Thịt vịt là “thuốc bổ thượng hạng”, được Hoàng đế Càn Long thích ăn
Vịt là loại động vật được nuôi nhiều ở nước ta, ngoài lấy trứng còn lấy thịt làm thực phẩm. Đây là thực phẩm được nhiều người thích ăn và phù hợp với hầu hết mọi người. Hiện nay, thịt vịt ngoài dùng để luộc, hấp còn có thể nướng, quay, kho, om sấu hay vịt nấu chao.
Thịt vịt thuộc nhóm thịt trắng, được chứng minh ăn tốt cho sức khỏe. Ảnh minh họa.
Thịt vịt cũng là thực phẩm được Hoàng đế Càn Long, sinh năm 1711 thích ăn. Các tài liệu ghi lại, vua Càn Long là vị Hoàng đế có tuổi thọ cao nhất trong lịch sử Trung Quốc, thời kỳ trị vì của ông kéo dài gần 60 năm. Nhiều nhà nghiên cứu phát hiện ra, một trong những bí quyết giúp vị vua này có sức khỏe tốt, sống thọ 89 tuổi là nhờ sở thích ăn thịt vịt.
Theo đó, thực đơn của vua Càn Long từ bữa sáng đến bữa tối đều có món thịt vịt, nhất là vào mùa đông. Các món ăn từ thịt vịt của vua Càn Long gồm có vịt om tổ yến, vịt hầm củ cải, vịt hấp, vịt hun khói, mì vịt luộc, súp vịt, lẩu vịt đông trùng hạ thảo, vịt om măng chua…
Theo Lương y Đa khoa Vũ Quốc Trung, trong Đông y, thịt vịt có vị ngọt, hơi mặn, tính hàn, tác dụng tư âm, dưỡng vị, lợi thủy tiêu thũng, giải độc.
Trong sách Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân ghi, thịt vịt chữa các chứng bệnh tiểu tiện bất lợi, nhiệt bệnh, hư lao, bổ ngũ tạng và thủy đạo. Nên chọn các loại vịt đực đầu xanh hoặc vịt lông trắng, xương đen, mỏ đen càng tốt…
Đặc biệt, theo các tài liệu y thư cổ, thịt vịt được coi là loại “thuốc bổ thượng hạng”, có tác dụng điều hòa ngũ tạng, trừ nhiệt, bổ hư… Ngoài ra, sách Nhật cũng đánh giá loại thịt bổ dưỡng này có tác dụng sinh tân dịch, trấn định tâm thần, nuôi dưỡng dạ dày…
Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng cho biết, thịt vịt có thể kết hợp cùng kim ngân hoa để tạo thành "bài thuốc quý" giúp làm đẹp da hiệu quả, đặc biệt có lợi trong việc giải độc, tiêu mụn, nhuận da… Ngoài ra, thịt vịt có ích cho người thể chất suy nhược, chán ăn, sốt, phù nề, người thể chất yếu sau khi bệnh, đổ mồ hôi ban đêm, lòng bàn tay bàn chân nóng, phụ nữ kinh nguyệt ít, khí hư bạch đới, sản phụ thiếu sữa.
Hoàng đế Càn Long là người rất thích ăn thịt vịt. Ảnh tư liệu.
Vịt thuộc nhóm thịt trắng, ăn tốt cho sức khỏe
Thông tin dinh dưỡng được cung cấp bởi Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), một phần ức vịt nướng không da nặng 85g có chứa 119 calo, 2g chất béo, 89mg muối, 0g card và 23,5g protein.
Theo Ths.BS Doãn Thị Tường Vy, Nguyên Phó viện trưởng Viện dinh dưỡng lâm sàng, nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện 198, thịt vịt có chứa lượng lớn protein, sắt, canxi, phot pho, vitamin A, vitamin B1, vitamin D… cần thiết cho sức khỏe và quá trình tăng cân. Chính vì thế, ăn thịt vịt có thể giúp giảm cholesterol, tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ xương, giảm nguy cơ mắc bệnh tim…
Còn PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, cán bộ Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, thịt vịt thuộc nhóm thịt trắng, ăn luôn tốt cho sức khỏe. Các chuyên gia thế giới cũng khuyến nghị nên ăn nhiều gia cầm hơn gia súc trong đó có thịt vịt. Thứ nhất, hàm lượng protein có chứa trong thịt vịt tương đối cao, là một trong những nguồn cung cấp protein chủ yếu cho cơ thể con người. Thứ hai, tỷ lệ mỡ trong thịt vịt rất thấp, trong đó có chứa hàm lượng axit béo và mỡ không no rất phong phú.
Đồng quan điểm,TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng khoa Khám tư vấn dinh dưỡng thuộc Viện dinh dưỡng quốc gia, cũng cho rằng, ăn thịt các loại gia cầm trong đó có thịt vịt, tốt hơn so với lợn, bò, dê bởi lượng chất béo của nó ít hơn so với các loại thịt khác nhưng nó vẫn cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể.
Món thịt vịt luộc. Ảnh minh họa.
Những lưu ý khi ăn thịt vịt
Theo các bác sĩ, dù thịt vịt có nhiều tác dụng với sức khỏe nhưng một số nhóm người cần lưu ý khi ăn thịt vịt:
- Người có thể chất yếu, lạnh: Do thịt vịt có tính hàn nên người có thể hàn nếu ăn nhiều dễ lạnh bụng, chán ăn, đau bụng, tiêu chảy hoặc các dấu hiệu khác.
- Người có dị ứng với thực phẩm chứa protein cao cần lưu ý khi ăn bởi loại thịt này chứa hàm lượng đạm lớn có thể gây dị ứng. Trong bữa ăn bạn không nên chọn thịt vịt cùng nhiều món ăn giàu đạm khác.
- Người bị cảm lạnh, sốt: Khi bị cảm cơ thể yếu ớt nếu bạn ăn thêm thịt vịt sẽ cản trở tiêu hóa, cơ thể mệt mỏi hơn.
- Người bị xương khớp: Thịt vịt có tính lạnh nên khiến tình trạng đau gia tăng. Người bị gout có axit uric cần hạn chế vì thịt vịt giàu đạm.
- Người bị viêm đường ruột mạn tính ăn thịt vịt gây bất lợi cho sức khỏe, làm tăng tình trạng đau bụng.