Sinh con từ lâu đã được ví như bước qua "cửa tử." Đối với nhiều phụ nữ, mang thai không chỉ là niềm hạnh phúc chờ đón thiên thần nhỏ, mà còn là cuộc hành trình đầy nguy hiểm, đặc biệt trong những ngày gần sinh. Mỗi khi sản phụ bước vào phòng sinh, tính mạng của họ được giao phó hoàn toàn cho các bác sĩ. Chính vì thế, sự hiện diện của người thân, đặc biệt là gia đình bên nhà mẹ đẻ, sẽ giúp sản phụ an tâm hơn rất nhiều. Tuy nhiên, không phải ai cũng có may mắn được người thân ở bên, như trường hợp của sản phụ ở An Huy (Trung Quốc) trong bài viết dưới đây.
Một sản phụ sắp sinh đã nhập viện để chờ ngày lâm bồn. Do lấy chồng xa, cô không có người thân bên nhà mẹ đẻ để hỗ trợ. Chỉ có một người bạn đi cùng, nhưng trong những giây phút sinh tử, người bạn này không thể giúp được gì nhiều. Bên ngoài phòng sinh, chồng và bố mẹ chồng đang sốt ruột chờ đợi.
Trước khi vào phòng sinh, sản phụ lặng lẽ đưa cho bác sĩ một mảnh giấy nhỏ, với ánh mắt đầy khẩn thiết. Trên mảnh giấy ấy, cô viết: "Vì tôi mang thai ở độ tuổi cao, nên nếu gặp tình huống nguy cấp, xin hãy ưu tiên cứu tính mạng của tôi".
Sản phụ khéo léo đưa 1 tờ giấy cho bác sĩ. (Ảnh minh họa)
Trong quá trình sinh nở, đúng như sản phụ dự đoán, cô đột ngột gặp biến chứng nghiêm trọng: tắc mạch ối. Đây là một biến chứng hiếm gặp nhưng cực kỳ nguy hiểm, xảy ra khi nước ối hoặc các thành phần từ nước ối (như tế bào da, lông tóc của thai nhi) xâm nhập vào mạch máu của người mẹ và gây ra phản ứng nghiêm trọng. Tình trạng này có thể dẫn đến suy hô hấp, suy tim, xuất huyết không kiểm soát và thậm chí là tử vong nhanh chóng nếu không được xử lý kịp thời.
Khi tắc mạch ối xảy ra, bác sĩ phải đối mặt với một quyết định sinh tử: Ưu tiên cứu sản phụ hoặc cố gắng cứu đứa bé. Trong trường hợp này, bác sĩ đã chọn cứu người mẹ.
Khi biết tin đứa bé không thể cứu sống, người chồng vô cùng tức giận, anh chỉ trích bác sĩ đã không làm theo yêu cầu của mình là cố gắng cứu con. Anh thậm chí đòi kiện bệnh viện vì cho rằng bác sĩ đã không thực hiện đúng trách nhiệm. Câu chuyện này nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội, thu hút sự chú ý của cộng đồng và tạo ra nhiều luồng ý kiến trái chiều.
Nhiều người cho rằng: "Khi phụ nữ sinh con, nhất định phải có người thân bên nhà mẹ đẻ đồng hành, vì đó là lúc dễ gặp nguy hiểm nhất". Một số khác lại phê phán gay gắt: "Với người chồng vô tâm như vậy, ly hôn càng sớm càng tốt". Tuy nhiên, theo các quy định pháp lý và chính sách bệnh viện, trong trường hợp gặp biến chứng nghiêm trọng như tắc mạch ối, các bác sĩ phải ưu tiên cứu sản phụ.
Người vợ đau khổ trước sự vô tâm của chồng. (Ảnh minh họa)
Tại sao tắc mạch ối lại là biến chứng sản khoa nguy hiểm?
Thống kê số liệu các trường hợp mắc bệnh cho thấy, mặc dù bệnh lý tắc nghẽn mạch ối là tai biến sản khoa hiếm gặp nhưng vô cùng nguy hiểm, nguy cơ tử vong lên đến 90% ở mẹ và khoảng 20 – 60% ở trẻ. Những trường hợp nếu được chẩn đoán và xử trí kịp thời vẫn có thể cứu sống cả mẹ và thai nhi, do đó việc cập nhật chẩn đoán và đưa ra hướng xử trí đúng đắn, nhanh chóng là điều vô cùng cần thiết cho các trường hợp tai biến sản khoa.
Nguyên nhân gây thuyên tắc ối là gì?
Ở trạng thái bình thường, nước ối sẽ hoàn toàn nằm trong buồng ối, không đi vào hệ tuần hoàn của thai phụ. Khi hàng rào giữa khoang ối và tuần hoàn của thai phụ bị phá vỡ, nước ối sẽ đi vào máu của thai phụ thông qua các tĩnh mạch ống cổ tử cung, qua vị trí rau bám đã bong, qua nội mạc tử cung hoặc tử cung bị chấn thương dẫn đến tắc mạch ối. Tuy nhiên, không phải trường hợp nước ối đi vào tuần hoàn của thai phụ nào cũng gây tắc nghẽn.
Các bác sĩ cho biết, tất cả các độ tuổi đều có thể mắc chứng mạch ối bị tắc nghẽn xảy ra trước, trong hoặc ngay sau khi sinh. Y khoa ghi nhận các trường hợp tắc mạch ối ở thai phụ có chung đặc điểm như thai nhi lớn, thai quá ngày, thai phụ lo lắng, hốt hoảng, khó thở và nôn mửa. Thêm vào đó, một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh gồm:
- Thai phụ tuổi cao: Những thai phụ trên 35 tuổi;
- Thai phụ mang đa thai hoặc sinh con nhiều lần;
- Nhau thai bất thường: Khi mang thai nếu cấu trúc trong tử cung phát triển bất thường;
- Thai phụ mắc chứng tiền sản giật: Những thai phụ mắc chứng tiền sản giật, huyết áp tăng cao và protein niệu sau tuần 20 của thai kỳ;
- Mổ lấy thai, hoặc đẻ đường dưới có sự can thiệp của thủ thuật Forceps, giác kéo, chọc hút nước ối: Việc dùng kẹp hoặc các thủ thuật giác hút lấy thai có thể phá vỡ hàng rào vật lý giữa thai phụ và thai nhi.