Thay vì chọn cách sống an nhàn, tận hưởng tuổi già cùng con cháu, bà Bảy (71 tuổi) sống tại tỉnh Đồng Nai lại làm nhiều người phải nể phục vì một lòng hăng say với nghề mộc - công việc cực nhọc mà nhiều thanh niên, trai tráng cũng ái ngại. Mỗi ngày, cụ bà đều thức sớm để đo đạc, đẽo gọt các thanh gỗ và ghép nối chúng bằng những loại đinh ốc khác nhau, tạo nên những món vật dụng hữu ích trong gia đình.
Nếu như nhìn vẻ bề ngoài của bà Bảy thì ít người tin rằng nhiều món đồ vật bằng gỗ chắc chắn trong ngôi nhà lại do chính tay của người phụ nữ ngoài 70 tuổi này thực hiện.
Trước đây, ba của bà Bảy chọn nghề đóng tàu để mưu sinh, cả cuộc đời gắn liền với cây cưa, chiếc búa. Vì thế, từ thuở nhỏ, bà đã có niềm đam mê với công việc này, ấp ủ ước mơ sau này cũng trở thành thợ mộc.
Song, khi đến tuổi trưởng thành, bà chọn theo nghề làm nông để ổn định kinh tế. Mỗi ngày, cụ bà U80 tự tay trồng trọt, thu hoạch rau, củ để buôn bán trong khu vực. Sau khi lập gia đình, bà sinh 5 người con, đến nay đều đã lập vợ gã chồng, gia đình vui vẻ sum họp. Vài năm gần đây, khi công việc buôn bán dần ổn định và có nhiều thời gian rảnh hơn, bà quay lại với đam mê trở thành thợ mộc của mình.
Chiếc tủ chén với kích cỡ lớn do tự tay bà Bảy thực hiện với tổng thời gian hoàn thành là 10 ngày.
Hằng ngày, bà dành 2-3 tiếng vào mỗi buổi sáng để thực hiện các sản phẩm của mình. “Tôi hay bị mất ngủ, nhiều hôm từ 4h sáng đã thức dậy nên tôi tự tay mày mò, làm các vật dụng trong nhà bằng gỗ, coi như tập thể dục, vận động cơ thể. Có nhiều món làm trong 1-2 ngày là hoàn thành hoặc như tủ đựng chén, kệ bếp thì mất khoảng 10 ngày” - bà Bảy tươi cười chia sẻ về sở thích kỳ lạ của mình.
Không sử dụng máy móc thiết bị hiện đại, chỉ với một lưỡi cưa gỗ, một cây búa sắt và vài chiếc đinh là bà Bảy có thể vận dụng đôi tay tỉ mỉ, khéo léo và mạnh mẽ để tạo hình cho những tác phẩm của mình. Tuy đã ngoài 70 tuổi nhưng đường cưa trên các thanh gỗ đều bén ngót và thẳng tắp làm nhiều người phải khâm phục.
Ban đầu, các con của bà Bảy cũng tò mò tại sao mẹ của mình ở tuổi xế chiều lại thức dậy từ sớm và tạo ra những âm thanh cót két ở ngoài sân. Hoá ra, bà Bảy tìm kiếm các thanh gỗ, đẽo gọt theo kích cỡ mong muốn và tạo nên các món đồ như ghế, bàn, kệ đựng gia vị, tủ đựng chén bát…
Chị Ba - con dâu của bà Bảy dí dỏm chia sẻ: “Nếu phụ nữ bình thường thì say mê với dụng cụ làm đẹp như son, phấn, giày dép thời trang nhưng mẹ lại yêu thích công việc làm mộc, cưa gỗ, đóng ván. Bản thân mình cũng khâm phục mẹ vì có thể tạo nên những vật dụng vừa đẹp và bền chắc".
Nhiều món đồ dùng trong nhà bị hư hỏng, bà Bảy tự tay tìm cách khắc phục vì không muốn làm phiền con cháu. Bên cạnh đó, từ thuở nhỏ bà đã đam mê công việc thợ mộc của ba nhưng đến nay mới có thời gian rảnh để khơi dậy sở thích năm xưa.
Khi thấy vợ mình thức sớm, quanh quẩn trong sân nhà để đo đạc, cưa gỗ, chồng của bà không ngăn cản, trái lại còn ủng hộ cho đam mê của người bạn đời. “Coi như công việc này là niềm vui tuổi già của bả nhà nên từ ngày đầu tiên thấy bả thức sớm, cặm cụi cưa gỗ tôi không thấy kỳ lạ mà còn thấy mừng vì vợ còn đủ sức khoẻ để thực hiện những công việc này". Chồng bà cũng nhiều lần ngỏ lời phụ giúp, thực hiện những công việc khó nhằn như cầm cưa xẻ gỗ nhưng bà Bảy không đồng ý vì sợ sai kích cỡ mà người phụ nữ này định hình sẵn trong đầu.
Tuy tuổi đã cao nhưng sức khoẻ và trí nhớ của bà vẫn không thuyên giảm. Bà Bảy vẫn nhớ hết những món vật dụng mà chính tay mình thực hiện. Gia đình bà còn dành riêng khu vực để trưng bày các món đồ dùng mà cụ bà đã chế tạo trong thời gian qua.
Sử dụng cưa tay, búa sắt đòi hỏi lực rất mạnh nhưng cụ bà U80 vẫn có thể thực hiện nhanh chóng, dễ dàng.
Có thể thấy bằng tinh thần say mê với công việc và không ngừng học hỏi, mày mò thực hiện các tác phẩm bằng gỗ vừa có vẻ ngoài đẹp mắt lại còn có thể sử dụng trong đời sống thường ngày. Cụ bà U80 đã truyền cảm hứng tích cực cho cộng đồng khi ở bất kỳ độ tuổi hay khoảng thời gian nào, chỉ cần có đam mê, ý chí thì sẽ có thể theo đuổi ước mơ của chính mình.
Nguồn: Độc lạ Bình Dương.