Sâu đót còn có tên gọi khác là sâu thau, sâu chít, chúng sống ở trong thân cây đót, cây le hay cây chít. Loài này có màu vàng ngà, dài khoảng 3,5cm. Khoảng tháng 11, tháng 12 hàng năm là thời điểm sâu đót vào mùa, người dân các tỉnh Sơn La, Lạng Sơn, Điện Biên vào rừng để "săn" về chế biến món ăn hoặc bán cho thương lái.
Anh Thành (ở Điện Biên) chia sẻ: "Những người có kinh nghiệm sẽ nhận ra cây đót nào có con sâu ở trong. Theo đó, những cây có dấu hiệu bệnh, không thể ra hoa chính là cây đã bị ấu trùng ký sinh. Người dân bắt sâu đót bằng cách chẻ đôi ngọn cây để moi sâu ra. Sau khi bắt xong, sâu đót được cho luôn vào chậu nước lọc để sâu nhả các chất thải trong cơ thể ra ngoài".
Sâu đót là loài sống trong thân cây đót hoặc cây chít, vào mùa từ tháng 11 hàng năm
Theo anh Thành, các tháng khác trong năm cũng có sâu đót nhưng số lượng không nhiều. Đi bắt sau đót phải càng nhanh còn tốt bởi vì sâu phát triển rất nhanh, vòng đời sâu đót rất ngắn. Nếu không bắt kịp thời chúng sẽ hóa bướm khi ấy không thể sử dụng được.
Sâu đót tuy có vẻ ngoài khiến nhiều người e dè nhưng hương vị của nó lại thơm ngon khó cưỡng. Sâu đót sau khi chế biến có vị béo ngậy, thơm ngon và căng mọng khiến nhiều người đã ăn một lần là nhớ mãi không quên. Từ sâu đót có thể làm thành các món rang giòn, xào trứng, sấy khô, tán bột, hoặc ngâm rượu...
Loài sâu này có thể làm thành món ăn lạ miệng, bổ dưỡng hoặc có thể đem ngâm rượu
Theo bà con ở Tây Bắc, sâu đót không chỉ ngon mà còn tốt cho sức khoẻ nên đến mùa người dân hối hả vào rừng để thu hoạch. Trước đây, sâu đót gắn với người dân ở Tây Bắc, được mang về làm thành những món ăn dân dã. Những năm gần đây, sâu đót trở thành đặc sản nổi tiếng được du khách gần xa ưa chuộng, thậm chí còn được bán ở thành phố với giá vô cùng đắt đỏ.
Theo khảo sát, 1kg sâu đót tươi có giá 500.000 đồng/kg, sâu đót khô giá đắt gấp đôi nhưng không phải lúc nào cũng có có sẵn để mua.
Trong các quán nhậu ở Hà Nội, sâu đót được đưa vào thực đơn. Những người từng thưởng thức loài này cho biết sâu đót bùi ngậy, thơm ngon.
Sâu đót được bán với giá vô cùng đắt đỏ nhưng khan hiếm, không phải lúc nào cũng mua được
Rao bán sâu đót trên chợ mạng, anh Hải (37 tuổi) cho biết: "Sâu đót khan hiếm, nhiều người đặt mua nên để lấy được hàng không dễ. Tôi thường nhờ người bạn ở Lạng Sơn gom rồi bán trên chợ mạng. Vào mùa, mỗi ngày tôi cũng chỉ có khoảng 2-3kg sâu đót. Ở Tây Bắc, sâu đót còn được bán theo bó, giá 160.000 - 180.000 đồng cho một bó sâu đót 100 ngọn".
Theo anh Hải, sâu tre, sâu đót được nhiều người thích nhưng những người có tiền sử dị ứng với các loại côn trùng không nên ăn. Trước khi sử dụng cần rửa sạch để đảm bảo không ảnh hưởng tới sức khoẻ.