Nam sinh 10X theo đuổi đam mê chế tạo búp bê, được khách Tây săn đón, sẵn sàng chi tiền triệu để sở hữu

Google News

Từng bị ba mẹ phản đối vì cả ngày say mê chế tạo búp bê nhưng nhờ sự khéo léo, kiên trì, nam sinh Gen Z đã chinh phục phụ huynh lẫn khách hàng trong và ngoài nước bằng những tác phẩm đậm chất nghệ thuật.

Chọn cách thuyết phục ba mẹ bằng năng lực 

Nhiều người vẫn thầm nghĩ những món đồ chơi búp bê với trang phục rực rỡ, lộng lẫy chỉ dành cho nữ giới. Thế nhưng, Bùi Thịnh Đa (SN 2004, ngụ TP.HCM) lại có đam mê mãnh liệt với bộ môn chế tạo búp bê khớp cầu. Nam sinh dùng đôi tay khéo léo, nắn nót từng bộ phận, thiết kế trang phục riêng cho những “đứa con” của mình. 

Chia sẻ về hành trình bắt đầu trở thành nghệ nhân biến đất sét, resin (một loại polyme lỏng) vô hồn trở thành tác phẩm có giá trị. Đa tâm sự: “Từ năm lớp 6, sau khi vô tình xem được các video, bài đăng chia sẻ về hình ảnh của búp bê khớp cầu, em cảm thấy rất ấn tượng và bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về bộ môn nghệ thuật này”. 

Sở dĩ loại đồ chơi này lại có tên như thế vì giữa các bộ phận của chúng được nối với nhau bằng khớp hình cầu cùng dây nối chuyên dụng phía bên trong để búp bê dễ dàng cử động. Bên cạnh đó, các đường nét trên khuôn mặt với biểu cảm chân thật kết hợp cùng trang phục, phụ kiện thời trang khiến cho ai cũng tò mò, thích thú. 

Ngay thời điểm vừa chập chững theo đuổi đam mê của mình, Đa nhận thấy các mẫu búp bê khớp cầu có giá rất đắt, từ vài triệu đến chục triệu đồng, mức giá ấy nằm ngoài khả năng của một học sinh lớp 6 như Đa. Do đó, nam sinh bắt đầu từ những nguyên liệu gần gũi, rẻ tiền nhất là đất sét để mày mò học hỏi. 

Hành trình theo đuổi đam mê của nam sinh cũng lắm gian truân. Đặc biệt về phía gia đình, khi thấy con trai mới học cấp 2 lại tìm kiếm, xem những video về giải phẫu học, cơ thể con người, ba mẹ của Đa không ít lần thấy kỳ lạ và lo lắng. 

“Lúc đầu cha mẹ phản đối vì em là con trai nhưng tối ngày nặn búp bê. Sau đó, em đã chứng minh đây không đơn thuần là món đồ chơi mà còn là tác phẩm nghệ thuật đầy giá trị. Ngày qua ngày, khi thành phẩm của em được mọi người đón nhận thì ba mẹ có ánh nhìn tích cực hơn về công sức, sự sáng tạo của em đã đầu tư vào búp bê khớp cầu này. Đến hiện tại, gia đình đã ủng hộ công việc của em, ba mẹ còn mua họa cụ để tặng cho em để thực hiện các mô hình búp bê dễ dàng, chỉn chu hơn” - nam sinh tâm sự. 

Khi tác phẩm đầu tiên được hoàn thành, Đa bán ra thị trường với mức giá khoảng 400.000 đồng. Nam sinh hài hước chia sẻ: “Lúc bán được những sản phẩm đầu tiên em rất vui vì tác phẩm được khách hàng công nhận. Em vẫn nhớ khi đó em trích 50% dùng để làm từ thiện, chia sẻ với những trường hợp yếu thế trong xã hội. Số tiền còn lại em dùng mua nguyên liệu dành thực hiện những em búp bê khác”. 

Bí quyết để thuyết phục phụ huynh của Đa chính là đôi bàn tay khéo léo, cùng sự cần mẫn, tỉ mỉ trong từng công đoạn để tạo ra tác phẩm chỉn chu, được cộng đồng đón nhận, tìm mua.

