Tin tức 24h: Ngày nhuận 29/2 có ý nghĩa gì và tại sao không phải cứ 4 năm lại có một năm nhuận?

Google News

Năm 2024 là năm nhuận và tháng 2 sẽ có 29 ngày chứ không phải 28 ngày như phần lớn các năm khác. Vậy năm nhuận như năm nay là để làm gì, và hóa ra không phải cứ 4 năm lại có một năm nhuận, tại sao lại như vậy?

Ngày nhuận 29/2 có ý nghĩa gì và tại sao không phải cứ 4 năm lại có một năm nhuận?

Tháng 2 năm nay sẽ có một ngày khác với phần lớn các năm khác, đó là ngày 29/2, cũng được gọi là ngày nhuận.

Ngày nhuận có thể được coi là ngày may mắn hoặc kém may mắn tùy theo từng nền văn hóa, nhưng theo khoa học thì nó không phải may hay không may, mà chỉ là một ngày cần thiết để giúp lịch của chúng ta phù hợp với các vòng quay của Trái Đất quanh Mặt Trời.

Tháng 2 năm nay có ngày nhuận. Ảnh: Jagranjosh.

Trái Đất đi một vòng quanh Mặt Trời hết 365 ngày, 5 giờ, 48 phút và 45 giây (tức là 365 và khoảng 1/4 ngày), gọi là một năm nhiệt đới. Tuy nhiên, lịch mà hầu hết các nước trên thế giới đang dùng chỉ có 365 ngày/năm. Nếu không có ngày nhuận thì mỗi năm sẽ bắt đầu sớm hơn khoảng 6 tiếng so với vòng quay của Trái Đất quanh Mặt Trời.

Với độ lệch như vậy, các mùa sẽ bị thay đổi khoảng 24 ngày trong 100 năm và nếu việc này cứ tiếp diễn trong vài thế kỷ thì những người ở Bắc Bán cầu sẽ mừng Giáng Sinh vào giữa mùa Hè.

Như vậy, ý nghĩa của những ngày nhuận chính là để cho Trái Đất có thời gian cần thiết mà đi một vòng quanh Mặt Trời.

Nếu không có ngày nhuận, độ lệch giữa lịch và vòng quay của Trái Đất quanh Mặt Trời sẽ ngày càng tăng. Ảnh: Getty.

Nhưng khác với điều mà hầu hết chúng ta vẫn tưởng, không phải cứ 4 năm lại có một năm nhuận. Nếu một năm nhiệt đới dài hơn chính xác 6 giờ so với một năm dương lịch (365 ngày) thì mới đều đặn 4 năm có một năm nhuận. Nhưng 5 giờ, 48 phút và 45 giây dù sao cũng không phải là 6 giờ mà.

Để điều chỉnh việc này, lại có bộ nguyên tắc hơi phức tạp hơn để quyết định năm nào là năm nhuận. Để là một năm nhuận, năm đó phải chia hết cho 4; nhưng nếu cũng chia hết cho 100 thì nó không là năm nhuận, trừ phi nó cũng chia hết cho 400.

Theo bộ nguyên tắc này thì năm 1800 và 1900 không phải là năm nhuận nhưng năm 2000 là năm nhuận. Năm 2100 dù chia hết cho 4 nhưng cũng sẽ không phải năm nhuận. Bộ nguyên tắc này cũng vẫn không hoàn hảo, nhưng sự chênh lệch giữa lịch và vòng quay của Trái Đất là rất nhỏ rồi.

Năm 2000 là năm nhuận nhưng 2100 thì không. Ảnh: Explorer's TV.

Như vậy, ngày 29/2 là để giúp lịch được khớp với đất trời, nên dù người ta có niềm tin thế nào về nó thì đây cũng vẫn là một ngày rất đặc biệt.

Đề xuất ba phương án nâng mức đóng bảo hiểm y tế

Mức đóng BHYT hiện được xác định theo tỷ lệ % tiền lương tháng tính đóng BHXH, lương hưu, trợ cấp thất nghiệp hoặc lương cơ sở tùy nhóm tham gia, hiện bằng 4,5% và tối đa 6%.

Bộ Y tế đang lấy ý kiến dự thảo Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi. Trong Báo cáo đánh giá tác động chính sách luật, Bộ cho rằng mức đóng trên chưa tương xứng với mức hưởng. Trong khi đó, tổng chi Quỹ Bảo hiểm y tế năm sau luôn cao hơn năm trước và nhu cầu mở rộng phạm vi chi trả ngày càng lớn. Những năm tới, Quỹ sẽ tăng chi do thực hiện tính đúng tính đủ giá dịch vụ y tế, trong khi luật chưa có cơ chế và lộ trình để tăng dần mức đóng.

Giờ làm việc của nhân viên y tế Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM), tháng 7/2023. Ảnh: Như Quỳnh

Từ thực tế trên, Bộ Y tế đề xuất ba phương án nâng dần mức đóng phù hợp phạm vi quyền lợi BHYT và nhu cầu khám chữa bệnh của người tham gia.

Phương án một, giữ nguyên mức đóng tối đa 6% như hiện nay nhưng đưa lộ trình tăng mức đóng vào luật sửa đổi. Cụ thể, từ ngày 1/1/2025, tiền đóng tăng lên bằng 5,1% lương tháng tính đóng BHXH của người lao động, trợ cấp thất nghiệp hoặc lương cơ sở, tùy nhóm tham gia. Từ ngày 1/1/2035, mức đóng tăng lên 6% lương tháng của người lao động.

Theo Bộ Y tế, phương án này giúp tăng nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế, cơ sở y tế có thêm kinh phí, tăng quyền lợi khám chữa lẫn tiếp cận dịch vụ của người dân cũng như hiệu quả điều trị.

