Tính đến thời điểm này, vợ đã về nhà tôi làm dâu được 2 năm rồi mọi người ạ. Vợ tôi thì hiền lành và biết điều, chỉ mỗi tội sức khỏe cô ấy không được khỏe, hay bị cảm cúm, ốm sốt vặt vãnh. Vì thế khi mới về làm dâu, 2 chị gái tôi lấy chồng làng bên thường về chê bai:
“Nhìn người yếu xanh thế kia, trái nắng trở trời đã hắt hơi sổ mũi ốm rồi thì không biết có đẻ được không?”.
Có lúc các chị còn chê ỏng chê eo em dâu gầy gò, không có sức sống, dù sinh con ra cũng không thể nuôi dạy con tốt. Nói chung 2 bà chị tôi hay bắt nạt em dâu mới về.
Hai chị gái lúc nào cũng soi mói em dâu. (Ảnh minh họa)
Trong khi đó mỗi lần các bà ấy về nhà chơi chỉ ngồi lê đôi mách, buôn đủ chuyện với bố mẹ. Mọi việc trong nhà, cơm nước vợ tôi làm tất. Có những cuối tuần cả nhà các chị gái sang ăn cơm nhưng vợ tôi là người đi chợ, nấu nướng, dọn dẹp. Vài lần nhìn cảnh đó, tôi ngứa mắt định nói các bà ấy vài câu nhưng vợ cứ ngăn lại vì bảo sợ các chị nghĩ em trai bênh vợ.
Tuần trước, nhà tôi giỗ cụ nội nên hôm ấy bố mẹ làm 10 mâm cỗ. Vợ tôi bầu 8 tháng nặng nề rồi nhưng vẫn sửa soạn từ 1-2 hôm trước cho đám giỗ. Cô ấy đi chợ mua thực phẩm, sáng hôm giỗ còn dậy từ 4h cùng cả nhà tôi nấu nướng. Cuối cùng cũng xong 10 mâm cỗ để họ hàng, người thân tới thắp hương rồi ăn.
Vì là ngày trong tuần nên vợ chồng tôi chỉ xin nghỉ làm được buổi sáng. Khi bê mâm lên thắp hương 2 chúng tôi phải đi làm. Mọi người ở nhà ăn uống xong chẳng dọn dẹp, để hết ra góc sân.
Hôm ấy tôi phải làm thêm 2 tiếng nữa ở công ty mới về nên về nhà muộn hơn vợ. Về tới nơi đã 8h tối mà đang thấy vợ bầu 8 tháng ngồi ở góc sân rửa 10 mâm bát. Đã vậy trời hôm ấy chuyển gió lạnh, vừa rửa bát vợ bầu vừa xuýt xoa nhìn rõ tội.
Trong khi đó 2 chị gái tôi thì đang sửa soạn đồ đạc để lấy xe đi về nhà. Đã vậy, còn được mẹ tôi đùm túm cho bao nhiêu đồ ăn và hoa quả nữa. Trong khi bát đũa ăn xong vứt chỏng chơ ở sân đùn hết cho em dâu đi làm về dọn rửa.
Thấy vậy tôi mới bực mình hỏi:
“Ăn xong 2 bà không dọn dẹp đã định về để vợ em dọn hết thế kia à?”.
“2 chị phải về đây không trời trở gió rét quá. Mợ nó chưa bận con cái thì dọn có sao đâu”.
Bực quá tôi nói to:
“Về muộn 1 chút nữa cũng không sao cả, 2 bà ở lại mà dọn cùng đi, không ai hầu mãi được”.
Rồi 2 bà ấy bảo tôi khó tính, thấy vợ bầu dọn vài cái bát đã bênh, thấy vậy tôi ức chế:
“Lần sau nếu không dọn các chị đừng vác mặt sang đây ăn nữa”.
Rồi tôi quay lại quát vợ:
“Bỏ đấy vào nhà, trời lạnh thế này lại sắp đẻ mà còn ngồi đấy rửa bát. Vào nhà”.
