Hơn 20.000 nhà dân bị ngập sâu ở Quảng Bình: Làng mạc "xứ Lệ" chìm trong biển nước
Đến chiều 28-10, một số khu vực ở Quảng Bình vẫn đang còn đổ mưa lớn, mưa không ngớt. Nếu trời tiếp tục mưa lớn như thế này, các địa phương ở 2 huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh dự báo sẽ hứng trận lũ lịch sử hơn cả tháng 10-2020.
Thống kê sơ bộ, đến 15 giờ hôm nay đã có hơn 20.000 ngôi nhà người dân ở 2 huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh - đang bị ngập sâu trong biển nước, làm tê liệt nhiều khu vực và nhấn chìm hàng loạt ngôi làng.
Tại huyện Lệ Thủy có hơn 12.000 ngôi nhà người dân bị ngập, nhiều làng mạc bị nhấn chìm trong dòng nước lũ. Nặng nhất là các địa phương vùng trũng nằm ven sông Kiến Giang, như: Thị trấn Kiến Giang, An Thủy, Lộc Thủy, Cam Thủy…. hầu như 90% nhà dân còn bị ngập nặng, có nhà bị ngập sâu hơn 1,5m.
Nước lũ từ thượng nguồn đổ về, kết hợp với mưa lớn kéo dài nhiều ngày, khiến mực nước dâng cao chưa từng thấy. Các tuyến đường chính bị chia cắt, nhà cửa ngập trong nước, nhiều hộ dân phải sơ tán hoặc sống trong điều kiện thiếu thốn.
Nhiều địa phương bị ngập rất sâu, chính quyền các xã đang khuyến cáo người dân hạn chế đi lại bằng ghe thuyền để tránh nguy hiểm, trường hợp quá cần thiết như phải đưa người đi sinh đẻ, chữa bệnh thì phải trang bị áo phao, sử dụng ghe lớn để đảm bảo an toàn.
Trong khi đó, tại huyện Quảng Ninh có hơn 9.000 nhà dân bị ngập, nước sông Long Đại dâng cao, khiến toàn bộ làng mạc của các xã: Hiền Ninh, Tân Ninh, Duy Ninh, Võ Ninh… bị ngập lụt nặng nề. Các lực lượng chức năng trên địa bàn huyện này đã di dời 1.015 hộ/2.307 khẩu đến nơi an toàn.
Dòng nước hung dữ tràn vào các khu dân cư, nhấn chìm nhiều nhà cửa, hoa màu, gia súc và tài sản của bà con. Những hình ảnh từ vùng ngập lụt cho thấy cảnh tượng xót xa, nước mênh mông kéo dài không thấy bờ. Người dân phải sử dụng thuyền hoặc các phương tiện cứu trợ để di chuyển, tiếp cận nguồn lương thực và nước uống.
Ông Lê Ngọc Huân, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết đã chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp với các xã, thị trấn khẩn trương thực hiện công tác cứu hộ, di dời các hộ dân ở vùng có nguy cơ ngập sâu đến nơi an toàn; triển khai các phương án ứng cứu, bảo đảm nhu yếu phẩm cho người dân ở các thôn, bản bị chia cắt. Đồng thời, tiếp tục theo dõi sát tình hình mưa lũ, triển khai kịp thời các phương án ứng phó trong các tình huống khẩn cấp.
Trong ngày 28-10, ông Trần Thắng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã đi kiểm tra công tác ứng phó với mưa lũ tại huyện Lệ Thủy. Tại các nơi đến thăm, ông Thắng yêu cầu, các lực lượng chức năng của tỉnh và huyện cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ, huy động cán bộ, chiến sĩ ứng trực để kịp thời xử lý các tình huống có thể xảy ra nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân.
Dưới đây là một số hình ảnh trận lũ lịch sử tại huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh:
Những khu vực nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất sau bão số 6
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong 24 giờ qua (từ 13 giờ ngày 27/10 đến 13 giờ ngày 28/10), khu vực các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam đã có mưa to, có nơi mưa rất to như: Hồ Kim Sơn 337,6mm (Hà Tĩnh); Lâm Thủy 630,2mm (Quảng Bình); Hướng Lập 307mm (Quảng Trị); Hồng Trung 79,2mm (Thừa Thiên Huế); La Dêê 103,4mm (Quảng Nam); ... Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.
Nhiều khu vực ở miền Trung đối mặt với lũ quét, sạt lở đất sau bão số 6.
Cảnh báo trong 3-6 giờ tới, khu vực các tỉnh trên tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến như sau: Quảng Bình từ 40-80mm, có nơi trên 100mm; Quảng Trị từ 30-60mm, có nơi trên 90mm; Hà Tĩnh và Thừa Thiên Huế từ 15-40mm, có nơi trên 60mm. Trong 6 giờ tới, nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều huyện gồm:
Các điểm có nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất chiều 28/10.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy: Cấp 1; các tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị: Cấp 2. Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.
