Hóa ra cúng Tết Đoan Ngọ sáng sớm chưa đúng, năm 2024 có 4 khung giờ đẹp để lên hương

Google News

Chuyên gia phong thủy gợi ý có 4 khung giờ đẹp cúng Tết Đoan Ngọ 2024 để mang lại may mắn, tài lộc cho gia chủ. 

Khung giờ đẹp nhất để cúng Tết Đoan Ngọ 2024

Tết Đoan Ngọ là ngày Tết truyền thống tại Việt Nam và một số nước Châu Á, được cúng lễ vào 5/5 Âm lịch hàng năm. Năm nay, Tết Đoan Ngọ rơi vào Thứ 2, ngày 10/6 dương lịch.

Tết Đoan Ngọ xuất phát từ điển tích trong dân gian. Theo đó, ngày trước khi nông dân đang ăn mừng vì một vụ mùa bội thu thì có đàn sâu bọ kéo đến phá nát mọi thứ. Khi đó, một ông lão trong làng đã hướng dẫn mỗi nhà lập bàn cúng gồm bánh tro, trái cây rồi ra trước nhà tập thể dục vào giờ Ngọ.

Người dân làm theo thì tình cờ sâu bọ cũng lần lượt chết hết. Câu chuyện được lưu truyền trong dân gian nên cứ đến ngày mùng 5/5 Âm lịch hàng năm, người nông dân lại cúng kiếng để diệt sâu bọ. Dần dần mở rộng ra đến các vùng thành thị cũng làm theo.

Ở Việt Nam, người ta còn truyền miệng nhau gọi Tết Đoan Ngọ là Tết diệt sâu bọ. Nguyên nhân đó là bởi theo vòng tuần hoàn thời gian và thời tiết, ngày 5/5 Âm lịch ở nước ta rơi vào khoảng thời gian nắng nóng, sâu bọ phát triển nhiều. Với nghề làm lúa nước và trồng trọt cây ăn trái đã phát triển từ lâu, người xưa quan niêm diệt sâu bọ sẽ giúp mùa màng tốt tươi hơn. Bởi vậy, cái tên "Tết diệt sâu bọ" ra đời từ đó.

Vào ngày này, nhiều người chuẩn bị mâm cúng Tết Đoan Ngọ rồi lên hương vào sáng sớm sau đó đánh thức mọi người trong nhà dậy để ăn đồ cúng diệt sâu bọ. Nhưng theo các chuyên gia phong thủy, "Đoan" có nghĩa là mở đầu, còn "Ngọ" nghĩa là giờ Ngọ, khoảng thời gian từ 11 giờ trưa đến 1 giờ chiều. Chính bởi vậy giờ chuẩn nhất để thực hiện các nghi thức cúng và ăn Tết Đoan Ngọ chính là vào buổi trưa, có thể bắt đầu từ lúc bắt đầu giờ Ngọ.

Theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà, các khung giờ đẹp để tiến hành nghi lễ cúng Tết Đoan ngọ năm 2024 như sau:

- Giờ đẹp nhất là giờ Nhâm Ngọ từ 11h đến 13h.

- Sớm hơn có giờ Canh Thìn từ 7h đến 9h.

- Muộn hơn có giờ Quý Mùi từ 13h đến 15h.

- Cuối cùng trong ngày là giờ Bính Tuất từ 19h đến 21h.

Mâm cúng Tết Đoan ngọ gồm có những gì?

Tùy từng vùng miền mà mâm cúng Tết Đoan Ngọ được bày biện khác nhau, nhưng không thể thiếu rượu nếp và hoa quả theo mùa. Hoa quả thường được chọn sẽ phải là loại có vị chua, ngọt và một chút vị chát. Bởi vậy, 2 loại quả thường thấy xuất hiện trong mâm cúng Tết Đoan Ngọ là mận và vải, bởi thời điểm này mận và vải đang vào mùa, được bày bán nhiều.

Rượu nếp sẽ giúp hỗ trợ việc này bởi nó có tác dụng kích thích vị giác, hỗ trợ tiêu hóa, loại bỏ các vi sinh vật gây bệnh như vi khuẩn, nấm hay các ký sinh trùng trong cơ thể. 

Ngoài ra, các gia đình còn mua thêm các loại hoa và bánh trái để cúng như: hoa sen trắng, hoa sen hồng, hoa cau, các loại bánh sắc màu như bánh xu xê, xôi cốm...

Những việc nên làm trong ngày Tết Đoan Ngọ

- Thực hiện nghi thức diệt sâu bọ

Người xưa quan niệm trong cơ thể con người, nhất là bộ phận tiêu hoá thường có sâu bọ ẩn sống, nếu không diệt trừ sâu bọ ngày càng sinh sôi nảy nở, gây nguy hại cho con người. Lũ sâu bọ này chỉ lộ diện vào ngày 5/5 Âm lịch nên phải làm lễ trừ sâu bọ vào ngày này.

Theo quan niệm dân gian, có thể giết sâu bọ bằng cách ăn thức ăn, hoa quả vào ngày 5/5. 

- Tắm gội bằng nước lá từ thiên nhiên

Thông thường, vào ngày mùng 5/5, sau khi đã ăn cơm rượu để giết sâu bọ, mọi người sẽ tắm bằng nước đun lá mùi, lá tía tô, kinh giới, lá sả, lá tre… Người xưa cho rằng tắm những lá này để mồ hôi toát ra, có cảm giác khoan khoái dễ chịu, thơm tho làm cho con người phấn chấn. Cách tắm này lại trị được cảm cúm bởi lá mùi là vị thuốc nam.

Bài văn khấn tết Đoan Ngọ theo sách Văn khấn toàn tập

Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần).

Con lạy chín phương Trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.

Con kính lạy Hoàng Thiên, Hậu Thổ chư vị Tôn thần.

Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần.

Con kính lạy Tổ tiên, Hiển khảo, Hiển tỷ, chư vị hương linh (nếu bố, mẹ còn sống thì thay bằng Tổ khảo, Tổ tỷ).

Tín chủ chúng con là...

Ngụ tại...

Hôm nay là ngày Đoan ngọ, chúng con sửa sang hương đăng, sắm sanh lễ vật, hoa, trà, quả dâng lên trước án.

Chúng con kính mời ngài Bản cảnh Thành Hoàng, chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long mạch, Tài thần, cúi xin các Ngài giáng lâm trước án chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật.

Chúng con kính mời các cụ Tổ khảo, Tổ tỷ, chư vị hương linh gia tiên nội ngoại họ... cúi xin các vị thương xót con cháu chứng giám tâm thành thụ hưởng lễ vật.

Tín chủ con lại kính mời các vị Tiền chủ, Hậu chủ tại nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng, độ cho chúng con thân cung khang thái, bản mệnh bình an, bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng bình an, thịnh vượng.

Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì. 

Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần).

* Thông tin trong bài mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm.

H.A

Bình luận(0)