Những năm gần đây, bên cạnh với việc phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, một số hộ gia đình còn kết hợp nuôi trùn quế để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm và các loài động vật khác. Ngoài ra, chất thải của trùn quế làm phân bón, cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho sinh trưởng và phát triển của cây, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Trùn quế hay còn được biết đến với tên gọi giun quế, có tên khoa học là Perionyx excavatus. Loài trùn này thường sống trong môi trường ẩm ướt, nơi có nhiều chất hữu cơ đang phân hủy. Trùn quế có khả năng sinh sản nhanh và được sử dụng rộng rãi trong việc chuyển hóa chất thải ở nhiều nước như Philippines, Úc, Nhật Bản…
Do có hàm lượng protein cao nên trùn quế được xem là nguồn dinh dưỡng quý giá cho các loại gia súc, gia cầm, thủy hải sản…
Ngoài ra, trùn quế còn có thể trở thành phân hữu cơ thông qua quá trình xử lý chất thải sinh học. Cụ thể, người nuôi trùn quế sẽ sử dụng lá cây, rơm rạ, thức ăn thừa… để cho loài động vật này ăn.
Trong quá trình này, trùn quế dùng canxi cacbonat để giải phóng canxi thừa và đưa thức ăn vào bộ phận tiêu hóa. Theo đó, thức ăn được nghiền nát và các chất dinh dưỡng cần thiết cho giun được hấp thụ. Một số chất hóa học trong đường tiêu hóa của trùn quế giúp phân giải đất và chất hữu cơ thành phân có nhiều dinh dưỡng. Vì thế, trong phân của trùn quế chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, phù hợp cho cây trồng.
Trong bối cảnh thức ăn gia súc ngày càng tăng cao, chị Nguyễn Thị Hoan (ngụ xã Quảng Hợp, tỉnh Thanh Hoá) quyết định tạo nguồn thức ăn cho chúng từ việc nuôi trùn quế, từ đó tiết kiệm được chi phí sản xuất. Chủ trang trại nuôi trùn quế cho biết: “Trùn quế là động vật dễ thích ứng với môi trường và có tốc độ sinh sản nhanh. Nguồn nguyên liệu nuôi trùn được tận dụng ngay ở trang trại như phân gia súc, rơm rạ, thân cây ngô…”.
Việc tận dụng rác thải hữu cơ từ các hộ gia đình, chợ đầu mối, phân động vật, gia súc… để làm thức ăn cho trùn quế không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho hộ gia đình mà còn giảm bớt lượng rác thải đáng kể cho môi trường.
Theo chị Hoan cho biết nuôi trùn quế không tốn nhiều công chăm sóc, do đó mô hình rất dễ nhân rộng, ai cũng có thể học hỏi kinh nghiệm và thực hành. Loài động vật có ích này rất sợ ánh sáng. Vì thế, mỗi chuồng nuôi phải có mái che, rộng từ 3-5m2, phủ bạt phía trên. Môi trường sống của trùn quế cần được tạo độ ẩm 75-80%, đảm bảo mức nhiệt độ từ 20-28 độ C để trùn quế có thể phát triển tốt.
Tương tự như chị Hoan, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Công nghệ thông tin, anh Nguyễn Công Vinh (ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) lại quyết định rẽ hướng mới, tận dụng đất vườn, bắt đầu với mô hình nuôi trùn quế. Theo đuổi định hướng này hơn 7 năm, hiện nay anh Vinh đang có 2 trang trại nuôi với diện tích khoảng 4000m2.
Về quy trình sản xuất, mỗi ngày, anh Vinh thu gom từ 15-20 tấn phân bò tươi từ các trang trại nuôi bò ở các vùng lân cận để làm thức ăn cho trùn quế.
Theo anh Vinh chia sẻ, mỗi tháng thu hoạch trùn quế 1 lần. Trung bình 1 mét vuông sẽ thu được 1-2kg trùn giống. Khi bán ra thị trường, giao cho thương lai sẽ có giá bán từ 14.000-20.000 đồng/kg. Ngoài ra, anh nuôi để lấy phân từ trùn quế với chu kỳ thu hoạch 3 tháng/lần, mỗi lần thu khoảng 30kg/m2.
Hiện mỗi tháng trang trại của anh Vinh xuất bán trên 500 tấn phân trùn quế với giá từ 3,5- 5 triệu đồng/tấn, trên 15 tấn trùn thịt với giá từ 50.000-60.000 đồng/kg. Ngoài ra, anh còn bán giống và nhiều sản phẩm khác sản xuất từ phân trùn. Nhờ đó, trung bình doanh thu của anh Vinh cán mốc 3 tỷ đồng.
Bên cạnh việc xây chuồng nuôi trùn quế bán thịt, bán phân, anh Vinh còn trồng vườn dừa xiêm, dừa dứa và dùng phân trùn để bón. Tận dụng mương trong vườn nhà, anh nuôi các loại cá diêu hồng, cá bống tượng… lấy trùn quế làm thức ăn cho cá.
Có thể thấy, nuôi trùn quế - một trong những mô hình mang lại hiệu quả về mặt kinh tế, vừa là nguồn thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao cho vật nuôi, phân trùn quế được xem là nguồn phân hữu cơ có lợi cho cây trồng và đất. Ngoài ra, nhờ trùn quế mà góp phần bảo vệ môi trường, xử lý được một phần rác thải hữu cơ từ con người. Điều này đang phù hợp với xu hướng phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ và bền vững như hiện tại.