“Rút ruột” SCB hơn 1 triệu tỷ đồng, bà Trương Mỹ Lan dùng vào việc gì?
Rút từ SCB 1.066.600 tỷ đồng
Ngày mai (11/3), dự kiến phiên tòa sơ thẩm xét xử bà Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo khác trong vụ án Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan tiếp tục với phần xét hỏi bị cáo Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Nguyễn Cao Trí - cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư và Quản lý Giáo dục Văn Lang, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Capella.
Bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc cùng lúc 3 tội danh “Tham ô tài sản”, “Đưa hối lộ” “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Bà Trương Mỹ Lan sẽ được HĐXX xét hỏi tại phiên toà ngày mai (11/3).
Để phục vụ cho việc làm phi pháp của mình, bà Trương Mỹ Lan đã thành lập, xây dựng hơn 1.000 doanh nghiệp gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước, được chia thành nhiều tầng lớp, trong đó Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giữ vai trò trung tâm, nắm giữ cổ phần, kiểm soát toàn bộ hoạt động của các công ty trong hệ sinh thái và thường không tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh doanh.
Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến tháng 10/2022, bà Trương Mỹ Lan đã thâu tóm, nắm giữ thực tế số lượng cổ phần gần tuyệt đối của Ngân hàng SCB (từ 85% đến 91,5% cổ phần). Qua đó, bà Lan thao túng toàn bộ hoạt động của SCB, phục vụ cho các mục đích khác nhau của mình.
Cơ quan điều tra xác định từ ngày 1/1/2012 đến ngày 31/12/2017, bà Lan đã chỉ đạo lập khống 368 hồ sơ vay vốn để rút tiền của Ngân hàng SCB sử dụng vào các mục đích khác nhau.
Cụ thể, từ 2012 đến tháng 10/2022, bà Lan đã chỉ đạo lập khống hồ sơ và SCB đã giải ngân hơn 2.500 khoản cho nhóm của mình (1.000 khoản cho cá nhân, 1.500 khoản cho tổ chức) với tổng số tiền hơn 1.066.600 tỷ đồng. Khi giải ngân, SCB sẽ chuyển cho các cá nhân hoặc pháp nhân theo phương án vay vốn.
Tính đến thời điểm khởi tố vụ án vào tháng 10/2022, nhóm bà Lan còn 1.284 khoản vay với dư nợ 677.200 tỷ đồng, trong đó 483.900 tỷ đồng nợ gốc và 193.300 tiền lãi. Dư nợ gốc chiếm 93% tổng dư nợ gốc của hơn 23.000 khoản vay còn dư nợ tại SCB. Hiện các khoản nợ này không có khả năng thu hồi.
Đáng chú ý, số tiền 1.066.600 tỷ đồng là tiền tính theo phương pháp lũy kế (cộng dồn) nên cơ quan chức năng chỉ truy vết về dòng tiền của 1.284 khoản vay. Các khoản này còn dư nợ gốc là 483.900 tỷ đồng nhưng thực tế khi giải ngân là 525.400 tỷ.
Trong 525.400 tỷ đồng được giải ngân của 1.284 khoản vay, bà Lan đã chuyển ra ngoài hệ thống SCB 57.000 tỷ đồng, rút tiền mặt 81.800 tỷ đồng, trả nợ khoản vay cũ tại SCB 57.000 tỷ đồng, chuyển khoản nội bộ trong SCB 5.200 tỷ. Như vậy, tiền chuyển ra khỏi hệ thống SCB và rút tiền mặt của bà Lan chiếm 88% tổng tiền giải ngân.
Với số tiền trên, bà Trương Mỹ Lan sử dụng để trả nợ các khoản tiền mua bất động sản, mua cổ phần dự án và sử dụng vào nhiều mục đích cá nhân khác.
Rút tiền mặt như thế nào?
Khi tiền rút khỏi ngân hàng, bà Lan sẽ chỉ đạo cấp dưới chuyển từ công ty được giải ngân sang tài khoản của các pháp nhân hay cá nhân “ma”. Khi cần sử dụng, bà Lan yêu cầu chuyển tiền lòng vòng trong các công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát để tránh bị kiểm toán.
