Độc lạ cây khế "siêu khủng" có tới 19 thân của lão nông ở Hậu Giang, khách trả giá bao nhiêu cũng quyết không bán 

Google News

Cây khế độc lạ có 19 thân chung một bộ rễ, thuộc sở hữu của ông Nguyễn Ngọc Nhãn (Hậu Giang). Dù được nhiều người hỏi mua với mức giá cao nhưng ông quyết giữ lại bằng được để thưởng thức và tạo tác thành tác phẩm tuyệt đẹp.

Khế là loại cây ăn quả dân dã, thân thuộc với người dân ở các miền quê. Mấy năm gần đây, cây khế còn được tạo tác thành bonsai, trưng trong nhà hoặc trong vườn để làm đẹp cho không gian sống. Bonsai khế có nhiều dáng thế và giá cũng khá nhau tùy thuộc vào độ tuổi của cây cũng như kích cỡ. 

Có những cây thuộc hàng "khủng" với dáng thế độc đáo, giá lên tới hàng trăm triệu, thậm chí tiền tỷ. Trong đó phải kể đến cây khế độc lạ của ông Nguyễn Ngọc Nhãn (61 tuổi) ở thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang có đến 19 thân lớn nhỏ.

Cây khế độc lạ được ông Nhãn trồng trong chậu có dáng hình chiếc thuyền

Ông Nhãn có 20 năm chơi cây cảnh, tạo ra không ít những tác phẩm bonsai độc đáo. Nhưng chậu cây khiến ông tâm đắc và yêu thích nhất vẫn là cây khế 19 thân chung một bộ rễ.

Ông tiết lộ, cơ duyên tìm được cây khế độc lạ đến từ một chuyến công tác ở vùng nông thôn tỉnh Hậu Giang cách đây hơn 3 năm. Khi đó ông Nhãn thấy một ngọn khế trong vườn nhà dân nên xin vào xem.

Ngay khi vừa nhìn thấy, ông Nhãn đã bị "hớp hồn" khi cây khế có nhiều thân, mọc um tùm như một khu rừng. Ở phần gốc và rễ phát triển liền mạch, ở đâu có rễ ở đó mọc lên cây con. Ông Nhãn ngỏ lời mua cây khế này nhưng ban đầu chủ nhà từ chối với lý do đây là cây khế do bố trồng trồng, hơn 70 tuổi và gắn với rất nhiều kỷ niệm đẹp của gia đình.

"Là người đam mê cây cảnh, những gốc khế cổ thụ tôi đã gặp nhiều lần nhưng cây khế có bộ rễ trải dài với 19 thân như thế này là rất hiếm. Vì vậy tôi trao đổi và ngỏ ý mua lại cây khế độc lạ này", ông Nhãn chia sẻ.

Ông Nhãn phải mất đến 5 lần lui tới hỏi chuyện và tâm sự với chủ nhà, thấu hiểm đam mê và tâm huyết của ông, họ mới đồng ý bán lại cây khế và mong muốn ông sẽ chăm sóc để cây ngày càng đẹp hơn.

Ông Nhãn mất nhiều công sức và thời gian để sở hữu được gốc khế độc lạ

Khi đã chuyển được cây về nhà, ông Nhãn tạo kiểu, nhận thấy bộ rễ của cây có hình như một chiếc thuyền. Từ đó ông nảy ra ý tưởng thuê thợ làm chậu hình chiếc thuyền để trông cây khế vào bên trong. Điều này vừa hợp dáng vẻ tự nhiên vốn có của cây, vừa mang nét đặc trưng của miền Tây sông nước.

Ông Nhãn cho biết vì sự độc đáo vốn có của cây khế, kèm bàn tay chăm sóc kĩ lưỡng, rất nhiều người bị thu hút bởi gốc cây này của ông. Không ít người từ các tỉnh thành khác đến hỏi mua, nhưng dù khách trả giá bao nhiêu ông Nhãn cũng không bán, quyết tâm giữ lại.

“Có những người từ Vĩnh Long, Tiền Giang, Long An, Cà Mau, Khánh Hoà… tìm đến hỏi mua cây khế của tôi vì nét độc lạ. Thế nhưng, để tìm một cây khế thứ hai như vậy không phải chuyện dễ, nên tôi muốn chăm sóc cây thành một tác phẩm đẹp để ngắm, để thưởng thức chứ không bán", ông Nhãn chia sẻ.

Cây khế đặc biệt có 19 thân chung một bộ rễ, rất hiếm thấy ở nơi khác

Theo ông Nhãn, cây khế cổ thụ lớn khoảng 2 - 3 người ôm không hiếm, nhưng mọc đến 19 thân thì đây là lần đầu ông được chạm tay vào. Cây khế độc lạ của ông Nhãn có 1 thân cây chủ với hoành khoảng 18cm và 18 cây con với dáng thế độc đáo. Bộ rễ cây có chiều dài 2,5m, chiều rộng phía gốc 1,4m. Ông Nhãn đặt tên cho cây khế này là Thập cửu long hợp nhất, có nghĩa là 19 con rồng trên một bộ rễ, thể hiện sức mạnh của sự đoàn kết, nhất trí.

Hiện tại cây khế với 19 thân chung một bộ rễ này vẫn thuộc sở hữu của ông Nhãn. Đây là giống khế ngọt, khi chín có vị ngọt thanh, không có vị chát và cho trái rất nhiều. Đến mùa quả lúc lỉu trên cành. Chủ vườn cây tự mình ngày đêm chăm sóc, tạo thế, không giao cho ai khác động vào. Theo chia sẻ của ông Nhãn, dự kiến khoảng 5 năm nữa cây mới có thể hoàn thiện toàn bộ.

Cận cảnh cây khế 19 thân chung một bộ rễ đang được ông Nhãn chăm sóc, giá bao nhiêu cũng không bán

Ông Nhãn cho rằng người thích cây cảnh có thể bỏ ra số tiền lớn để mua cây, nhưng nếu không đam mê thì cây cũng giống như khúc gỗ thông thường mà thôi.

H.A

Bình luận(0)