Thấy chồng to tiếng nên vợ tôi mới chịu buông bát để vào nhà, còn quay ra trách chồng làm lớn chuyện. Hai bà chị thì về thẳng. Đống bát đũa đó sớm mai lại đến tay tôi và mẹ đẻ rửa.
Thấy chồng to tiếng nên vợ tôi mới chịu buông bát để vào nhà, còn quay ra trách chồng làm lớn chuyện. Hai bà chị thì về thẳng. (Ảnh minh họa)
Thật không hiểu nổi sao 2 chị tôi lại không thương em dâu tí nào. Bầu bí gần đẻ rồi mà cô ấy chẳng được nghỉ ngơi, phục vụ đám người to khỏe. Đã thế, tháng cuối thai kỳ bụng to lại ngồi xổm rửa bát thì có chết không cơ chứ!
Bà bầu 3 tháng cuối ngồi xổm nhiều có sao không?
Thực tế, việc bà bầu ngồi xổm trong giai đoạn mang thai không ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, ngồi xổm là một điều không nên bởi vì các lý do sau.
Gia tăng áp lực lên bàng quang
Vào những tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ, thai nhi ngày một lớn lên nếu mẹ ngồi xổm quá lâu phần thai sẽ đè nặng lên bàng quang, làm gia tăng áp lực bàng quang, gây cảm giác đau cho mẹ bầu. Thậm chí mẹ bầu có thể mệt hoặc ngất đi khi thường xuyên có thói quen ngồi xổm.
Khiến tĩnh mạch bà bầu bị phù nề
Phần bụng dưới và cột sống của mẹ phải chịu áp lực lớn khi em bé lớn lên từng ngày. Nếu bà bầu thường xuyên ngồi xổm sẽ gây ùn tắc mạch máu ở bụng dưới, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn mạch máu, tĩnh mạch bị suy giãn, gây phù nề nghiêm trọng.
Dễ khiến mẹ bầu mất trọng tâm và ngã
Ngồi xổm quá lâu sẽ khiến mẹ bầu hay bị mất trọng tâm và té ngã. Bởi vì khi mẹ thường xuyên ngồi xổm để giặt giũ, nấu ăn, trọng tâm đổ dồn về phía trước nhiều hơn, cùng với đó là chân sẽ bị tê mỏi. Từ đó khiến mẹ bầu khó giữ thăng bằng và có thể bị ngã nhào về phía trước hoặc ngã ngửa về phía sau.
Đối với mẹ bầu đang trong giai đoạn mang thai 3 tháng đầu thì việc bị ngã rất nguy hiểm. Lúc này, bào thai chưa làm tổ chắc chắn trong tử cung nên khi bị ngã có thể dẫn đến sảy thai. Vì thế, ngồi xổm khi mang thai là tư thế ngồi không nên của mẹ.
Gây đau xương khớp
Việc ngồi xổm sẽ làm gia tăng áp lực cho các dây thần kinh ở đùi, xương bánh chè ở đầu gối. Từ đó mẹ bầu dễ bị đau nhức xương khớp, đặc biệt là ở phần đầu gối và chân.
Tổn thương cột sống
Thai nhi lớn dần lên từng ngày kèm theo sự tăng trưởng về cân nặng. Điều này tạo ra một gánh nặng lớn cho xương cột sống nhằm giữ cân bằng cho cơ thể. Do vậy, nếu mẹ bầu ngồi xổm sẽ khiến cho cột sống dễ bị tổn thương, gây cảm giác đau nhói.
Từ những lý do cơ bản trên, mặc dù không ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi nhưng nó có thể thấy tư thế ngồi xổm không được khuyến khích cho mẹ bầu khi mang thai vì nó gây ra những ảnh hưởng và tổn thương đến cơ thể của mẹ.
Tuy nhiên, theo các bác sĩ sản khoa, khi mẹ bầu có dấu hiệu sắp sinh thì tư thế ngồi xổm sẽ giúp phần xương chậu của mẹ được giãn nở và thuận lợi sinh nở hơn. Nhưng mẹ phải ngồi đúng tư thế mới cung cấp đủ oxy cho thai nhi và giúp làm giảm chứng thoát vị đĩa đệm, giảm căng thẳng khi mẹ sắp sinh.