Gia đình "độc nhất vô nhị" nổi tiếng miền Tây: Phản ứng của chồng cả khi lần đầu thấy vợ ở cùng chồng mới

Google News

"Tôi bất ngờ khi thấy vợ sống chung với người đàn ông khác. Nhưng khi nghe mọi người thuật lại tất cả những gì xảy ra, tôi liền cảm ơn cậu ấy đã chăm sóc vợ con tôi suốt thời gian vắng nhà. Tôi còn đưa ra quyết định sẽ sống chung với cậu ấy trong một nhà", anh Thảo nói.

Chuyện một vợ - 2 chồng hay một vợ - 3 chồng không còn xa lạ đối với người dân ở các tỉnh miền Tây. Vì nơi đây khá nổi tiếng với câu chuyện về hai hoàn cảnh như thế, thậm chí họ sống với nhau rất chan hoà, hạnh phúc nhưng không phải tấm gương để tất cả noi theo.

Nhiều người cho rằng hai gia đình trên là hy hữu, “độc nhất vô nhị” bởi từ hàng nghìn năm xã hội đã xóa bỏ chế độ đa thê, như vậy là vi phạm pháp luật hôn nhân gia đình, chế độ một chồng một vợ. Song ít ai ngờ mới đây dư luận lại được phen xôn xao trước câu chuyện một vợ - 2 chồng cũng tại nơi đất lành chim đậu này.

Anh Hùng – một người quen của gia đình cho biết: “Họ là người nghèo, sống trong cực khổ nhưng rất giàu tình yêu thương. Cả ba cùng sống với nhau bằng nghề nhặt ve chai, chưa bao giờ xảy ra cãi vã hay ghen tuông gì cả. Người dân quanh đây đều rất ngưỡng mộ cách sống, cư xử của hai người chồng. Thật hiếm có khó tìm một gia đình chung vợ nào như thế”.

Nói xong, người đàn ông đưa tay chỉ về phía ngôi nhà cũ kỹ, chắp vá bằng những miếng nilon và gỗ mục. Anh nói: “Đây là nhà của gia đình một vợ - 2 chồng. Căn nhà này do nhà nước cấp chứ làm gì có đất đai gì đâu. Họ nghèo và lắm bệnh tật. Tôi mong rằng ai có tấm lòng hãy giúp đỡ họ một chút để đỡ cơ cực”.

Khi bước vào, cảnh tượng trước mắt khiến tất cả ngỡ ngàng khi trong nhà chẳng có thứ gì đáng giá ngoài chiếc ghế cũ, dăm ba nồi niêu xoong chảo… Người phụ nữ tự cất tiếng giới thiệu: “Tôi tên Lâm Diệu Quy (35 tuổi), còn đây là chồng cả tên Cao Thảo (54 tuổi). Chúng tôi làm nghề nhặt ve chai nhưng mấy bữa nay tôi bệnh quá, nghỉ ở nhà chích thuốc cho khỏi.

Anh Thảo xưa bốc vác xi măng hoặc làm hợ hồ nhưng sức khỏe không cho phép, cũng nghỉ để đi nhặt ve chai. Cuộc sống của vợ chồng tôi không mấy khá giả nhưng tạm chấp nhận số phận vì có than có buồn có oán hận cũng chẳng giải quyết được gì”.

Chị Quy rưng rưng kể lại câu chuyện của 3 người.

Nghe vợ nói xong, anh Thảo ngồi bên cạnh cất giọng trầm hiền: “Tôi là chồng cả của cô ấy! Vợ chồng tôi có với nhau 3 đứa con nhưng gửi cho mấy đứa em tôi nuôi giùm rồi. Xưa chúng tôi là một gia đình nhỏ, có vợ có chồng và có con.

Vì hoàn cảnh, tôi sang Campuchia làm thuê, đi phơi khô cho người ta. Sau đó tôi bị người ta bán ra biển suốt thời gian dài. Khi ấy tôi chẳng biết liên lạc với vợ con ở quê nhà như thế nào, đành chờ đợi ngày được giải cứu”.