Có tác phẩm trị giá chục triệu, khách Tây sẵn sàng chốt đơn

Để đạt trình độ kỹ thuật như hiện tại, không chỉ thường xuyên rèn luyện, nắn nót tạo hình cho búp bê, Đa còn đọc nhiều sách báo, tư liệu từ nước ngoài về bộ môn nghệ thuật này. Nam sinh còn tự tìm tòi thông tin về giải phẫu học, cách trang điểm các nhân vật sao cho có hồn nhất, tìm hiểu nguyên lý hoạt động của các phần khớp nối… để khi hoàn chỉnh búp bê sẽ cử động uyển chuyển, sống động. 

Để tạo thành một sản phẩm búp bê khớp cầu, việc đầu tiên Đa sẽ phác thảo ý tưởng ra giấy, sau đó nặn búp bê theo từng thành phần riêng biệt. Ở bước kế tiếp, nam sinh thực hiện làm hệ thống khớp cho búp bê và đưa vào lò nung với nhiệt độ thích hợp.

Sau khi đã thành hình, Đa sẽ lắp ghép các khớp, họa gương mặt, làm tóc, may quần áo và đính kèm các phụ kiện như giày dép, trang sức cho búp bê. "Trung bình một sản phẩm búp bê em tốn khoảng 2 tháng để hoàn thành. Tuy nhiên, có một vài mẫu bằng sứ thì sẽ mất hơn 3 năm để thực hiện. Bởi vì sứ làm rất khó khi nung sứ sẽ co lại, vô tình các khớp nối không khớp với nhau nên em phải làm lại rất nhiều lần. Chưa kể đến những lần nung bị bể, hư hỏng phải mày mò lại từng công đoạn" - nam sinh Gen Z tâm sự về thời gian thực hiện tác phẩm.

Quy trình tạo ra một "em" búp bê khớp cầu bao gồm phác thảo, nhào đất, tạo khung xương, nặn, nung, chà nhám, làm mịn, và cuối cùng là trang trí bằng cách tạo màu sắc, họa phần tóc, đường nét trên khuôn mặt và trang phục cho chúng.

Trong các công đoạn, việc “thổi hồn” cho tác phẩm thông qua việc tạo đường nét trên khuôn mặt của búp bê là khó nhất. Đây là yếu tố quyết định sự thành - bại của sản phẩm. Do đó, khi thực hiện phải tập trung cao độ, tỉ mỉ trong từng đường nét để sản phẩm chỉn chu, chân thật nhất có thể.

Trong nhiều năm qua, Đa không nhớ chính xác đã tạo ra bao nhiêu tác phẩm. Thế nhưng, trong mỗi “em” búp bê được hoàn thành, nam sinh mong muốn lan tỏa nhiều thông điệp đến cộng đồng. “Búp bê khớp cầu của em đa số không chạy theo chuẩn đẹp mà có phần mũm mĩm, mũi to hay bị bệnh bạch biến... Vì em muốn mọi người tự tin hơn về bản thân, không được tự ti, ngại ngùng với các điểm đặc biệt trên cơ thể của mình” - Đa nói thêm. 

Búp bê khớp cầu phiên bản đặc biệt vừa được Đa trình làng, chứa đựng thông điệp về văn hóa khi nam sinh quyết định khoác áo Nhật Bình truyền thống cho tác phẩm của mình.

Không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước, khách hàng của Đa đến đến từ rất nhiều các quốc gia khác như: Mỹ, Ý, Pháp, Canada… họ sẵn sàng đặt trước và nhận qua đường tàu, hàng không. Hiện tại, búp bê khớp cầu của Đa có mức giá từ 1-2 triệu đồng. Ngoài ra, những tác phẩm kỳ công hơn từ trang phục mang dấu ấn văn hóa Việt hay các búp bê mang thông điệp, ý nghĩa nhất định sẽ có mức giá cao hơn từ 3-6 triệu đồng. Với mức thu nhập này, Đa đủ để trang trải cuộc sống, phụ giúp gia đình và phục vụ cho việc học tập chuyên ngành Thiết kế đồ họa.

Trong tương lai, nam sinh mong muốn sẽ được bạn bè quốc tế đón nhận nhiều hơn, góp phần lan tỏa nét đẹp văn hóa thông qua từng bộ trang phục mà Đa đã và đang khoác lên những tác phẩm búp bê khớp cầu của mình.

TẤN PHƯỚC

Bình luận(0)