Bà Trương Mỹ Lan rút từ SCB số tiền 1.066.600 tỷ đồng.
Nếu cần tiền mặt, bà Lan chỉ đạo nhân viên làm các thủ tục khống để hợp thức chứng từ rút tiền. Tiền mặt xuất khỏi Ngân hàng SCB, bà Lan sẽ chỉ đạo lái xe dùng ô tô chở về nhà riêng ở tòa nhà Sherwood (số 127 Pasteur, quận 3, TPHCM) hoặc trụ sở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (số 193 - 203 Trần Hưng Đạo, TPHCM).
Từ tháng 2/2019 đến 9/2022, lái xe đã vận chuyển 108.000 tỷ đồng và 14,7 triệu USD (khoảng 355 tỷ đồng) tiền mặt từ SCB về nhà bà Lan hoặc trụ sở Vạn Thịnh Phát. Nhiều lần, bà Lan chỉ đạo lái xe đưa cho một số người.
Bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc phạm tội tham ô tài sản, chiếm đoạt hơn 304.000 tỷ đồng của SCB. Hành vi này còn gây thiệt hại hơn 129.000 tỷ đồng tiền lãi phát sinh.
Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát còn bị cáo buộc phạm tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, gây thiệt hại hơn 64.000 tỷ đồng cho SCB.
Tội danh thứ ba mà bà Lan bị truy tố là đưa hối lộ. Để bưng bít sai phạm tại SCB, bà Lan chỉ đạo các nhân sự cấp cao của SCB chi tiền, quà cho thành viên đoàn thanh tra với tổng số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng.
2 người trong nhóm dùng súng cướp tiệm vàng ở Bình Dương bị bắt
Ngày 10-3, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Bình Dương) cho biết đã bắt giữ 3 nam thanh niên liên quan đến vụ cướp tiệm vàng xảy ra tại tiệm vàng Bích Quý (thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, Bình Dương) xảy ra vào ngày 3-3.
Hai nam thanh niên trực tiếp tiếp tham gia cướp tiệm vàng. Ảnh: CACC
Nhóm thanh niên đang bị tạm giữ gồm: Nguyễn Linh Đoan (sinh ngày 1994, HKTT tại Quảng Nam), Trần Quang Triệu (sinh năm 199, HKTT tại Bình Định) và Nguyễn Văn Thịnh (sinh năm 1995, HKTT tại Bà Rịa-Vũng Tàu).
Trong đó, Đoan và Triệu là 2 trong số 4 thành viên trực tiếp tham gia vụ cướp tiệm vàng. Còn Thịnh, không trực tiếp tham gia cướp nhưng đã giúp sức cho Đoan tiêu thụ một số vàng đã cướp được.
Đoan bị lực lượng công an bắt giữ khi đang lẩn trốn tại một khách sạn tại TP Vũng Tàu, còn Triệu sau thời gian được vận động đã ra đầu thú.
Theo cơ quan công an, sau khi bắt được những người này đã thu giữ số lượng lớn vàng bị cướp.
Hiện tại, lực lượng công an đã xác định được nhân thân hai người còn lại trong nhóm cướp và đang tiến hành truy bắt, đồng thời vận động ra đầu thú.
Cũng theo cơ quan công an, nhóm này tham gia các hội nhóm vỡ nợ làm liều trên mạng xã hội facebook và các ứng dụng mạng xã hội khác sau đó kết nối với nhau rồi bàn bạc cùng nhau đi cướp tiệm vàng.
Thịnh là người giúp Đoan bán số vàng đã cướp được. Ảnh: CACC
Ban đầu lời khai của chủ tiệm vàng xác định có hai nam, hai nữ tham gia cướp tiệm vàng. Nhưng sau khi điều tra bắt giữ 2 thành viên trong nhóm, lực lượng công an xác định cả 4 người đều là nam.