Cơ quan khí tượng kiến nghị các cơ quan chức năng tại địa phương lưu ý rà soát các điểm nghẽn dòng, các vị trí xung yếu trên địa bàn để có biện pháp phòng tránh, ứng phó.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh, ngày và đêm 28/10 ở vịnh Bắc Bộ, vùng biển phía Đông khu vực Bắc và giữa Biển Đông vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.
Ngày và đêm 29/10, Vịnh Bắc Bộ và vùng biển phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9; sóng biển cao 2,0-4,5m; biển động mạnh. Vùng biển từ Khánh Hòa đến Ninh Thuận, phía Tây của khu vực Giữa và Nam Biển Đông (Bao gồm vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; biển động; sóng biển cao từ 2,0-4,0m. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên các khu vực trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của lốc xoáy, gió mạnh và sóng lớn.
Bị bạn trai bạo hành 13 tiếng, cô gái nhắn tin cầu cứu bạn thân
Ngày 28/10, UBND thị trấn Ngọc Hồi (huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) cho biết, đã tiếp nhận thông tin, đang điều tra vụ một phụ nữ tố bị bạo hành trên địa bàn.
Nạn nhân bị hành hung nhiều bộ phận như mặt, chân, lưng
Theo đó, chị Lê Thị Thanh Thúy (31 tuổi) tố bị Trần Vũ Đức (40 tuổi, cùng trú thị trấn Ngọc Hồi) bạo hành gây chấn thương nhiều bộ phận như mặt, chân, lưng. Được biết, chị Thúy và bạn trai chưa đăng ký kết hôn, nhưng sống chung như vợ chồng và có với nhau một bé gái 7 tuổi.
Trao đổi với phóng viên, chị Thúy cho biết, đang nằm điều trị tại Bệnh viện 211 (TP.Pleiku, Gia Lai).
Theo chị Thúy, trước đó vào ngày 23/10, có đi ăn uống cùng với đồng nghiệp. Sau đó khi trở về nhà, ông Đức lên cơn ghen tuông mù quáng và thực hiện hành vi bạo hành.
“Tôi bị đánh đập bằng tay, cán dao và thắt lưng từ 0h-13h ngày 24/10. Trong quá trình hành hung, tôi bị tịch thu điện thoại, không được ăn uống và không thể kêu cứu hàng xóm vì cửa phòng, cửa nhà đều bị đóng kín. Tôi đã tìm nhiều biện pháp thoát thân nhưng đều thất bại. Bạn trai đôi khi còn ra ngoài kiểm tra xem có công an hay hàng xóm phát hiện hay không, sau đó lại tiếp tục quay trở lại đánh đập tôi" - bà Thúy chia sẻ.
Sau đó, phát hiện bạn trai sơ hở, chị Thúy đã lấy điện thoại dự phòng và nhắn tin cầu cứu một người bạn thân. Người bạn này đã gọi công an thị trấn đến giải cứu.
"Đến khoảng 15h cùng ngày, công an đến nhà làm việc và mời tôi cùng bạn trai đến cơ quan viết giấy tường trình. Khi hoàn tất thủ tục, tôi ngay lập tức đến bệnh viện để khám chữa bệnh”, bà Thúy nói.
Theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum, chị Thúy nhập viện vào 20h ngày 24/10 trong tình trạng đa chấn thương do bị đánh, sưng nề hai bên tai và mặt, có triệu chứng đau đầu.
“Vì đang điều trị nên tôi chưa thể làm việc với chính quyền. Mong rằng chính quyền và công an sớm vào cuộc để bảo vệ cho 2 mẹ con tôi. Tôi rất sợ khi quay trở về bạn trai sẽ quay trở lại đe dọa 2 mẹ con”, bà Thúy bày tỏ.
TP HCM: 1 thanh niên mượn xe máy rồi "mất tích" nhiều ngày
Ngày 28-10, mạng xã hội lan truyền thông tin "Thanh niên mượn xe máy xong đi luôn ở Thủ Đức".
Hình ảnh thanh niên cùng chiếc xe máy rời đi.
Anh V.T.C (23 tuổi, quê tỉnh Bình Định) kể khoảng 16 giờ 30 ngày 15-10, anh cùng một số người bạn ăn uống tại phòng trọ trên đường số 20, phường Phú Hữu, TP Thủ Đức. Sau đó, một thanh niên sống gần dãy trọ đến mượn xe máy.
Tin tưởng, anh C. cho mượn nhưng nhiều giờ sau không thấy thanh niên trở lại. Lo lắng, anh C. gọi điện thoại nhiều lần nhưng không được.
Theo anh C., anh chỉ mới quen người trên được vài ngày. Trước đó, anh có qua nhà trọ của thanh niên chơi. Sau khi xảy ra vụ việc, anh C. ghé lại thì được biết gia đình họ đã chuyển đi.
Sau đó 1 tuần, nam thanh niên có gọi điện xin anh C. 100.000 đồng đổ xăng để chạy về trả xe. Tuy nhiên đến nay, người này tiếp tục biến mất.
Vụ việc đang được Công an phường Phú Hữu xác minh, làm rõ.