Mang thai là một hành trình kỳ diệu, nhưng cũng đi kèm với nhiều thay đổi về thể chất và cảm xúc. Nhiều bà mẹ tương lai, dù được bao quanh bởi tình yêu thương của gia đình, vẫn cảm thấy cô đơn và trống rỗng. Câu chuyện của Thanh Hòa là một ví dụ điển hình cho điều này.
30 tuổi, Thanh Hòa tin rằng mình đã đủ "bản lĩnh" và chín chắn để bước vào cuộc sống gia đình. Sau đám cưới 3 tháng, hạnh phúc càng nhân lên khi thấy que thử thai 2 vạch. Hòa tự tin rằng mình đã sẵn sàng cho hành trình làm mẹ.
Thế nhưng, khi cảm giác vỡ òa hạnh phúc đó qua đi thì Thanh Hòa lại thường hay cảm thấy cô đơn. Lắm khi cô cũng không hiểu nổi chính cảm xúc của mình, không thể gọi tên nó một cách chính xác. Chỉ đơn giản là đôi khi cô cảm thấy trống rỗng, không buồn, không vui, không háo hức. Trong khi đó, cả chồng, gia đình nhà chồng, nhà bố mẹ đẻ vẫn rất quan tâm, lo lắng cho Hòa. Không ai tạo sức ép hay bắt cô phải thế này, thế kia trong thời gian có bầu. Nhưng cô vẫn thờ ơ với mọi thứ, không cảm thấy có nhu cầu tận hưởng thời gian mang trong mình một sinh linh bé bỏng này. Cô chưa từng nghe bạn bè nói về cảm giác này khi bầu bí nên cũng không biết chắc có ai như mình hay không. Chính vì vậy cô cũng không dám nói với ai, cứ một mình loay hoay trong mớ cảm xúc hỗn độn.
Thực ra, trong giai đoạn mang thai, không ít bà bầu như Thanh Hòa, cảm thấy cô đơn và trống rỗng, mặc dù được sự quan tâm từ gia đình và người thân.
Các cuộc khảo sát cho thấy 14-23% phụ nữ mang thai trải qua "blues trước khi sinh", hiểu nôm na là "buồn bã, căng thẳng, lo lắng, thay đổi tâm trạng thất thường khi mang thai". Tình trạng này có thể kéo dài suốt thai kỳ, thậm chí không biến mất sau khi sinh.
Vấn đề cốt lõi của u sầu, cô đơn, thờ ơ với mọi thứ trong thời gian mang thai
Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi các chuyên gia tại Đại học London (UCL), sự cô đơn có thể xuất hiện ở cả những bà mẹ trước và sau sinh. Cảm thấy cô đơn khi mang thai có bình thường không? Nhiều bà mẹ có cảm giác cô đơn đặc biệt khi mang thai. Thậm chí, với một số người, cảm giác cô đơn chưa bao giờ dữ dội đến vậy. Cảm giác này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau và hoàn toàn là điều bình thường do sự thay đổi hormone trong cơ thể, những lo lắng về sức khỏe, tương lai của đứa trẻ, hoặc do sự thay đổi trong các mối quan hệ xã hội.
Nhiều người nói rằng họ thực sự lo lắng rằng họ không làm đủ tốt, rằng những người khác sẽ nghĩ rằng họ không phù hợp để làm mẹ, và do đó họ ít có khả năng nói về sự cô đơn dữ dội mà họ đang phải đối mặt.
Phụ nữ mang thai hoàn toàn có thể bị trầm cảm. Trầm cảm trước sinh không chỉ ảnh hưởng đến tâm trạng của người mẹ mà còn có thể gây ra những hệ lụy cho sức khỏe của cả mẹ và bé.
Nếu bạn nhận thấy mình đang có những dấu hiệu của trầm cảm, hãy tìm đến sự giúp đỡ của bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý càng sớm càng tốt. Việc điều trị sớm sẽ giúp bạn vượt qua giai đoạn khó khăn này và có một thai kỳ khỏe mạnh.
Hãy nhớ: Bạn không đơn độc. Nhiều mẹ bầu cũng trải qua những cảm xúc tương tự. Vậy nên, đừng cố tự vượt qua một mình, hãy yêu thương bản thân và tìm kiếm sự hỗ trợ khi cần thiết.