Loại lá xưa không ai ăn, giờ thành món đặc sản mùa hè được chị em nội trợ "săn lùng", muốn mua cũng khó

Google News

Quả mướp đã quá quen thuộc nhưng ít người biết được rằng lá mướp, ngọn mướp cũng có thể làm thành nhiều món ngon. 

Mướp là một loại quả rất quen thuộc đối với người dân Việt Nam, mướp không chỉ là món ăn ngon mà còn là một vị thuốc chữa được nhiều bệnh. Trong các loại mướp, mướp hương là thơm nhất và được ưa chuộng nhất.

Nhiều người nghĩ rằng cây mướp được trồng chỉ để thu hoạch quả bởi có mỗi quả mới có thể ăn được, nhưng ít ai biết được rằng một bộ phận khác của cây mướp cũng có thể sử dụng như một món rau trong bữa cơm hằng ngày, đó là lá mướp và ngọn mướp. 

Lá mướp và ngọn mướp từ lâu đã được sử dụng như một loại rau trong bữa cơm của những người thôn quê nhưng ở thành phố ít ai biết tới

"Ở quê tôi từ lâu người dân đã dùng lá và ngọn mướp ngon để chế biến thành nhiều món như: luộc, xào tỏi, xào thịt bò... Tất cả đều mang hương vị vô cùng đặc biệt mà không loại rau nào có thể sánh bằng", chị Nhị (quê ở TP.Vinh, Nghệ An) chia sẻ.

Theo chị Nhị, ngọn mướp không phổ biến như ngọn bầu, ngọn bí, ngọn su su nên thỉnh thoảng mới thấy có người bán vài mớ ở chợ, hoặc muốn ăn thì phải dặn người bán hàng để đặt trước, khi nào có lá và ngọn mướp người ta để dành phần cho mình. 

Theo đó, ở các chợ quê, lá mướp được bán theo bó, mỗi bó cũng có giá ngang ngửa với ngọn bầu, ngọn su su, khoảng 10.000-20.000 đồng/bó tùy thời điểm. Nếu tính theo cân sẽ có giá khoảng 40.000 đồng/kg. 

Ngọn mướp giòn, vị đặc trưng

Ở một số nơi, lá mướp được sử dụng để gói thịt chim, thịt ngỗng, thịt chuột, thịt ếch bằm... rồi đem hấp tạo nên mùi vị đặc trưng. Vị giòn ngọt của nó sẽ khiến bữa cơm gia đình thêm hấp dẫn. Tuy nhiên lá mướp hợp nhất là xào tỏi chứ không mấy khi luộc hoặc nấu canh, vì phần nhám của lông đọng lại trên lá có thể làm giảm hương vị thơm ngon của các món ăn. Quá trình làm lá mướp để nấu cũng tốn khá nhiều thời gian bởi ngồi tước phần xơ ở ngọn và ở lá rất lâu. 

Tại miền Tây, nhiều gia đình trồng mướp để bán cả quả lẫn lá. "Thời xưa đói khổ, có một đĩa lá mướp xào tỏi là bữa cơm nhà hấp dẫn lắm rồi. Bây giờ khi có đầy đủ mọi thứ, đủ các thể loại rau củ quả thì nhiều người lại muốn tìm đến lá mướp chế biến món ăn bởi nó mang lại hương vị độc lạ, giòn ngon, khác với vị của những thứ khác", anh Chánh (người dân ở An Giang) chia sẻ. 

Không chỉ là đặc sản, lá mướp còn có công dụng chữa bệnh. Trong Đông y, lá mướp có vị đắng, chua, tính hàn nhẹ, có tác dụng chống viêm, chữa viêm họng, chảy máu chân răng và một số bệnh khác. Lá mướp có tác dụng thanh nhiệt, tiêu viêm nên rất có tác dụng trong việc điều trị mụn nhọt. 

Lá mướp cuốn thịt bằm là món đặc sản nổi tiếng ở miền Tây

Mướp hương là cây thân thảo, thuộc dạng dây leo. Thân dài, nhỏ, hình tiết diện đa giác, màu xanh lục nhạt, có năm đường gân chạy dọc. Bên ngoài thân có nhiều lông trắng mọc rải rác. Dọc theo thân phát triển nhiều tua cuốn bám vào thân cây khác, bụi rậm hay giàn được người dân dựng sẵn để phát triển. Ở Việt Nam, cây mướp có ở cả 3 miền, cây dễ trồng dễ chăm sóc và cho sai trĩu quả, mang lại thu nhập cho người dân.

PHÚ NGUYỄN

Bình luận(0)