Như PLO đã đưa tin, khoảng hơn gần 12 giờ ngày 3-3, nhóm 4 người đi trên hai chiếc xe máy bất ngờ xông vào tiệm vàng Bích Quý.
Một người chĩa một vật giống súng đe dọa, để đồng bọn dùng búa đập kính cướp đi số lượng lớn vàng trong tủ.Nhóm này sử dụng hai chiếc xe máy nhãn hiệu Exceiter và Vario để gây án.
Sau khi gây án, hai người tẩu thoát hướng thị xã Chơn Thành (Bình Phước), hai người khác tẩu thoát theo hướng thị xã Bến Cát (Bình Dương).
Theo chủ tiệm vàng, số vàng bị cướp khoảng gần 40 lượng (hơn 1,6 tỉ đồng).
Đề xuất bổ sung người bắt buộc tham gia BHYT
Bộ Y tế vừa có tờ trình gửi Chính phủ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.
Theo đó, Bộ Y tế đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về các đối tượng bắt buộc tham gia BHYT, bao gồm: người lao động có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên; người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có hưởng tiền lương; chủ hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh.
Đồng thời, bổ sung người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ/giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên.
Bộ Y tế đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về các đối tượng bắt buộc tham gia BHYT. Ảnh: TT
Bên cạnh đó, dự thảo đề xuất cập nhật các đối tượng bắt buộc tham gia BHYT đã được quy định tại các Nghị định của Chính phủ, như: người dân các xã An toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hiện đang thường trú tại các xã An toàn khu cách mạng trên đã được cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu dân cư về cư trú.
Dự thảo đề xuất điều chỉnh quy định về nhóm tự đóng BHYT. Trong đó, bổ sung quy định người sinh sống, làm việc, người được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các tổ chức, cơ sở từ thiện, tôn giáo; người Việt Nam không có giấy tờ tuỳ thân; người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam mà không thuộc các đối tượng đã được quy định trong Luật; người lao động trong thời gian nghỉ không hưởng lương hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động, thì tự đóng BHYT hoặc tham gia theo hình thức hộ gia đình.
Theo Bộ Y tế, những đề xuất trên nhằm tăng tỉ lệ người tham gia BHYT, tăng nguồn thu cho quỹ BHYT, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT, và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của quy định về BHYT với quy định về BHXH và các lĩnh vực liên quan khác.
Năm 2023 có khoảng 2 triệu hộ có đăng ký kinh doanh. Theo Bộ Y tế, nếu chỉ riêng đối tượng này tham gia BHYT thì quỹ BHYT có thể tăng thêm khoảng 1.944 tỉ đồng mỗi năm.
Riêng trong quý I năm 2023, chỉ tính tại Bình Dương có hơn 36.300 lao động nghỉ không hưởng lương hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động, khi quy định đối tượng này tiếp tục tham gia BHYT sẽ giúp duy trì ổn định đối tượng và nguồn thu của quỹ BHYT.
Cây xăng lo bị rút giấy phép do chậm xuất hóa đơn điện tử từng lần
Cơ quan thuế tăng kiểm tra liên ngành, nhiều doanh nghiệp vẫn lúng túng khi triển khai xuất hóa đơn điện tử từng lần, lo bị rút giấy phép nếu không xong trước 31/3.
Thủ tướng từng yêu cầu các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phải lập hóa đơn điện tử từng lần bán và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế trong tháng 12/2023. Tuy nhiên, hiện đã quá thời hạn này hơn 2 tháng, gần 9.500 cây xăng, chiếm 56% số lượng cả nước chưa thực hiện đúng quy định, theo cập nhật đến 26/2 từ Bộ Tài chính.
Tại Nghị quyết ngày 5/3, Chính phủ yêu cầu các địa phương phối hợp với cơ quan thuế xử lý các doanh nghiệp đến hết ngày 31/3 chưa triển khai việc xuất hóa đơn này. Chế tài xử lý nặng nhất là yêu cầu doanh nghiệp vi phạm tạm dừng hoạt động, thu hồi giấy phép, chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.
