Khắp các vùng miền của Việt Nam có những thứ đặc sản vô cùng độc đáo, nhiều người nghe tên chắc chắn sẽ tò mò. Trong đó phải kể tới đất hun khói ở Vĩnh Phúc.
Đất hun khói còn có tên gọi khác là đất hun, ngói hun, đất ngói, là đặc sản độc nhất vô nhị ở thị trấn Lập Thạch, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Những viên đất này nhìn như những viên kẹo, thậm chí ngọt như kẹo.
Đất hun khói là đặc sản ở Vĩnh Phúc
Các cao niên ở làng Lập Trạch cũng không biết đất hun khói xuất hiện từ khi nào. Từ khi sinh ra, họ đã thấy cha, ông thường ngày vẫn hay cầm miếng đất ngói ăn ngấu nghiến. Đất ở đây là món quà vặt như ở nơi khác người ta ăn kẹo dồi, bánh khảo…
Được biết, loại đất được sử dụng để làm đất hun khói chính là đất cao lanh, chỉ được tìm thấy ở vùng Lập Trạch. Đây không phải là đất bình thường để trồng trọt mà vô cùng đặc biệt. Đặc điểm của loại đất này là giòn, có màu trắng ngà, chịu được nhiệt độ cao. Thành phần chủ yếu trong loại đất này là kaolinit và một số những khoáng vật khác. Cao lanh được cho là an toàn với con người.
Để ăn được, người dân sẽ chặt thành từng miếng nhỏ, cạo hết bên ngoài và chỉ lấy phần trắng bên trong, sau đó đem hun trên khói rơm để "làm chín". Để thơm ngon hơn, khi nung người dân ở đây sẽ sử dụng thêm lá sim rừng. Lá sim được đốt cháy rồi hơ trước ngọn lửa. Khói của lá sim sẽ ám vào từng miếng đất, tạo vị thơm ngon đặc trưng.
Loại đất này khi ăn có mùi của khói, vị bùi và chút mặn
Nếu thiếu lá sim rừng, đất hun khói sẽ giảm bớt độ thơm và vị ngon. Loại đất này khi ăn có mùi của khói, hơi thơm thơm mà cũng hơi hắc hắc, vị bùi và có chút mặn.
Trước đây, chỉ có người dân ở Lập Trạch biết đến đất hun khói, món ăn này gắn với cuộc sống dân dã của người dân ở đây những ngày nghèo khó. Hiện qua mạng xã hội và các phương tiện truyền thông, đất hun khói được biết đến nhiều hơn. Nhiều người vì tò mò nên đặt mua về ăn thử.
Vài năm trước, đất hun khói được bán với giá khoảng 120.000 đồng/kg nhưng số lượng không có nhiều. Ở Lập Trạch, do việc khai thác qua nhiều đời nên đất cao lanh còn số lượng rất ít. Muốn lấy được đất ngói phải đào hố sâu 3-7m, đến khi gặp những vỉa đất màu trắng như cục phấn mới có thể ăn được. Khi đào thấy đất phải dùng búa đục từng mảng một, cho vào rổ đưa cho người trên bờ.
Thứ đặc sản này được người thành phố tò mò những năm gần đây
Có 2 loại đất cao lanh, màu trắng sữa và màu xanh như chè lam. Loại màu xanh sẽ ngậy hơn và bùi hơn nhưng cứng, chỉ phù hợp với những người có hàm răng chắc khỏe. Khi mới khai thác về đất còn có nhiều tạp chất và sạn nên cần phải gọt đẽo thật sạch và tách ra thành những miếng nhỏ cho vừa ăn.
Hiện chỉ còn những cụ cao niên trong làng giữ thói quen ăn đất và coi đó là món khoái khẩu. Nhiều du khách đến ngôi làng này tò mò tìm để xem tận mắt cách người dân làm đất hun khói, có người dám ăn thử có người không.