Phát hiện ung thư khi đi khám rong kinh
Theo bác sĩ, ung thư cổ tử cung là một trong những ung thư hay gặp ở nữ giới, có tỷ lệ tử vong cao. Trước đây, các chị em không may mắc bệnh này, việc sinh con sẽ trở nên khó khăn. Còn hiện nay, với tiến bộ của y học, người mắc vẫn còn có cơ hội làm mẹ, nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.
Chị Hoàng Thùy (36 tuổi, ở TP.HCM) và anh Quân kết hôn vào năm 2014. Vì khó có con tự nhiên, trước đó, vợ chồng chị nhiều lần thực hiện bơm tinh trùng vào buồng tử cung để có con nhưng không thành công.
Sự động viên của chồng đã giúp chị Thùy chiến thắng được bệnh ung thư. Ảnh minh họa.
Năm 2019, chị Thùy bị rong kinh. Đi khám, chị suy sụp khi nghe bác sĩ chẩn đoán bị ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm. Do chị còn trẻ tuổi, chưa sinh con, các bác sĩ chỉ định phẫu thuật cắt cổ tử cung tận gốc, nạo hạch, nối phần thân tử cung vào âm đạo giúp giữ lại hy vọng mang thai sau này.
Ca phẫu thuật ung thư của chị được thực hiện thành công. Tuy nhiên, sau phẫu thuật chị bị khiếm khuyết cấu trúc cơ quan sinh sản, nguy cơ sẹo dính trong và xung quanh dẫn đến việc có con bằng cách thụ thai tự nhiên trở nên khó khăn hơn.
“Bị hiếm muộn nhiều năm, lại mắc ung thư khiến vợ tôi bị ám ảnh, khóc lên khóc xuống”, anh Quân chia sẻ. Anh cũng cho biết, dù có thể vợ sẽ không sinh được con nhưng anh vẫn luôn đồng hành cùng, giúp chị vượt qua cú sốc mắc ung thư. Anh cũng giấu hai bên gia đình, tránh nhắc đến tình trạng bệnh, chỉ nói về những điều tích cực, phương án để có con giúp tâm lý vợ vững vàng hơn.
Hạnh phúc đón con trai năm rồng khỏe mạnh
Nhờ được chồng động viên, tuân thủ lịch tái khám, cố gắng giữ tinh thần lạc quan, có chế độ ăn uống lành mạnh, tế bào ung thư của chị Thùy được kiểm soát tốt. Đến năm 2022, khi sức khỏe đã hồi phục, chị cùng chồng tiếp tục hành trình "tìm" con.
Bác sĩ đang tiến hành chuyển phôi cho chị Thùy. Ảnh: BVCC.
ThS.BS Giang Huỳnh Như, điều trị cho bệnh nhân cho biết, chị Thùy được kích thích buồng trứng với phác đồ nhẹ, chọc hút thu được 5 noãn, thụ tinh ống nghiệm và nuôi cấy trong hệ thống tủ nuôi cấy phôi, thu được 2 phôi ngày 5. Tuy nhiên, do chị Thùy không có cổ tử cung nối vào âm đạo, có u buồng trứng kích thước 5x6cm và tắc hai vòi trứng khiến lần chuyển phôi đầu tiên không thành công. Tuy nhiên, vợ chồng họ vẫn không từ bỏ hi vọng có con.
Năm 2023, chị Thùy được bác sĩ Như và BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, phối hợp phẫu thuật nội soi cắt u buồng trứng và hai tai vòi, khâu vòng cổ tử cung trước khi chuyển phôi giúp tăng tỷ lệ thụ tinh ống nghiệm thành công, dự phòng sớm nguy cơ sinh non.
Tháng 10/2023, chị Thùy đủ điều kiện mang thai và được chuyển một phôi vào lòng tử cung giúp đậu thai. Bác sĩ Như cho biết, suốt quá trình mang thai, chị Thùy có thể trạng yếu, nhiều lần động thai, nguy cơ cao bóc tách, nhưng được các bác sĩ áp dụng các phác đồ thuốc giúp thuận lợi giữ thai đến 39 tuần.
Tháng 7 vừa qua, con trai chị Thùy chào đời khỏe mạnh bằng phương pháp sinh mổ, nặng 3,1kg. Được bế con trên tay, anh Quân chia sẻ: “Có con là ước mơ lớn nhất của vợ tôi. Bây giờ, điều ước ấy cũng thành hiện thực”. Còn chị Thùy, người mẹ xúc động: “Con là món quà kỳ diệu với cả gia đình tôi. Tôi biết ơn các bác sĩ vì vẫn được làm mẹ dù mắc ung thư”.
Con trai chị Thùy chào đời khỏe mạnh vào tháng 7 vừa qua. Ảnh: BVCC.
Chia sẻ về việc phụ nữ mắc ung thư tử cung, bác sĩ cho biết nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung ngoài virus HPV, còn có các yếu tố nguy cơ khác như hành vi tình dục không an toàn, nhiễm trùng, nhiễm herpes virus, tác động của tinh dịch, trạng thái suy giảm miễn dịch, hút thuốc lá, dinh dưỡng… Khi mắc bệnh, các chị em thường có tâm lý bàng hoàng, lo sợ, suy sụp… nhất là những người còn trẻ, chưa sinh con. Hơn nữa, các phương pháp phẫu thuật ở vùng bụng, chậu có nguy cơ gây sẹo dính tại chỗ và các cơ quan xung quanh. Hóa trị ảnh hưởng nghiêm trọng đến buồng trứng, dẫn đến ngừng giải phóng noãn và estrogen, giảm số lượng trứng khỏe mạnh.
“Nhiều phụ nữ sau khi điều trị bằng hóa chất bị rối loạn kinh nguyệt, mãn kinh sớm, không còn khả năng mang thai tự nhiên. Hóa trị cũng có thể tác động lên bộ gene gây bất thường chất lượng trứng, kể cả với phụ nữ trẻ. Tuy nhiên, với sự phát triển của y học đã giúp nhiều chị em bảo tồn khả năng có con trong tương lai, giảm gánh nặng tâm lý, yên tâm và tập trung vào quá trình điều trị ung thư”, bác sĩ Như nói.
Bác sĩ Như khuyến cáo, các cặp vợ chồng sau kết hôn một năm chưa có con, 6 tháng với người vợ ngoài 35 tuổi nên đi khám hiếm muộn và điều trị sớm để có thể phát hiện các bất thường, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.
* Tên người bệnh đã thay đổi.