Lo bị rút giấy phép, nhiều doanh nghiệp rốt ráo tìm giải pháp nhưng còn gặp vướng liên quan tới các vấn đề kỹ thuật như lựa chọn công nghệ, kiểm định cột bơm.
Giám đốc một cửa hàng xăng tư nhân ở Hà Nội cho biết theo quy định trụ bơm dầu phải được duyệt mẫu, doanh nghiệp không được tự gắn các thiết bị vào trụ bơm, dễ dẫn tới sai số, vi phạm quy định đo lường. Hiện doanh nghiệp này làm việc với đối tác công nghệ nhưng chưa đảm bảo quy định khi đấu nối thông tin trụ bơm xăng và hệ thống quản lý.
Trong khi chờ đối tác, doanh nghiệp này tìm hiểu một số phương án khác từ các đơn vị cung cấp giải pháp như dùng máy Pos cầm tay, thiết bị camera AI, ứng dụng trên điện thoại, sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Nhưng điều ông băn khoăn là mức độ đáp ứng của công nghệ, bởi mỗi ngày có hàng nghìn lượt khách đổ xăng với nhiều mức giá khác nhau, tương ứng số lượng hóa đơn xuất ra sẽ rất lớn.
"Nếu hạ tầng công nghệ thông tin không tốt, chưa đồng bộ sẽ dẫn đến tắc nghẽn, ảnh hưởng tới khách hàng, hoạt động của cửa hàng", ông nói.
Ngoài ra, chi phí 40-60 đồng một hóa đơn khi xuất ra cũng là áp lực tài chính cho doanh nghiệp khi triển khai. Chưa kể, doanh nghiệp còn phải chịu các chi phí đường truyền kết nối, chi phí thanh toán nếu người tiêu dùng sử dụng thẻ, chi phí phần mềm bán hàng, quản lý xăng dầu...
Cây xăng gần bến xe Miền Đông, phường 26, quận Bình Thạnh dựng ghế, thanh sắt tạo thành lối nhỏ để bán từng xe một, sáng 11/10. Ảnh: Đình Văn
Một số doanh nghiệp phản ánh chưa thể triển khai do chậm hướng dẫn, phối hợp thiếu đồng nhất từ các cơ quan liên quan. Ông Nguyễn Hùng Việt, chủ doanh nghiệp tư nhân xăng dầu ở Sóc Trăng, cho biết từ đầu tháng 3 đã gửi đơn kiến nghị lên Cục thuế của tỉnh nhờ hỗ trợ nhưng tới nay cơ quan này vẫn chưa đưa ra được hướng xử lý thích hợp.
"Chúng tôi chưa biết triển khai theo cách nào", ông Việt nói. Theo ông, công điện mới nhất số 38 của Sở Khoa học Công nghệ Sóc Trăng quy định không cho bất cứ đơn vị nào tác động vào trụ bơm. Ngoài ra, họ giới thiệu kết nối với các nhà mạng, như VNPT và Viettel để tiến hành kết nối để xuất hóa đơn điện tử từng lần. Khi trao đổi, các đơn vị này yêu cầu doanh nghiệp dùng máy Pos cầm tay. Nếu sử dụng máy Pos thì phương án này sai với công điện của Thủ tướng. Theo Thủ tướng, việc xuất hóa đơn từng lần được kết nối từ trụ bơm về cục thuế. Tuy nhiên, để làm theo công điện khá phức tạp vì tới nay cục thuế tỉnh cũng vẫn đang loay hoay và chưa có hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp.
"Chúng tôi sẵn sàng thực hiện hóa đơn điện tử từng lần nhưng chỉ đạo từ các sở ngành liên quan như Cục Thuế, Sở Khoa học & Công nghệ không thống nhất nên doanh nghiệp đang ở ngã ba đường", ông nói.
Tương tự, giám đốc một doanh nghiệp sở hữu gần chục cây xăng ở TP HCM cho rằng khó hoàn thành hóa đơn điện tử từng lần trong tháng này.
"Yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện nhưng cán bộ thuế chưa tới hiện trường để hỗ trợ kết nối, mở niêm phong trụ bơm, đấu nối truyền dữ liệu từ cột bơm xăng dầu của doanh nghiệp", ông nói. Ông đề nghị cơ quan thuế và các sở ngành liên quan cần phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng.
Là doanh nghiệp đã xuất hóa đơn điện tử theo quy định, ông Đặng Hoài Phương, Giám đốc Công ty TNHH xăng dầu Phương Nam Lâm Đồng cho biết trước đó cũng đã phải gửi văn bản lên UBND tỉnh Lâm Đồng được hướng dẫn phối hợp triển khai. "Việc thực hiện hóa đơn điện từ từng lần một mình doanh nghiệp không thể làm được, cần sự phối hợp của các cơ quan ban ngành trong tỉnh", ông nói.
Thừa nhận điều này, lãnh đạo Sở Công Thương TP HCM, cho biết thành phố mới có khoảng 30% doanh nghiệp thực hiện. Để hoàn thành 100% trong tháng 3, theo ông là rất khó bởi cần phối hợp giữa các bên.
Hiện Sở Công Thương thành phố tiếp tục hỗ trợ cơ quan thuế làm việc với từng doanh nghiệp, cửa hàng xăng dầu, các doanh nghiệp cung cấp giải pháp. Từ đó, xác định cụ thể mức độ, khả năng đáp ứng và sẽ ưu tiên triển khai trước các doanh nghiệp có đầy đủ trang thiết bị, kết nối.
Cùng với TP HCM, nhiều địa phương cũng có tỷ lệ đạt dưới mức 55% số cửa hàng bán lẻ xăng dầu phát hành hóa đơn điện tử từng lần bán hàng. Trong khi, một số địa phương khác có tỷ lệ triển khai cao hơn, trên 80% như Bắc Ninh, Đăk Lăk, Thanh Hóa, Yên Bái, Nam Định, Hà Nội, Hải Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu...
Để đẩy nhanh đồng đều, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Phi Vân Tuấn yêu cầu các Cục Thuế có kết quả cao cần phối hợp với nơi có kết quả chưa cao để "chia sẻ kinh nghiệm, tìm ra nguyên nhân, giải pháp phù hợp để triển khai".
Liên quan đến vướng mắc kỹ thuật, hiện Bộ Khoa học & Công nghệ đã yêu cầu các Sở Khoa học & Công nghệ, Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng phối hợp với cơ quan thuế tại địa phương hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân liên quan tích cực triển khai các giải pháp phù hợp.
Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế tài chính, doanh nghiệp cũng cần có thời gian chuẩn bị, tính toán công nghệ, lựa chọn phần mềm, chi phí. Ngược lại, cơ quan thuế cũng cần có thời gian hướng dẫn, triển khai và hỗ trợ.
Tuy nhiên, ông Thịnh cho rằng kinh doanh xăng dầu cũng cần phải bình đẳng, minh bạch với các lĩnh vực khác đã triển khai từ tháng 7/2022 theo Luật Quản lý thuế. Theo ông, việc áp dụng hóa đơn điện tử, kết nối dữ liệu với cơ quan thuế là một trong những yêu cầu bắt buộc. "Bán lẻ xăng dầu được áp dụng trễ nhất, do đó, đã đến lúc phải thực hiện", ông nói.
Giới chuyên môn đánh giá để quy định sớm đi vào cuộc sống, cơ quan quản lý, đặc biệt là ngành thuế phải có hướng dẫn đồng bộ, trong đó cần lưu tâm hoàn cảnh thực tế của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu. "Mọi yêu cầu đúng pháp luật, song không quá rắc rối khiến doanh nghiệp đội chi phí không cần thiết", ông nói.