Song lộ trình này cũng làm tăng chi ngân sách nhà nước, doanh nghiệp, hộ gia đình và người lao động. Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam năm 2021, với mức đóng hiện bằng 4,5% lương cơ sở thì ngân sách đang chi gần 42.300 tỷ đồng. Tăng mức đóng lên 5,1%, ngân sách nhà nước chi thêm 5.700 tỷ đồng mỗi năm và gần 14.100 tỷ đồng nếu mức đóng BHYT tăng lên 6%.

Với doanh nghiệp, tiền đóng BHYT năm 2021 đạt 29.200 tỷ đồng. Nếu tăng mức đóng lên 5,1% lương tháng của người lao động thì doanh nghiệp đóng bổ sung gần 3.900 tỷ đồng và tăng hơn 9.730 tỷ đồng nếu mức đóng là 6%.

Phương án hai, mức đóng tối đa được giữ nguyên 6% như luật hiện hành song lộ trình nâng với tỷ lệ cao hơn. Cụ thể, từ ngày 1/1/2025 mức đóng tăng lên 5,4% lương tháng của người lao động, trợ cấp thất nghiệp hoặc lương cơ sở, tùy vào nhóm tham gia. Từ ngày 1/1/2035, mức đóng tăng lên 6%.

Tương tự như phương án đầu, lộ trình này cũng làm tăng chi phí của ngân sách nhà nước, doanh nghiệp, người lao động lẫn hộ gia đình. Cụ thể, nếu mức đóng tăng lên 5,4% vào năm 2025 thì ngân sách nhà nước chi bổ sung gần 8.500 tỷ đồng; doanh nghiệp chi thêm hơn 5.840 tỷ đồng; người lao động tăng chi 2.920 tỷ đồng và hộ gia đình thêm gần 4.870 tỷ đồng.

Phương án ba giữ nguyên quy định hiện hành mức đóng tối đa 6%, chưa tính đến lộ trình tăng nhưng giao Chính phủ quy định khi cần thiết. Phương án này không làm tăng chi phí của xã hội song rất khó để Chính phủ quyết định thời điểm tăng do luật không quy định. Các cơ sở y tế đối mặt với gánh nặng chi phí trong bối cảnh người khám chữa BHYT tăng, Quỹ Bảo hiểm y tế có thể mất cân đối thu chi.

Sau khi đánh giá lợi và hại, Bộ Y tế lựa chọn phương án ba vì không gây tăng chi từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp lẫn hỗ trợ thân nhân người lao động. Lộ trình tăng như hai phương án đầu sẽ được cân nhắc trong lần sửa đổi tổng thể Luật Bảo hiểm y tế sau này khi đủ điều kiện kinh tế xã hội và thời gian nghiên cứu.

Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5/2024 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Cuối năm 2023, cả nước có gần 93,7 triệu người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ trên 93% dân số. Việt Nam đặt mục tiêu năm 2025 bao phủ BHYT trên 95% dân số.

2 người đi xe máy tử vong sau tai nạn nghiêm trọng

Ngày 26-2, trao đổi với PLO, Văn phòng UBND huyện Đăk Tô (Kon Tum) cho biết, tối 25-2, trên địa bàn xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến hai người tử vong. Vụ việc đang được cơ quan công an điều tra làm rõ nguyên nhân tai nạn.

Hiện trường vụ tai nạn khiến hai người đi xe máy tử vong. Ảnh: ĐN.

Trước đó, khoảng 21 giờ ngày 25-2, tại km 1518+100 đường Hồ Chí Minh (đoạn qua thôn 4 xã Diên Bình, Đăk Tô) xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe ô tô con 82A-09582 do Nguyễn Văn Du (44 tuổi, ngụ xã Sa Sơn, Sa Thầy) điều khiển va chạm với xe máy 82F1-03391 do A Thuê (20 tuổi) chở theo A Thom (14 tuổi, ngụ thôn Đăk Kang Pêng, Diên Bình, Đăk Tô) lưu thông hướng ngược lại.

Hậu quả, A Thuê, A Thom tử vong tại chỗ. Hai phương tiện bị hư hỏng nặng.

Người đàn ông bị đổ xăng, châm lửa đốt giữa quán bia ở Hà Nội tử vong

Liên quan vụ người đàn ông đổ xăng lên đầu tình địch, châm lửa đốt ở Hà Nội, ngày 26/2, lãnh đạo Công an quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội, cho biết ông H. (55 tuổi, nạn nhân) đã tử vong.

Nghi phạm Nguyễn Văn Hoan (Ảnh: Công an Hà Nội).

Theo cơ quan chức năng, khoảng 14h ngày 22/2, ông Hoan phát hiện vợ là bà N. và ông H. (55 tuổi) đi từ hướng nhà nghỉ tại phố Linh Đường ra. Hoan gọi thì ông H. bỏ chạy. Do bức xúc nên ông Hoan đi xe máy về nhà, lấy chai nhựa, loại 1,5 lít, đi mua xăng để trả thù ông H.

Sau khi mua 20.000 đồng xăng cho vào chai nhựa, nghi phạm đi tìm ông H. thì phát hiện tình địch đang ngồi uống bia với bạn tại quán bia trên đường Giải Phóng.

Lúc này, Hoan cầm chai xăng, đi vào vị trí ông H. đang ngồi, rồi đổ thẳng xăng lên người đối phương và châm lửa đốt. Ông H. sau đó được người dân dập lửa và đưa đi cấp cứu, còn Hoan bỏ đi.

Hiện vụ việc đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra, làm rõ.

H.A

Bình luận(0)