Tính đến thời điểm này, vợ chồng tôi vừa kết hôn được 9 tháng. Tháng trước, vợ tôi thông báo tin “2 vạch” khiến vợ chồng đều vui mừng vì đã mong chờ tin này từ lâu. Cũng tại bởi, chúng tôi đều kết hôn muộn khi đã gần 30 tuổi. Cả hai đã có việc ổn định, có nhà cửa sẵn nên chỉ mong sớm có thêm thành viên nữa cho gia đình nhỏ tràn ngập tiếng cười.
Vợ tôi là biên dịch viên một nhà xuất bản nên công việc của em chủ yếu làm ban ngày, thỉnh thoảng mới phải làm tối. Từ ngày vợ có bầu, tôi thường bảo em sắp xếp thời gian để tối đi làm về là nghỉ ngơi hoàn toàn. Cô ấy cũng nghe theo vì muốn 2 mẹ con khỏe mạnh. Còn công việc của tôi là công nhân một nhà máy in nên thường làm đêm muộn. Cứ nửa đêm và gần sáng tôi mới về nhà.
Tôi rất thương vợ bị mất ngủ mà không biết làm cách nào giúp cải thiện. (Ảnh minh họa)
Ban đầu vợ không quen với việc làm ca đêm của chồng nên cô ấy thường khó ngủ. Dần dần em cũng quen và ngủ ngon hơn. Tuy nhiên từ khi mang bầu, chắc do thay đổi nội tiết tố trong người mà em hay mất ngủ hơn.
Mỗi khi đưa em đi khám thai định kỳ, tôi cũng hỏi bác sĩ về việc này. Bác sĩ nói không cần quá lo lắng vì mất ngủ là một triệu chứng rất bình thường của bà bầu, đặc biệt khi em bé ngày càng lớn dần sẽ o ép cơ hoành khiến mẹ khó thở hơn, từ đó khiến vợ bầu có thể ngủ không ngon giấc.
Vợ tôi thì nói, có thể do bụng bầu trở nên to hơn nên khó nằm thoải mái như bình thường mà phải chọn những tư thế thích hợp nên bị mất ngủ ban đêm vì phải thay đổi tư thế, dễ mỏi người khiến cho giấc ngủ chập chờn, ngắt quãng. Tôi cũng thấy vợ nói rất có lý nên thương mà không biết làm cách nào giúp vợ cải thiện.
Cách đây vài ngày, tôi đi làm ca đêm ở nhà in về đến nhà đã 3h sáng. Vừa mở cửa vào nhà tôi đã nghe thấy tiếng ngáy của một người đàn ông phát ra từ phòng ngủ của 2 vợ chồng. Lúc đó tôi còn nghĩ chắc hẳn vợ đang tranh thủ chồng đi làm ca mà ngoại tình với người đàn ông nào đó nên lập tức vào phòng kiểm tra và chết lặng trước sự thật phát hiện được.
Vào phòng, tôi không thấy người đàn ông lạ mặt nào mà chỉ có vợ bầu đang mê mệt ngủ một mình. Bên cạnh vợ là chiếc điện thoại đang phát lại tiếng ngáy kia.
Nhìn cảnh này mà tôi dở khóc dở cười vì thương vợ bầu. (Ảnh minh họa)
Thì ra đã quen với hơi của chồng nên khi tôi đi làm ban đêm vợ không ngủ được. Cô ấy đã tìm đủ mọi cách để trị mất ngủ mà không cải thiện. Chỉ đến khi vợ nghĩ ra cách ghi âm tiếng ngáy của chính chồng mình rồi phát lại mỗi khi khó ngủ thì lại có thể ngủ được một lúc. Nhìn cảnh này mà tôi dở khóc dở cười vì thương vợ bầu.
Có lẽ thời gian tới tôi thử đề xuất 1 tuần làm đêm 1 tuần làm ngày với ban giám đốc để ở nhà cho vợ bầu ngủ ngon hơn. Chứ mất ngủ như này sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của 2 mẹ con mất. Không biết mất ngủ khi mang thai ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của mẹ bầu?
Mất ngủ khi mang thai ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của mẹ bầu?
Các thay đổi về giấc ngủ của phụ nữ khi mang thai:
3 tháng đầu và 3 tháng giữa thai kỳ: Nồng độ progesterone và các hormone khác thay đổi khiến mẹ thường bị mệt mỏi và buồn ngủ vào ban ngày.
3 tháng cuối thai kỳ: Giấc ngủ thường nông, hay tỉnh dậy vào ban đêm và thời gian ngủ trong một ngày giảm.
Nếu thai phụ bị mất ngủ liên tục sẽ làm ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ sau này. Khi em bé chào đời, mẹ chưa kịp điều chỉnh đồng hồ sinh học để thích nghi với giờ giấc sinh hoạt của bé khiến cho giấc ngủ của mẹ bị xáo trộn rất nhiều.
Trong trường hợp mẹ bầu thường xuyên bị mất ngủ, khó ngủ, ngủ không sâu giấc thì rất dễ gặp các vấn đề như trầm cảm trước và sau sinh. Khi người phụ nữ vừa sinh xong bị gián đoạn giấc ngủ nghiêm trọng sẽ thường bị tiêu cực về mặt cảm xúc, giảm sự gắn kết giữa mẹ và bé, đồng thời ảnh hưởng tới việc chăm sóc bé.