Nhiều gia đình sinh con một bề là gái nhưng cuộc sống vẫn luôn tràn ngập niềm vui và viên mãn. Điều đó chứng tỏ hạnh phúc không phải đến từ việc sinh con trai hay gái mà chính là nỗ lực cùng nhau vun đắp, giáo dục con cái của bậc phụ huynh. Khi các con gái trưởng thành, họ sẽ được hưởng “trái ngọt” và trở thành tấm gương sáng cho hàng xóm, họ hàng noi theo, điển hình như cặp vợ chồng U60 ở Thanh Oai (Hà Nội) dưới đây.
Bố mẹ của Thiên Tân.
Thiên Tân (SN 2000) – con gái út tâm sự: “Bố mẹ em đã ngoài 60 tuổi, là nông dân và có buôn bán thêm tại nhà. Bố mẹ sinh được 8 người con gái, xưa buôn đủ nghề để có thể nuôi được chị em em.
Em từng nghe mẹ kể rằng ngày còn trẻ thường đi thu mua đồ rồi đem bán ở chợ, sau đó làm nghề dệt len. 25 năm trở lại đây, bố mẹ mở cửa hàng bán các loại bạt bao mì, đồ gia dụng bằng nhôm.
Nhiều người nói bố mẹ phải giàu có mới thể nuôi được 8 cô con gái học hành tử tế. Song thực sự suốt bao năm bố mẹ đều chắt chiu, dành dụm để các con được ăn học, đến trường như con nhà người ta”.
Bố mẹ và 8 chị em của Thiên Tân.
Chị cả của Thiên Tân tên Hà (SN 1983), hiện kinh doanh tự do. Năm 2001, chị từng thi Đại học Y Hà Nội nhưng thiếu điểm đỗ. Lúc đó gia đình khó khăn nên chị không được thi lại vào năm sau. Chị phải bươn chải sớm để có thể phụ bố mẹ nuôi các em ăn học.
“Chị thứ 2 của em tên Giang (SN 1986), từng học ngành Kế toán của trường Đại học Lâm nghiệp. Song khi tốt nghiệp, chị lập gia đình và cùng chồng kinh doanh xưởng gỗ. Hiện tại chị làm quản lý kế toán cho xưởng may của chị ba tên Sang (SN 1987).
Chị Sang có bằng thạc sĩ Giáo dục học. Chị từng đi dạy nhưng sau chồng mở xưởng may nên lui về hậu thuẫn chồng. Chị thứ 4 tên Khanh (SN 1990) hiện là giáo viên tiểu học, chồng của chị là phiên dịch tiếng Hàn”, Thiên tân tiết lộ.
Dù các chị gái đã lập gia đình nhưng lúc nào cũng yêu thương và quan tâm em út.
Người chị thứ 5 của Thiên Tân tên Nhâm (SN 1992), trước học thiết kế thời trang. Sau đó chị sang Nhật một thời gian, khi về nước làm giáo viên tiếng Nhật. Chị lấy chồng tại Hải Dương nên theo chồng về đó lập nghiệp. Chị hiện làm ở vị trí quản lý chất lượng cho một công ty thời trang nổi tiếng, còn chồng đảm nhiệm vị trí quản lý công ty xăng dầu.
Chị thứ 6 tên Nhung (SN 1994), hiện độc thân và làm trưởng nhóm đội chăm sóc khách hàng của một công ty. Chị thứ 7 tên Kim (SN 1998), trước học an ninh sân bay nhưng tốt nghiệp đúng đợt dịch COVID-19 nên khó xin việc. Sau đó chị kết hôn và ở nhà kinh doanh cùng chồng.
Thiên Tân và chị thứ 6 chưa có gia đình nên cố gắng một năm đưa bố mẹ đi đây đi đó từ 1 đến 2 lần.
“Em là em gái út, từng học trường Đại học Hà Nội. Hiện em làm phiên dịch tiếng Hàn. Bố mẹ em có tất thảy 14 cháu ngoại, đủ 12 con giáp: 11 cháu trai và 3 cháu gái”, Thiên Tân chia sẻ.
“Các chị của Thiên Tân có ai lấy chồng gần bố mẹ hay không?”, khi được hỏi cô gái Gen Z tiết lộ chị cả và chị thứ 7 lấy chồng trong làng, còn lại các chị lấy ở Hà Nam, Mỹ Đức – một huyện ngoại thành của Hà Nội, Hải Dương.
“Bạn bè của em từng ngỡ ngàng khi em có tận 7 người chị, sau đó hỏi có bao giờ cả nhà tụ tập đông đủ hay không. Từ lâu các chị từng đặt ra quy định chung, đó là một năm có 4 dịp phải có mặt đông đủ 8 chị em ở nhà: Tết dương lịch, Tết Nguyên đán, sinh nhật bố mẹ.
Còn bình thường, cứ 2 tháng chúng em sẽ tổ chức ăn uống tại nhà bố mẹ một lần. Gia đình chị nào bận có thể không tham gia, ví dụ như ở cữ, con nhỏ. Em thấy cứ lúc nào các chị về nhà đông đủ là bố mẹ vui lắm. Khi nào mọi người ra về, bố mẹ buồn thiu, thậm chí bố toàn dắt xe ra cổng rồi đứng chờ các con đi khuất bóng mới vào nhà”, cô gái trẻ tâm sự.
8 chị em gái của Thiên Tân là niềm tự hào lớn của bố mẹ.
Gần đây, 8 chị em của Thiên Tân đã tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm ngày cưới cho bố mẹ bằng buổi chụp ảnh gia đình. Còn chuyện cả nhà đã bao giờ đi du lịch cùng nhau thì chưa vì không thể sắp xếp được thời gian.
“Em và chị Nhung chưa có gia đình nên cố gắng một năm đưa bố mẹ đi đây đi đó từ 1 đến 2 lần. Chúng em làm ngay Hà Nội nên tháng nào cũng về nhà 3-4 lần để ăn cùng bố mẹ bữa cơm. Chị em em cũng nói với bố mẹ rằng giờ các con đã trưởng thành, có thể kiếm tiền báo hiếu nên mong bố mẹ làm ít lại, giữ sức khỏe”, Thiên Tân chia sẻ.
Sắp Tết Nguyên đán, bố mẹ của cô gái từng ngày ngóng trông các con về sum vầy, ăn một bữa cơm đoàn viên. Cô sẽ về từ sớm phụ bố mẹ dọn dẹp – trang hoàng nhà cửa, gói bánh chưng, làm cỗ Tết đợi các chị, anh rể và các cháu ghé tới.