Chủ ngân hàng Nhật Bản Hanzawa đã xử lý hàng trăm giao dịch cho vay doanh nghiệp. Điều khiến ông ấn tượng là một nhà máy sản xuất van bằng hợp kim titan. Ông đánh giá sản phẩm của nhà máy này có chất lượng rất tốt, nhưng năng suất lại thiếu hụt, không đáp ứng được nhu cầu thị trường.
Để đáp ứng tốt điều kiện cho khoản vay, ông đề nghị nhà máy đưa vào sử dụng thiết bị tự động hóa để nâng cao năng suất. Thế nhưng, giám đốc nhà máy lại sẵn sàng đóng cửa xưởng sản xuất thay vì chấp nhận điều kiện cho vay này.
Theo quan điểm của ông ta, khâu đó chỉ có những kỹ thuật viên được đào tạo chuyên nghiệp mới có thể đảm nhiệm. Nhưng thực tế, với sự phát triển của công nghệ, gia công cơ khí về cả tốc độ và độ chính xác đều đã vượt trội so với thủ công.
Nhiều năm sau khi nhớ lại chuyện này, Hanazawa nói: "Lý do ông ấy bướng bỉnh như vậy là vì kiến thức của ông ấy vẫn dừng lại ở mức máy móc không thể thay thế được thủ công".
Sự bướng bỉnh bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết, sự linh hoạt dựa trên kiến thức. Những người có hiểu biết càng nông cạn thì tư duy càng cứng nhắc. Họ không nhìn thấy bản chất, không nắm bắt được quy luật và không bao giờ nhìn nhận mọi việc với một cái nhìn cởi mở. Ngay cả khi có người chỉ ra vấn đề của họ, họ vẫn một mực đi theo con đường của mình.
Nhà văn Lermontov từng nói: “Những người chỉ lấp đầy tâm trí bằng chính mình là những người ngu dốt nhất”.
Không hiểu được nhiều quan điểm khác nhau, họ sẽ coi ý kiến của mình là tiêu chuẩn tuyệt đối; không thể vượt qua giới hạn tư duy, họ chỉ có thể coi con đường mình đang đi là con đường duy nhất.
Những ai bị mắc kẹt đều là bị mắc kẹt trong tâm trí. Suy cho cùng, những người bướng bỉnh đều là đang tự trả giá cho kiến thức hạn hẹp của mình.
Người dẫn chương trình Martin từng nói: "Sự bướng bỉnh không phải là sự tự tin khi đã nắm chắc mọi thứ, mà là sự kiêu ngạo khi chỉ biết một phần".
Khi kiến thức của một người không đủ để suy nghĩ về những điều sâu sắc hơn, họ chỉ có thể hành động dựa trên trực giác và kinh nghiệm. Ngay cả khi có những ý kiến đúng đắn được đưa ra, họ cũng không muốn chấp nhận, mà chỉ cho rằng chân lý nằm trong tay mình.
Ở một công ty nọ xảy ra lỗi gián đoạn dữ liệu, người phụ trách đã liên hệ với nhà cung cấp phần mềm. Sau khi kiểm tra, nhà cung cấp phản hồi rằng phần mềm không có vấn đề, đề nghị kiểm tra phần cứng. Một nhân viên có xuất thân là kỹ sư phần mềm, không hiểu nhiều về phần cứng nhưng khẳng định mình đã gặp phải vấn đề tương tự nhiều lần và cuối cùng đều phát hiện ra lỗi nằm ở phần mềm.
Nhà cung cấp phần mềm đành phải cố gắng kiểm tra lại, nhưng sau hơn một tuần vẫn không tìm ra được vấn đề. Ngay cả khi các đồng nghiệp khác cũng cho rằng kiểm tra phần cứng không có gì sai, anh chàng kia vẫn một mực khẳng định chỉ có thể là phần mềm bị lỗi.
