Mít là loại trái cây dân dã, quen thuộc với người dân Việt Nam. Hiện có nhiều loại mít được bán trên thị trường như mít thái, mít tố nữ, mít rừng,... nhưng mít quê như mít mật vẫn được yêu thích hơn cả.
Nếu như trước đây mít mật "thất sủng", chín rụng nát bét ở dưới gốc không ai thèm ăn thì giờ đây chúng "đổi đời" thành đặc sản người dân thành phố đặt mua ầm ầm.
"Mít mật vào mùa từ khoảng tháng 5, tháng 6 hàng năm. So với mít dai, mít mật mềm, nhão, dễ bị nát hoặc chảy nước. Chính vì thế mà loại mít này trước kia không mấy ai ăn, nhà nào nhà nấy có cây mít mật đều chín rụng đầy gốc. Thậm chí, có những nhà còn chặt cây mít mật đi, chỉ giữ lại mít dai", bạn Hoài Thương (ở TP.Vinh, Nghệ An) chia sẻ.
Theo Hoài Thương, mít mật chín có ít nhựa, vỏ lại mềm, múi mít không còn dính chặt vào vỏ nên dễ dàng bóc vỏ ăn ngay tại gốc cây mít. Mít mật vốn là loại quả không chỉ thơm mà còn rất ngọt, thế nhưng, không như mít dai, mít mật khi chín thường rất mềm, chỉ cần chạm nhẹ vào múi là có thể bị nát hoặc chảy nước.
Thông thường bổ mít mật đa số mọi người sẽ bổ ngang, hoặc dọc quả, sau đó tách lõi giữa, rồi gỡ dần các múi mít ra để ăn. Tuy nhiên có cách bóc mít mật vô cùng đơn giản, mà múi mít nào cũng lành lặn, không vỡ nát đó là bóc bỏ lớp vỏ bên ngoài trước.
Nhiều người cho rằng ăn mít mật nhiều sẽ bị nóng trong, tuy nhiên điều này không hoàn toàn đúng. Theo nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, với nhiều thành phần dinh dưỡng, loại quả này sẽ phát huy hiệu quả khi sử dụng đúng cách.
Mấy năm gần đây, mít mật bỗng trở thành hàng "hot" rất đắt khách trên chợ mạng và chợ chung cư.
Chị Bích Ngọc - người bán mít trên chợ chung cư ở Hà Đông, Hà Nội, chia sẻ mít quê chỉ có theo mùa chứ không có quanh năm. Vì thế chị cũng chỉ bán mít vào mùa hè, từ nay đến hết tháng 7. Còn lại, mít trái mùa hầu hết là mít giống mới, chứ không phải mít quê.
"Ăn mít thời điểm này rất an toàn vì mít quê đã vào mùa. Những trái mít chín tự nhiên trên cây mới được hái đi bán. Làng mình nhà nào cũng có vài cây mít mật, thấy quả già là hái xuống luôn chứ để chín quá thì không vận chuyển xuống Hà Nội được.
So với mít dai, mít mật có nhiều người hỏi mua hơn và giá cũng cao hơn, khoảng 35.000 đồng/kg", chị Bích Ngọc nói.