Đại án đăng kiểm, công an TP.HCM khởi tố thêm 63 bị can
Từ ngày 29-2 đến 5-3, Cơ quan CSĐT - Công an TP.HCM khởi tố bị can, bắt tạm giam 63 bị can tại 10 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới và các doanh nghiệp thi công, cải tạo phương tiện xe cơ giới trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, liên quan đến các tội nhận hối lộ; đưa hối lộ; môi giới hối lộ; làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức, theo phê chuẩn của VKSND cùng cấp.
Đây là kết quả mới nhất từ việc mở rộng điều tra đại án đăng kiểm. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, cơ quan tố tụng TP.HCM đã khởi tố tổng cộng 318 bị can liên quan đến các hành vi sai phạm trong lĩnh vực đăng kiểm.
Công an TP.HCM cho biết đã tiếp tục khởi tố thêm 63 người liên quan đến "đại án đăng kiểm". Ảnh: CA
Các bị can này bị điều tra về tổng cộng 11 tội danh: nhận hối lộ; đưa hối lộ; môi giới hối lộ; sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; tham ô tài sản; giả mạo trong công tác; sản xuất, mua bán, trao đổi, tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật; xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác; làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức; lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Những người này bị khởi tố trong khoảng thời gian từ 29-2 đến ngày 5-3. Ảnh: CA
Trong đại án đăng kiểm phần do Công an TP.HCM thụ lý này, đến nay đã từng bước làm rõ hành vi sai phạm tiêu cực có hệ thống, được tổ chức xuyên suốt từ một số lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, Phòng Kiểm định xe cơ giới đến giám đốc nhiều trung tâm đăng kiểm, cũng như nhiều doanh nghiệp liên quan, gây hậu quả đặc biệt lớn cho xã hội.
Hiện Công an TP.HCM đang tiếp tục mở rộng điều tra, xử lý. Ảnh: CA
Công an TP.HCM cho biết quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã báo cáo Bộ Công an kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thực hiện một loạt nhóm giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đăng kiểm xe cơ giới.
Điển hình như: miễn đăng kiểm xe cơ giới lần đầu, giãn cách chu kỳ đăng kiểm, phân cấp phân quyền gắn với thanh tra, kiểm soát chặt hoạt động đăng kiểm cho các địa phương… góp phần từng bước quản lý chặt chẽ hơn hoạt động kiểm định xe cơ giới vừa góp phần nâng cao an toàn phương tiện và bảo vệ tính mạng con người; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.
Đại án đăng kiểm đang được điều tra trên cả nước. Ở một số địa phương khác, như Hà Nội, có vụ án liên quan đến hoạt động đăng kiểm thì do cơ quan tố tụng cấp huyện thụ lý. Với vụ án đăng kiểm do Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP.HCM thụ lý này thì đang trong quá trình mở rộng điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Tước bằng lái tài xế ô tô ngang nhiên chạy ngược chiều ở Hà Nội
Chiều 10/3, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an cho biết, Đội CSGT đường bộ số 4 thuộc Phòng CSGT Công an TP Hà Nội vừa mời tài xế ô tô con đi ngược chiều tại đường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội lên lập biên bản xử phạt.
Trước đó, người dân đăng video ghi lại cảnh ô tô mang biển số màu vàng 29H-906.XX đi ngược chiều tại đường Minh Khai (đoạn qua Khu đô thị Times City).
Ngay khi tiếp nhận phản ánh, Đội CSGT đường bộ số 4 nhanh chóng vào cuộc xác minh.
Qua đó, cảnh sát xác định, tài xế điều khiển phương tiện nêu trên là P.Đ.M (SN 1988, trú tại huyện Gia Lâm, Hà Nội).
Đội CSGT đường bộ số 4 đã mời tài xế này đến trụ sở cơ quan công an làm việc. Tại đây, tài xế M đã thừa nhận toàn bộ hành vi của mình.
CSGT đã lập biên bản xử phạt tài xế P.Đ.M vi phạm lỗi đi ngược chiều trên đường có biển cấm đi ngược chiều. Với lỗi này, tài xế M bị xử phạt 5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 3 tháng.