Cách trung tâm TP. Quy Nhơn khoảng 30 phút di chuyển, làng An Thái - vùng đất võ nổi tiếng lưu truyền qua nhiều thế hệ như: Roi Thuận Truyền, quyền An Thái… và còn có một sản vật trứ danh mang tên bún Song Thằn hay còn gọi là “bún tiến vua”. Đây món vật phẩm từng được người dân Bình Định xưa đem kính dâng lên vua.
Tương truyền vì thích ăn bún Song Thằn, vua triều Nguyễn triệu thợ làm bún làng An Thái ra kinh đô Huế trực tiếp thực hiện nhưng không thành công. Vì vậy, người dân An Thái cho rằng loại “bún tiến vua” đúng chuẩn phải thấm cái nắng, cái gió và nguồn nước từ sông Kôn mới có màu trắng sáng bóng và đạt độ dẻo dai, thơm ngon.
Lý giải tên gọi đặc biệt của loại bún này, người địa phương cho rằng "song" có thể hiểu là đôi, "thằn" là dây, mô tả sợi bún được cuộn lại như một cặp dây. Với hương vị thơm ngon, độ dai dẻo nhất định nên món ăn này làm nhiều người thích thú, mê mẩn.
Điểm đặc biệt của loại bún dâng vua là sử dụng nguyên liệu chính là đậu xanh, trung bình khoảnh 4-5kg đậu xanh sẽ làm ra khoảng 1kg bún thành phẩm. Để có được sợi bún mềm dai, người làm phải qua nhiều bước chế biến phức tạp từ làm bột, vắt thành sợi cho đến phơi khô.
Nguyên liệu đậu xanh được các hộ sản xuất lựa chọn kỹ càng, đem phơi khô và ngâm nước lạnh qua đêm, sau đó xay nhuyễn. Tuy nhiên, người dân ở làng An Thái chia sẻ chỉ nên xay vào buổi tối, tránh các nguồn ánh nắng mạnh vì có thể là ảnh hưởng đến chất lượng bún.
Bột đậu xanh sau khi xay nhuyễn phải được tách ra thành bột tinh và bột thô, còn được gọi là bột nhất và bột nhì. Bột nhất lắng xuống là phần ngon để làm bún song thằn, bột thô nổi lên trên để làm bún loại hai. Chỉ có bún được làm từ bột nhất mới được gọi là bún Song Thằn.
Sau khi bột được nhồi đến khi đạt độ dẻo vừa phải, sẽ được thợ làm bún cho vào dụng cụ chuyên dụng để ép và kéo sợi. Người thợ sẽ luộc bún trên bếp trấu đỏ lửa. Đến khi bún chín, họ vớt bún ra ngoài, đưa vào một chảo gang chứa nước lạnh. Cuối cùng, họ đợi bún nguội và trải đều trên tấm liếp nan, mang ra bãi cát ven sông phơi nắng.
Để làm bún Song Thằn đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ của người thợ. Họ phải thức khuya để xay bột, canh những đợt nắng buổi sáng để vội vã phơi bún để tạo ra thành phẩm.
Bún Song Thằn là món ăn được đông đảo người dân Bình Định và du khách thập phương ưa chuộng. Có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như: bún ăn kèm với các loại nước dùng nấu từ thịt bò, thịt heo hay tôm hoặc chế biến thành món bún xào.
Gia đình ông Võ Văn Tâm (66 tuổi) có 5 đời làm bún Song Thằn, là một trong số ít hộ còn lại duy trì làm món bún đặc sản. Ông chia sẻ bún Song Thằn mang lại dinh dưỡng và hiệu quả kinh tế cao. Hiện tại, bún Song Thằn thành phẩm có mức giá dao động từ 200.000-250.000 đồng/kg. Tuy nhiên, ngày nay do làm bún nhiều công đoạn đòi hỏi sự kiên nhẫn, khéo léo, trong khi nguyên liệu là đậu xanh đắt đỏ nên rất ít người đeo đuổi làm loại bún này. Hiện, trong làng số lượng hộ gia đình theo nghề, nối nghiệp đếm được trên đầu ngón tay.
Cũng giống như các loại bún, mì, hủ tiếu hay miếng, bún Song Thằn cũng phải trải qua thời gian phơi dưới nắng để sợi bún khô, bảo quản được lâu. Vì thế, trong những ngày mùa nắng, người dân làng An Thái tranh thủ đẩy nhanh tiến độ, tăng năng suất, cung cấp cho thị trường lượng bún nhiều nhất có thể và dự trữ thành phẩm để kinh doanh vào mùa mưa.
Chính vì độ công phu, vất vả nên giá thành của sản phẩm này khá cao. Tuy nhiên, đối với du khách khi đặt chân đến Bình Định đều mong muốn một lần được thưởng thức món cực phẩm mà trước đây được vua chúa yêu thích.
Trước đây, người dân An Thái làm bún song thằn chủ yếu làm quà biếu. Hiện nay, được sự đầu tư của địa phương, bún Song Thằn đã được sản xuất tập trung, trở thành một trong những đặc sản ngon nhất của Bình Định vươn ra cả thị trường nước ngoài. Từ đó, giải quyết được lao động ở địa phương, tạo cho người dân An Thái nguồn thu nhập ổn định.
Ngoài sản xuất bún Song Thằn, người dân làng An Thái còn tập trung làm các loại bún khô, bún gạo bột mì, các loại bánh phở, bánh tráng…
Ngày nay, với công nghệ và máy móc tiên tiến, người dân địa phương đã bắt đầu áp dụng vào các công đoạn sản xuất để đẩy mạnh sản lượng. Song, người dân địa phương cho rằng bún Song Thằn muốn giữ được độ thơm ngon khó cưỡng thì phải kết hợp giữa truyền thống và hiện đại để sợi bún thành phẩm có màu trong đặc biệt, độ dai dẻo nhất định. Đến hiện tại, chỉ có công đoạn nhào bột, rê bột vào nước sôi, vớt trải ra tấm liếp nan mang phơi nắng là còn được làm thủ công, tất cả công đoạn còn lại đều được hiện đại hoá.