Cuối cùng, một người lén tìm thợ kiểm tra phần cứng và nhanh chóng phát hiện ra lỗi. Họ chỉ mất nửa tiếng để thay thế đã dễ dàng giải quyết được vấn đề kéo dài gần nửa tháng. Đồng nghiệp kia lúc đầu còn tỏ ra bướng bỉnh, giờ đã không còn gì để nói.
Vậy mới nói, mức độ nhận thức cao thấp phụ thuộc vào khả năng tiếp nhận những quan điểm khác nhau. Nếu một người luôn để lại ấn tượng về sự bướng bỉnh, điều đó chỉ chứng tỏ rằng họ không có đủ kiến thức để cân nhắc nhiều khả năng hơn. Cố chấp một mình trong thế giới của mình, chắc chắn họ sẽ rơi vào bế tắc tư duy và khiến con đường cuộc đời ngày càng hẹp.
Những người có “tư duy hang động” bám vào những kiến thức lỗi thời và nông cạn, loại bỏ tất cả những khả năng khác. Thay vào đó, học cách buông bỏ sự cố chấp trong lòng, nhìn vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau, bạn mới có thể bước ra khỏi hang động và nhìn thấy thế giới.
Giáo sư Julia Dahl của Đại học Harvard từng là nhà vô địch tranh luận toàn cầu. Nhưng trong cuộc sống, bà từng là một người rất cứng đầu. Bất cứ điều gì đã xác định, bà đều có thể sử dụng khả năng hùng biện xuất sắc của mình để khiến những người phản đối phải im lặng.
Cho đến một lần, bà nhất quyết thúc đẩy một dự án nghiên cứu mà chưa chuẩn bị kỹ, dẫn đến nhóm nghiên cứu bị mất một lượng lớn kinh phí. Trải qua việc này, bà không khỏi thở dài: "Nếu không hiểu rõ bản chất vấn đề, việc bạn cho rằng mình đang bảo vệ lập trường chỉ là tự hủy hoại ở một cấp độ rất thấp".
Từ đó trở đi, mỗi khi có người mâu thuẫn với mình, bà không còn nghĩ đến việc làm thế nào để khăng khăng giữ vững quan điểm của mình nữa. Thay vào đó, bà tự ép mình tìm ra ít nhất 5 lý do để ủng hộ đối phương. Bằng cách này, Julia dần hình thành tính cách bao dung và tiếp thu. Mỗi khi nghe thấy những ý kiến khác nhau, bà đều coi đó là cơ hội học hỏi để bù đắp những thiếu sót trong nhận thức.
Diễn giả TED Matthew Syed từng nói: "Sai lầm lớn nhất của chúng ta là chỉ nhìn thấy những thông tin hỗ trợ cho ý tưởng của mình và bác bỏ bất kỳ thông tin trái ngược nào. Nói cách khác, sự bướng bỉnh đã hạn chế nhận thức của chúng ta. Nhưng phạm vi nhận thức lại quyết định năng lực của chúng ta".
Buông bỏ sự bướng bỉnh và cực đoan không có nghĩa mất đi ý kiến riêng mà là sẵn sàng chấp nhận những hạn chế của bản thân, đồng thời cho phép các quan điểm khác tồn tại và cũng hoàn thiện bản thân mình. Như vậy, mỗi người và mỗi việc bạn gặp đều sẽ giúp bạn trưởng thành hơn.
Có câu nói rằng: "Người thực sự thông minh luôn tin rằng có người thông minh hơn mình".
Sự chuyển biến từ nông cạn đến thông thái của một người chỉ đơn giản là quá trình từ bướng bỉnh trở nên bao dung, đi theo con đường riêng của mình và học hỏi điểm mạnh của người khác.
Nếu một ngày, bạn nhận thấy mọi người xung quanh không còn nói bạn bướng bỉnh nữa, đó không phải vì tính cách của bạn đã thay đổi, mà là vì nhận thức của bạn đã đạt đến một cấp độ cao hơn.