Người ta nói rằng: “Cuộc đời này vốn dĩ là để chăm sóc, quản lý bản thân. Sẽ không ai thay đổi vì bạn. Chúng ta chỉ nói tu thân, không nói về thay đổi người khác”.
Trong thế giới của người trưởng thành, quản lý tốt bản thân, không can thiệp vào cuộc sống của người khác là một sự tỉnh táo. Quản lý tốt bản thân là bài học quan trọng nhất trong cuộc sống. Ít quan tâm đến người khác là sự tu luyện quan trọng nhất.
Mỗi người sống trên đời đều có nhân quả riêng, có con đường riêng phải đi, cũng có bức tường riêng phải đụng vào. Bỏ qua tâm lý muốn giúp đỡ người khác, tôn trọng số phận của người khác, mới là cách sống tốt của một người.
Kiềm chế ham muốn sửa sai cho người khác
Trong đời người, chúng ta sẽ gặp rất nhiều người khác nhau và những người này sẽ có những nhận thức và quan điểm khác nhau. Người thực sự thông minh sẽ kiềm chế ham muốn sửa sai cho người khác. Ngay cả khi đối phương nói một cộng một bằng ba, họ cũng sẽ mỉm cười và nói "Anh đúng rồi".
Nhớ rằng ở vị trí khác nhau, ít nói là quý; ý kiến không hợp, tranh cãi cũng bằng thừa. Đừng cố gắng thay đổi nhận thức và suy nghĩ của người khác, đó là sự tôn trọng đối với họ. Đồng thời, đó cũng là cách để dành cho mình một khoảng trống, là tha thứ cho người khác và là tha thứ cho chính mình.
Quản tốt lời nói của mình, không tùy tiện đánh giá người khác
Trong một bộ phim, nhân vật A Sơ đã cãi nhau với mẹ vì chuyện gia đình. Hóa ra, bấy lâu nay mẹ của A Sơ vẫn luôn làm tốt việc chăm sóc ông bà, nhà cửa mà không hề phàn nàn. Nhưng đổi lại, bà thường xuyên bị chồng và bố mẹ chồng bắt nạt, thậm chí là đánh đập.
Vì vậy, một lần A Sơ đã "lừa" mẹ mình đến Thượng Hải và khuyên bà rời khỏi quê nhà, rời xa chồng, bố mẹ chồng để đến Thượng Hải sống cùng con trai. Tuy nhiên, mẹ của A Sơ vẫn muốn quay về quê, quay về nơi gọi là gia đình, nơi không có tình yêu thương, thậm chí còn không được tôn trọng. Vì vậy, hai mẹ con đã tranh cãi về vấn đề này.
Nghe thấy cuộc tranh cãi, bạn cùng phòng góp ý, cho rằng A Sơ nói chuyện với mẹ quá nóng vội và chỉ trích A Sơ nhưng lại không hề cảm nhận được sự cấp thiết của vấn đề khi A Sơ không muốn mẹ mình bị bạo hành thêm nữa.
Có một câu nói rất hay rằng: "Chưa từng trải qua nỗi khổ của người khác, đừng khuyên người khác làm điều tốt".
Rất nhiều lúc, chúng ta nhìn vào cuộc sống của người khác, giống như nhìn qua ống khói. Chúng ta chỉ thấy được bề ngoài, không hiểu rõ về những nguyên nhân sâu xa bên trong.
Những người càng tự cho mình là đúng, càng thích chỉ trích người khác. Ngược lại, những người càng có trí tuệ thì càng biết giữ tâm, giữ miệng, chỉ tập trung vào bản thân.
Có câu nói: “Một lời nói tử tế sưởi ấm ba đông, một lời nói xấu xa đau lòng trong sáu tháng”.
Trí tuệ lớn nhất của một người là không dùng đạo đức để ép buộc người khác, không dùng tiêu chuẩn của mình để tùy tiện đánh giá bất kỳ ai, không để lời nói của bản thân làm tổn thương người khác, không đặt chân mình vào giày của người kia.
Thay vào đó, họ ngồi yên tự vấn lỗi lầm của mình. Họ không nói chuyện, bàn tán về người khác mà mở to mắt để học cách làm việc, quản lý miệng lưỡi và học cách làm người tốt.
Chăm sóc tốt bản thân, đừng vội vàng chỉ dạy cuộc sống của người khác
Đổng Vũ Huy, một giáo viên, blogger nổi tiếng, người thường tổ chức các tọa đàm về giáo dục từng chia sẻ về câu chuyện của anh em nhà mình. Ban đầu, em trai ông có một công việc ổn định ở quê nhà, mặc dù không kiếm được nhiều tiền nhưng cuộc sống cũng khá ổn. Đổng Vũ Huy đã khuyên em trai nghỉ việc và đến thành phố lớn để thử sức.
Em trai nghe theo lời khuyên của anh, lần lượt đến Thượng Hải và Thâm Quyến 2 năm. Nhưng do nhịp sống quá nhanh và thiếu năng lực làm việc nên không kiếm được tiền, sức khỏe ngày càng yếu, thậm chí còn không đủ tiền đóng tiền thuê nhà.
Sau khi suy nghĩ kỹ lưỡng, em trai ông cuối cùng quyết định quay về quê để sinh sống và làm lại công việc trước đây. Đối với việc này, Đổng Vũ Huy cảm thấy rất hối hận, ông nói:
"Tôi đã làm sai rồi. Tôi sẽ không bao giờ khuyên ai nữa, bởi vì suy nghĩ thiên lệch, hạn hẹp của chúng ta không đủ để hướng dẫn cuộc sống của người khác".
Mối quan hệ giữa người với người, dù có thân thiết đến đâu, là người thân ruột thịt cũng nên thu lại bàn tay chỉ dạy người khác. Ai sinh ra cũng là lần đầu tiên, chúng ta đều không ngừng rèn luyện, không ngừng tìm kiếm con đường sống.
Những con đường phù hợp với bạn, có thể bạn đi rất thuận lợi, nhưg chưa chắc đã phù hợp với người khác. Khi chúng ta cố gắng tô thêm một nét vẽ vào bức tranh của người khác, chúng ta sẽ phá vỡ nhịp sống của họ và phá hủy mối quan hệ giữa hai người.
Hãy luôn nhớ rằng, mỗi người trên thế giới này là một cá thể độc đáo, có giá trị quan và lối sống riêng. Như người ta thường nói, mỗi người một số phận, vui buồn tự trải.
Cuộc sống là của mình, mỗi người có con đường riêng. Bạn có hành trình của riêng mình và người khác cũng vậy. Bạn có thể không đồng ý với lựa chọn và giá trị quan của người khác, nhưng đừng tùy tiện chỉ tay.
Hãy chăm sóc tốt bản thân, buông bỏ chấp niệm muốn thay đổi, chỉ dạy người khác và tỏa sáng trên con đường riêng của mình!