Những ngành nghề chị em chiếm đa số
Trong nghiên cứu của JobsGO, ngành có tỷ lệ Nữ giới so với Nam giới cao nhất là ngành Kế toán/Kiểm toán với tỷ lệ 3.77 (số lượng Nữ giới gấp gần 4 lần Nam). Đây là ngành đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận và thường là việc văn phòng không phải đi lại nhiều, phù hợp với tính cách của các chị em.
Tiếp theo là các ngành Nhân sự (tỷ lệ 2.70), Chăm sóc khách hàng 2.08, Y tế 2.02, Thu mua 2.0,... Những ngành này đều yêu cầu cao về khả năng giao tiếp - đàm phán, sự nhạy bén trong quản lý mối quan hệ & kỹ năng giải quyết xung đột, sự thấu hiểu, kiên nhẫn,... nên thường ưu tiên phụ nữ nhiều hơn.
Các ngành khác như Hành chính/Văn phòng, Bán lẻ, Xuất nhập khẩu, Luật/Pháp chế, Truyền thông/PR, Sức khỏe, Kế hoạch/Chiến lược,... cũng đều có tỷ lệ Nữ cao hơn Nam.
Những ngành nghề Nữ giới chiếm đa số tại Việt Nam
Kết quả trên phản ánh xu hướng đa dạng hóa và phá bỏ các giới hạn truyền thống về vai trò giới tính trong xã hội cũng như nền kinh tế, khuyến khích phụ nữ tham gia vào tất cả các ngành nghề.
Gender Diversity Index - chỉ số Bình đẳng Giới trong các ngành nghề
Đánh giá sự Bình đẳng giới giữa các ngành nghề, JobsGO sử dụng chỉ số Gender Diversity Index (GDI)* để so sánh tỷ lệ Nữ giới lên làm quản lý so với tỷ lệ Nam giới lên làm quản lý trong ngành nghề đó. Vị trí quản lý được tính từ Leader và trưởng, phó phòng trở lên.
Chỉ số GDI càng cao thì cơ hội cho Nữ lên làm quản lý càng cao. GDI bằng 1 phản ánh sự bình đẳng hoàn toàn về giới, cơ hội thăng tiến chia đều cho cả nam và nữ.
Theo thống kê của JobsGO, chỉ số GDI chung trên toàn bộ ngành ở Việt Nam là 0.71. Kết quả này cũng khá tương đồng với báo cáo năm 2023 của Tổ Chức Kinh Tế Thế Giới (WEF). Theo đó WEF sử dụng chỉ số Gender Gap Index - GGI (chỉ số chênh lệch giới) với GGI của Việt Nam là 0.711, đứng thứ 72 trên 146 nước. Chỉ số GGI một số nước thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương gồm New Zealand 0.85, Philippines 0.79, Australia 0.77, Singapore và Lào 0.73, Thái Lan 0.71.
Những ngành nghề đang được “thống trị” bởi các Nữ quản lý
Dựa trên phân tích & thống kê của JobsGO, Sức khỏe và Kho vận là hai ngành đang có tỷ lệ Nữ giới lên làm quản lý dẫn đầu với chỉ số GDI đều lớn hơn 1 (Nữ thăng tiến nhiều hơn Nam).
Trong ngành Sức khỏe, đặc biệt là lĩnh vực Spa, Nữ giới giữ vị trí quản lý cao hơn Nam giới với GDI lên đến 1.55, phổ biến là các quản lý spa, quản lý thẩm mỹ viện,... Điều này có thể được giải thích bởi tính tinh tế và quan tâm đặc biệt của phụ nữ đến nhu cầu cá nhân khách hàng trong dịch vụ Spa. Họ thường được đánh giá cao về khả năng tạo ra một môi trường thân thiện và chu đáo trong việc chăm sóc khách hàng.
Trái ngược với quan điểm truyền thống là công việc kho bãi, vận hành máy móc chỉ dành cho Nam giới, ngành Kho vận cũng chứng kiến sự đột phá khi Nữ giới chiếm tỷ lệ quản lý cao. Công nghệ và tự động hóa đã làm thay đổi cách quản lý kho vận, từ việc dựa vào sức lực sang các kỹ năng quản lý và phân tích dữ liệu. Do đó, không ngạc nhiên khi ngành này có sự gia tăng mạnh mẽ của Nữ giới trong các vị trí quản lý, nhất là ở các vị trí Quản lý kho, Logistic manager, Quản lý chuỗi cung ứng.
6 ngành nghề có tỷ lệ Quản lý Nữ cao 2024
Một số ngành khác như Giáo dục, Y tế, Chăm sóc khách hàng và Truyền thông/PR cũng ghi nhận tỷ lệ quản lý Nữ giới không hề nhỏ. Chỉ số GDI cho các ngành này được JobsGO thống kê lần lượt là 0.95, 0.94 và 0.93. Lý do dẫn đến kết quả trên là sự ưu ái về khả năng làm việc có tổ chức, sự cẩn thận và mẫn cán trong công việc mà phụ nữ mang lại. Bên cạnh đó, kỹ năng giao tiếp, đàm phán - tư vấn, sự tận tâm - cảm thông với khách hàng, quản lý thời gian, giải quyết vấn đề,... cũng là lợi thế của phụ nữ. Họ thường có khả năng đa nhiệm, thực hiện những công việc trên hiệu quả hơn so với Nam giới.
Với lợi thế nền tảng tuyển dụng hàng đầu Việt Nam cùng dữ liệu lớn lên đến hàng triệu ứng viên, JobsGO thường xuyên cung cấp các báo cáo, chỉ số về ngành nghề, giúp mọi người có cái nhìn chính xác, từ đó đưa ra những quyết định đúng đắn nhất.
* GDI = (số quản lý Nữ/tổng số nhân viên Nữ)/(/số quản lý Nam/tổng số nhân viên Nam).