Bệnh nhân N.T.D. (ngụ An Giang) được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy vào tháng 6/2024 trong tình trạng suy kiệt, chỉ nặng 39kg và phải dùng túi Duoplavin. Trước đó, bệnh nhân có tiền sử xuất huyết tiêu hóa, từng điều trị trong phòng ICU tại một bệnh viện ở địa phương suốt 20 ngày.
Sau khi ổn định, bệnh nhân xuất viện, nhưng không lâu sau lại tái nhập viện vì ho khạc ra máu. Kết quả nội soi phát hiện tình trạng rò khí thực quản, dẫn đến viêm phổi nặng. Điều trị ổn định, bệnh nhân mới được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy. Tại đây, qua nội soi, các bác sĩ phát hiện lỗ rò thực quản lớn và tiến hành phẫu thuật đóng lỗ rò thực quản.
Ông D. được chăm sóc tại Bệnh viện Chợ Rẫy. (Ảnh: BVCC).
Tuy nhiên, trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ lại phát hiện phần sau khí quản bị mất dẫn đến khí quản hẹp nghiêm trọng. Song, do sức khỏe bệnh nhân quá yếu, không thể tiến hành ca phẫu thuật lớn và kéo dài. Do đó, các bác sĩ quyết định mở khí quản tạm thời để cải thiện tình trạng hẹp khí quản.
Đến tháng 12/2024, bệnh nhân nhập viện để tiếp tục cuộc phẫu thuật thứ hai. Sau phẫu thuật, bệnh nhân được theo dõi sát sao tại phòng hồi sức trong 48 giờ trước khi được rút ống nội khí quản. Đến thời điểm hiện tại, bệnh nhân ăn uống không còn bị sặc và đang chuẩn bị xuất viện.
BS Hoàng Bá Dũng, Trưởng Khoa Tai - Mũi - Họng, BV Chợ Rẫy cho biết rò khí thực quản hay sẹo hẹp khí quản là các bệnh rất hiếm, trung bình từ 2 - 3 năm bệnh viện mới có một ca. Đây là lần đầu tiên Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện phẫu thuật cho ca bệnh bị sẹo hẹp khí quản và rò khí thực quản nặng với nhóm máu AB âm tính hiếm gặp.
“Do bệnh nhân thuộc diện máu hiếm, ngân hàng máu của bệnh viện không đủ đáp ứng nên ban đầu chúng tôi gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn vị máu. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực huy động máu từ người nhà bệnh nhân, ca phẫu thuật đã được thực hiện đúng kế hoạch", BS Dũng chia sẻ.
Bác Dũng cũng cho biết thêm, nguyên nhân dẫn đến bệnh sẹo hẹp khí quản và rò khí thực quản là do tình trạng đặt nội khí quản kéo dài hơn 10 ngày khi bệnh nhân hôn mê. Với bệnh lý này, bệnh nhân có thể lấy lại hơi thở tự nhiên bằng cách phẫu thuật. Trong trường hợp không thể phẫu thuật do sức khỏe không đảm bảo, bệnh nhân vẫn có thể đeo ống thở hỗ trợ trong sinh hoạt.