Lúc này chị Quy ở nhà chạy vạy khắp nơi ngóng tin chồng nhưng vặt vô âm tín. Thậm chí có người còn nói rằng chồng chị đã chết nơi đất khách quê người. Chị đau đớn và bất lực khi nhận tin chồng đã qua đời.

Người phụ nữ chìm đắm trong cơn đau mất chồng một thời gian, sau đó gắng gượng đứng dậy tiếp tục nghề nhặt ve chai, kiếm tiền nuôi các con. Một lần chị bán ve chai cho chàng trai tên Phi (33 tuổi) rồi nảy sinh tình cảm, dọn về sống chung với nhau như vợ chồng.

“Đây rồi! Chồng thứ 2 của tôi đi nhặt ve chai đã về. Anh tên Phi, từng có một đời vợ và hai đứa con riêng. Cơ duyên chúng tôi gặp gỡ nhau rất tình cờ, lại có chung hoàn cảnh nên nảy sinh tình cảm nhanh chóng lắm”, chị Quy không ngần ngại nói.

Anh Phi quả thật rất trẻ trung so với anh Thảo. Anh vui vẻ kể: “Bữa đó em thu mua ve chai, vợ em có qua bán một bọc nhỏ. Em đưa tiền rồi bảo khỏi phải đưa nữa, để dành cho có tấm có món. Em biết được hoàn cảnh của vợ nên thấy tội nghiệp lắm.

Gia đình một vợ - 2 chồng: anh Thảo (áo kẻ xanh), chị Quy và anh Phi (áo trắng).

Không lâu sau, em và vợ em nảy sinh tình cảm. Em ngỏ ý muốn về sống chung, làm chỗ dựa cho cô ấy. Vậy là chúng em trở thành vợ chồng với hi vọng một ngày nào đó anh Thảo xuất hiện”.

Cuối cùng ước mơ của chàng trai đã thành hiện thực. Anh Thảo đã quay trở về ngôi nhà ấy trước sự ngỡ ngàng của người dân trong ấp. Còn chị Quy mừng rỡ, cứ ngỡ chồng “chết đi sống lại”. Họ đã ôm nhau thật chặt, bao tủi hờn bấy lâu trong chị bỗng chốc trở thành giọt nước mắt lăn dài trên gò má.

“Tôi bất ngờ khi thấy vợ sống chung với người đàn ông khác. Nhưng khi nghe mọi người thuật lại tất cả những gì xảy ra, tôi liền cảm ơn cậu ấy đã chăm sóc vợ con tôi suốt thời gian vắng nhà. Tôi còn đưa ra quyết định sẽ sống chung với cậu ấy trong một nhà.

Chúng tôi ăn chung, ngủ chung và không hề có bất cứ tranh cãi gì cả. Tôi thường bảo Phi rằng hai anh em không thể để chuyện không hay xảy ra, khi đó sẽ khiến vợ phải buồn lòng. Chúng tôi từ chồng của vợ đã trở thành anh em thân thiết, giống như người thân ruột thịt”, anh Thảo tự hào.

Về phía Phi, khi chồng đầu của vợ xuất hiện, anh có chút hụt hẫng và lo lắng đến chuyện sẽ phải rời đi, “trả lại” vợ cho anh Thảo. Thậm chí anh còn chuẩn bị sẵn tinh thần sẽ bị anh Thảo chửi mắng. Ngờ đâu anh đã nhận được cái bắt tay từ anh Thảo, lời mời sẽ sống chung như người thân.

“Em hạnh phúc vô cùng khi được sống chung cùng anh Thảo. Nếu ai hỏi có ghen hay không? Có lẽ em sẽ bảo có vì dù sao trong lòng lúc đầu cũng có chút ganh tị, không thích phải “chia vợ”. Song em càng sống chung với anh Thảo lâu càng nhận ra anh là người hiền lành, giống như anh trai của em. Giờ em yêu thương cả vợ lẫn anh ấy”, chàng trai nói.

NGỌC HÀ

Bình luận(0)