Những đặc điểm trong công việc cho thấy Gen Z vẫn là một thế hệ "khó giải"

Google News

Các nhân sự Gen Z sinh ra và lớn lên cùng với sự phát triển của công nghệ, vì vậy, họ có những suy nghĩ, nhu cầu rất khác so với các thế hệ trước.

Gen Z là thế hệ của tất cả bạn trẻ sinh năm 1996 đến 2012. Đây là một thế hệ “đặc biệt” sống trong thời đại Internet phát triển mạnh mẽ, trở thành một phần không thể thiếu trong công việc và cuộc sống. Gen Z có những đặc điểm rất khác biệt so với thế hệ Gen X, Gen Y…

Đặc trưng của Gen Z là sự cởi mở và không ngại thay đổi, dám nghĩ dám làm và không ngại các rủi ro. Việc tiếp cận với công nghệ sớm giúp họ có khả năng thích ứng cực kỳ cao, đặc biệt về lĩnh vực truyền thông, công nghệ. Ngoài ra, các bạn còn có những ý tưởng sáng tạo nội dung rất độc đáo và mang lại hiệu quả cao.

Đến năm 2025, Gen Z dự kiến sẽ chiếm 25% tổng số người lao động tại Việt Nam. Mang trong mình khát khao khẳng định bản thân và góc nhìn đa chiều là vậy, nhưng Gen Z vẫn rất khó nắm bắt và tiếp cận. "Nghỉ việc xóa dữ liệu", "gen Z đi sớm về muộn" là những cụm từ dành được nhiều sự chú ý trong những ngày qua.

Không chỉ đối với việc tuyển dụng mà chấp nhận sự khác biệt và mở lòng hơn để hiểu thêm về Gen Z chưa bao giờ là điều dễ dàng đối với các vị phụ huynh. Vì vậy, muốn thấu hiểu để khai thác triệt tiềm năng phát triển của các nhân tố Gen Z, cần lưu ý những đặc điểm này.

Gen Z là những bạn trẻ thích làm theo những gì mình thích và khó làm theo luật lệ đề ra của tổ chức, doanh nghiệp. Nhà quản lý sẽ rất khó có thể ép buộc họ tuân theo những tiêu chuẩn cứng nhắc trong công việc. Hơn cả, trong quá trình tuyển dụng, nhà tuyển dụng sẽ không dễ dàng đặt ra yêu cầu nhằm kiểm soát được nhân viên thuộc thế hệ gen Z.

Vì vậy, thay vì kiểm soát, hãy cho Gen Z cơ hội được tham gia vào các cuộc giao tiếp minh bạch, nói chuyện cùng họ với tư cách cá nhân. Theo một cuộc nghiên cứu, 70% người trẻ thuộc thế hệ này thích được làm việc với đồng nghiệp, nhà quản lý lớn hơn mình, người thuộc thế hệ Y giàu kinh nghiệm, trưởng thành hơn là thế hệ X.

Nếu như các thế hệ trước luôn mong muốn làm những công việc mang tính chất ổn định, ngày làm 8 tiếng thì các bạn trẻ Gen Z lại cảm thấy thật bức bối, gò bó khi làm việc 8 tiếng trong một không gian “cũ mèm”. Họ thích công việc liên quan đến lên ý tưởng, kế hoạch, tham gia dự án, sự kiện cần phải di chuyển nhiều,….

Khi đó họ bắt đầu quan tâm đến những khoản phụ cấp, chế độ thưởng dù doanh nghiệp không hề có quy định. Thậm chí, có nhiều nhân sự Gen Z còn "đòi hỏi" quyền lợi trước cả khi bắt tay vào công việc được giao. Thật ra, mong muốn nhận lại được những giá trị tương xứng với công sức mình đã cống hiến cho công việc là không sai, vì vậy, bên cạnh quyền lợi về "lương thưởng", chỉ cần được công nhận và nhận được sự khen thưởng phù hợp, các nhân sự Gen Z sẽ cảm thấy được khích lệ hơn.

Ngoài ra, thay vì tăng phụ cấp, có thể cân nhắc tạo điều kiện cho các nhân sự Gen Z linh hoạt “hybris” – làm việc kết hợp giữa văn phòng với làm việc từ xa.

Theo LinkedIn (2/2022), 80% số người lao động thế hệ Z (gen Z) đang tìm việc cho biết mối quan tâm hàng đầu của gen Z là công việc phải đáp ứng nhu cầu được tôn trọng của họ, mức lương chỉ chiếm vị trí quan trọng thứ 3.

