Có những cây rau mọc hoang dại ở quanh vườn nhà hay ven đường nhưng từ xưa đã được người dân sử dụng làm nguyên liệu cho những bữa cơm dân dã. Trong số đó phải kể tới rau bầu đất.
Rau bầu đất vốn mọc dại trong vườn nhà, được người dân ở các miền quê sử dụng để làm thành các món ăn dân dã
Rau bầu đất còn có tên gọi khác là kim thất, dây chua lè, tên khoa học là Gynura procumbens (Lour) Merr, thuộc họ Cúc. Cây này phân bố ở nhiều nước châu Á như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Philippines… Ở nước ta, rau bầu đất có ở cả 3 miền, chúng mọc ở trong vườn nhà, bìa rừng, ven đường hay xen vào những luống hoa màu ở đồng ruộng.
Với những người sinh ra và lớn lên ở các miền quê, cái tên rau bầu đất có lẽ đã quá quen thuộc. Ngày trước, khi cuộc sống còn khó khăn, rau bầu đất cùng với các loại cây rau khác mọc trong vườn được các bà, các mẹ hái vào xào hoặc nấu canh. Cây này có sức sống mạnh mẽ, chống chịu được nắng gắt và phát triển rất nhanh nên thường bị nhổ bỏ như cây cỏ.
Khi chế biến, rau bầu đất ngọt thanh rất dễ ăn và ngon miệng. Đặc biệt vào mùa hè, một đĩa rau bầu đất luộc có tính thanh nhiệt, giải nhiệt rất tốt.
Rau này có vị ngọt mát, mùi thơm tỏa ra khiến ai ăn một lần cũng nhớ mãi không quên
"Mình còn nhớ cây này lá của nó dày và giòn. Chúng thường mọc xen vào các cây hoa màu. Mình thường hái vào cùng với các loại rau tập tàng để nấu canh. Nồi canh có rau bầu tỏa ra mùi thơm phức, đến giờ mình vẫn nhớ mãi. Nhưng hiện nay muốn ăn rau bầu đất ở quê phải trồng bằng cách gieo hạt chứ không còn cây mọc dại như trước nữa", bạn Minh Hương (ở TP.Vinh, Nghệ An) kể.
Minh Hương cho biết, ở thành phố, rau bầu đất ít được bán ở chợ. Còn trong siêu thị hay trên chợ mạng, thỉnh thoảng thấy có người rao bán chị đều đặt mua về đổi vị cho bữa ăn gia đình bởi rau này ngọt mát và tốt cho sức khỏe, giá khoảng 70.000 đồng/kg.
"Bầu đất không phổ biến như các loại rau khác như rau muống, rau cải, thỉnh thoảng mình mới gom được của bà con trong xóm rồi rao bán trên chợ mạng. Dù hiếm nhưng đảm bảo được canh tác sạch, 100% không dùng thuốc trừ sâu hay phân bón hóa học. Đặc biệt, với khí hậu nắng nóng quanh năm như ở miền Tây, giống cây này phát triển rất tốt", một người bán rau trên chợ mạng chia sẻ.
Hiện nay nhiều nhà hàng, quán ăn đưa rau bầu đất vào thực đơn
Hiện một số nhà hàng, quán ăn còn đưa bầu đất vào thực đơn để đãi khách. Từ rau bầu đất có thể chế biến thành nhiều món ăn dân dã nhưng không kém phần thơm ngon, như: nấu canh, nhúng lẩu, xào tỏi, xào tôm… Nhiều chị em ở thành phố còn trồng rau bầu đất ở chân chung cư hay ở ban công để dễ thu hoạch.
Ngoài ra, rau bầu đất cũng thường được sử dụng kết hợp cùng các loại dược liệu khác giúp chữa trị sốt; tình trạng thiếu máu; kinh nguyệt không đều; đau mắt đỏ; đái són, đái buốt, đái dầm ở trẻ em; sốt phát ban và lỵ;...