọc Châu.
Vào mùa thu hoạch, trung bình mỗi ngày chị Luyện thu được 5-7 tạ măng tre. Măng tre thu tới đâu, chị giao cho nhà hàng và thương lái buôn là 50.000 đồng/kg măng tươi chưa bóc, 70.000-80.000 đồng/kg măng tươi đã bóc với thu nhập từ 3-5 triệu đồng/ngày.
Chị Luyện cũng mở rộng hình thức kinh doanh khi mở hợp tác xã trồng và tiêu thụ măng tre lục trúc. Mỗi năm, hợp tác xã của chị Luyện tiêu thụ hàng trăm tấn măng tươi, doanh thu hàng chục tỷ đồng. Riêng năm 2022, thu hoạch hơn 800 tấn măng tươi, trị giá 28 tỷ đồng, xuất tại vườn 50 nghìn gốc tre giống, mang lại lợi nhuận siêu cao.
Với quyết tâm thoát khỏi đói nghèo, anh Trần Văn Nhàn (xã Tân Lợi, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) đã nhiều lần chuyển đổi giống cây trồng, mô hình sản xuất. Bắt đầu từ năm 2017, anh Nhàn may mắn biết đến cây tre lục trúc.
Mô hình này cũng được anh Nhàn phát triển thành công.
Anh đi Bắc Giang mua giống đem về trồng thử. Đầu tiên anh chỉ dám bỏ ra 10 triệu đồng mua khoảng 150 cây. Cây phát triển nhanh, độ phủ rộng, cành trồng càng nhân lên, sau một năm anh đã thu lãi. Thấy hiệu quả, cứ thế anh trồng thêm mỗi lúc một ít. Vừa trồng vừa nghe ngóng thị trường và học hỏi kinh nghiệm.
Nhận thấy thị trường còn rộng lớn, cung chưa đủ đáp ứng nhu cầu thế là anh mạnh dạn đầu tư trên diện tích rộng. Hiện nay, mô hình của anh được mở rộng trên diện tích 3ha, kết hợp giữa vừa trồng lấy măng vừa xuất giống ra thị trường.
Mỗi cây giống có giá bán từ khoảng 70.000-100.000 đồng, 1ha trồng để lấy giống cho lãi khoảng gần 1 tỷ/năm. Đối với măng thành phẩm giá bán khoảng 50.000 đồng/kg măng tươi chưa bóc, 70.000-80.000 đồng/kg măng tươi đã bóc, 1ha cho thu hoạch 15 - 17 tấn/năm, cho lãi từ 400 - 500 triệu đồng. Như vậy, hàng năm, anh Nhàn bỏ túi khoảng 4,5 tỷ đồng từ giống cây tre lục trúc.
Cũng nhờ tre lục trúc, gia đình anh Lâm Xuân Quang (xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) đã thoát nghèo thành công. Anh Quang bén duyên với loại cây trồng này từ năm 2014, khi biết đến tre lục trúc, anh đã rủ thêm một người bạn trong xã triển khai mô hình trồng cây.
Anh Quang chăm sóc tỉ mỉ cây trồng.
Anh đã đặt mua bên nước ngoài gần 300 cây giống về trồng thử nghiệm. Ban đầu, do thiếu kinh nghiệm, anh đã mất trắng 300 cây. Với quyết tâm thực hiện bằng được mô hình, anh Quang đã sang nước ngoài để học kỹ thuật trồng. Học xong, anh mua 100 cây giống mang về trồng lại và đã thành công.
Năm 2017, anh Quang tách ra làm một mình và mua gần 2ha đất tại xã Cây Thị để trồng tre. Nửa quả đồi rộng hơn 2ha được anh Quang cải tạo theo kiểu ruộng bậc thang và trồng hơn 4.000 khóm tre. Anh chia ra từng khu vực trồng khác nhau, khu trồng để lấy măng, khu trồng để nhân giống.
Đến năm 2022, anh thành lập hợp tác xã riêng với 12 thành viên, trồng trên 10ha tre lục trúc. Hiện tại, 1ha trồng tre lục trúc từ 3 năm trở lên của anh Quang cho thu hoạch 15-17 tấn măng/năm, giá bán trung bình tại chỗ 25.000 đồng/kg. Ngoài ra, mỗi năm anh Quang còn cung cấp ra thị trường từ 10-15 nghìn cây giống, với giá bán 120.000 đồng/cây, cho lãi lên tới hàng tỷ đồng.
Bởi lãi cao nên nhiều người dân đã và đang chuyển đổi từ loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế thấp sang trồng tre lục trúc. Tuy nhiên, để cây trồng này thực sự phát triển bền vững thì người dân cần tìm hiểu kỹ về giống, cách thức trồng, chăm sóc để tránh rủi ro, cho năng suất cao.