Gen Z làm việc đa chiều, có sự tự tin đối với bản thân nên khi làm việc luôn muốn bày tỏ ý kiến và quan điểm cá nhân một cách thái quá. Họ không ngần ngại nói lên quan điểm của mình về vấn đề mà mọi người đang bàn luận, góp ý. Thậm chí không được chỉ định phát biểu, họ vẫn sẵn sàng đứng lên miễn là được bày tỏ quan điểm của bản thân.

Gen Z có xu hướng tự tin rằng việc này mình sẽ làm tốt, xuất sắc. Vì vậy, hãy luôn tạo ra cơ hội để các nhân sự gen Z cảm thấy mình chính là nhân tố quan trọng góp phần quyết định tương lai của doanh nghiệp, thay vì gạt đi các ý tưởng của họ.

Nhân viên thế hệ gen Z có xu hướng thay đổi công việc (hay còn gọi là “nhảy việc”) trong thời gian ngắn. Gen Z có tham vọng chứng tỏ bản thân cao hơn các thế hệ khác, vì vậy họ có xu hướng đổi việc chỉ trong vòng nửa năm đến 1 năm để tìm đến những công việc mới với nhiều thử thách hơn.

Do đó, khi cần giữ chân nguồn nhân lực thế hệ Z, hãy chú trọng vào những giá trị thật sự (ngoài lợi nhuận) mà công ty có thể mang lại, ví dụ:

-Lộ trình thăng tiến rõ ràng và khả thi.

-Chương trình đào tạo chất lượng

-Những thử thách hấp dẫn.

Gen Z là thế hệ sinh ra và lớn lên trong môi trường internet phát triển, nên đôi khi họ bị mất phương hướng trong cuộc sống. Nhân viên thế hệ gen Z làm việc với rất nhiều góc nhìn, quan tâm đến mọi khía cạnh của vấn đề với sự giúp sức mạnh mẽ từ Internet – nơi cung cấp một lượng lớn thông tin khổng lồ để có thể dễ dàng tìm kiếm, tuy nhiên đánh giá và chọn lọc thông tin sử dụng vẫn là một vấn đề nan giải.

Song chính việc đó vô tình khiến gen Z không biết lựa chọn góc nhìn chuẩn – chỉnh với công việc đang đảm trách. Từ đó họ không thể hoàn thành công việc mà cấp trên giao phó cũng như kỳ vọng. Nên khuyến khích sự cạnh tranh lành mạnh để gen Z dễ dàng phát huy hết tiềm năng của mình. Mặt khác, việc "chấp nhận sự đa đạng" cũng là một cách để gen Z không ngần ngại chia sẻ góc nhìn trong môi trường làm việc.

Gen Z sống trong thời đại công nghệ 4.0, coi việc sử dụng mạng xã hội là xu thế tất yếu để hội nhập toàn cầu. Song nhiều bạn trẻ lại không biết sử dụng chúng đúng cách, dẫn đến những hậu quả không thể lường trước.

Họ đang lạm dụng mạng xã hội quá nhiều, thường xuyên “cắm mặt” vào “dế yêu” để lướt TikTok, FaceBook. Thậm chí nhiều phụ huynh phản ánh rằng bản thân thật khó chịu khi nhìn thấy clip đầy nổi loạn của con mình trên mạng xã hội. Họ không chấp nhận con tối nay lướt mạng thay vì dành thời gian cho gia đình hay các hoạt động ngoài đời thật.

“Nghiên cứu gen Z Việt Nam” (Viện Nghiên cứu đời sống và con người khu vực Đông Nam Á) cho biết, có bốn điểm không hài lòng về lao động gen Z từ nhiều công ty tuyển dụng gồm: “không có tinh thần trách nhiệm trong công việc”, “sống dễ dãi và thoải mái”, “không chịu lắng nghe hướng dẫn hoặc ý kiến của các thế hệ khác” và “điện thoại thông minh không thể tách rời”. 

Bộ phận lớn GenZ chưa ý thức về bảo mật thông tin, sẵn sàng chia sẻ, những chuyện bức xúc, hoặc đáng lo hơn là những thông tin công kích chủ quan doanh nghiệp/ cá nhân khác và thông tin khắp các nền tảng MXH, họ sẵn sàng đánh đổi rủi ro thông tin lấy những tương tác ảo trên mạng. 

Kết:

Gen Z là một thế hệ đa tài, đa năng và có những điểm mạnh không thể phủ nhận. Với lợi điểm được tiếp xúc với công nghệ rất sớm, họ vẫn có những kỹ năng nổi trội lẫn kỹ năng cần được hỗ trợ để hoàn thiện. Vì vậy, cần có cái nhìn khách quan, và bớt đi định kiến với gen Z. Lắng nghe và đưa ra cái nhìn tích cực, những lời khuyên và sự động viên hợp lý là điều mà bố mẹ, cũng như các doanh nghiệp cần làm đối với thế hệ mới này.

NGỌC HÀ

Bình luận(0)