Có một câu hỏi trên mạng xã hội rằng: “Bạn nghĩ điều gì tạo nên khoảng cách giữa con người với nhau?” Một câu trả lời đã nhận được rất nhiều sự tán thành là: "Cách suy nghĩ khác."
Trước những thử thách, khó khăn, bạn nỗ lực vượt lên hay đứng một chỗ? Khi đối mặt với sự bất công và tổn hại, bạn phàn nàn một cách giận dữ hay giữ bình tĩnh và giải quyết vấn đề? Trước sự giàu có và địa vị, bạn tự thổi phồng bản thân hay khiêm tốn và sẵn sàng cho những ngày mưa?
Mỗi người đều có những lựa chọn khác nhau và điều ảnh hưởng đến việc ra quyết định chính là cách suy nghĩ của người đó. Như người ta vẫn nói: "Suy nghĩ quyết định lối thoát". Muốn cuộc sống diễn ra suôn sẻ, chúng ta phải tránh xa 3 kiểu tư duy dưới đây:
Tư duy con chuột
Chú chuột lang thang nọ đã cảm nhận được niềm hạnh phúc chưa từng có kể từ khi vào ở chùa. Nó không chỉ có thể tự do di chuyển mà còn có thể tận hưởng những món ngon. Mỗi khi đứng từ trên nhìn xuống, thấy cảnh người dân đang thắp hương cúng bái bên dưới, nó cảm thấy vô cùng kiêu hãnh.
Cho đến ngày nọ, một con mèo rừng đang rất đói đột nhiên xông vào và bắt được nó. Con chuột từng run rẩy khi nhìn thấy mèo giờ lại ngạo nghễ nói: "Ngươi không thể ăn thịt ta, hãy quỳ xuống! Ngươi không thấy con người rất tôn trọng ta sao?"
"Ngu ngốc, con người quỳ lạy Phật, không phải ngươi!" Nói rồi, mèo rừng nuốt chửng con chuột.
Vấn đề lớn nhất của tư duy con chuột là không thể nhận thức rõ ràng về bản thân, nhầm nền tảng với khả năng và nhầm may mắn với sức mạnh. Bạn càng coi trọng bản thân thì cuối cùng vết thương sẽ càng khiến bạn đau đớn; bạn càng đưa mình lên cao thì bạn sẽ càng đau khổ khi ngã.
Sau khi gạt bỏ của cải, quyền lực, nền tảng hay địa vị bên ngoài sang một bên thì khả năng tồn tại của chúng ta còn bao nhiêu mới là chìa khóa để xác định hướng đi của cuộc đời. Đừng coi nền tảng là khả năng của bạn. Mỗi người đều là một cá thể độc lập. Thứ còn lại sau khi bỏ đi nền tảng mới là khả năng của bạn.
Hãy luôn suy ngẫm rằng: "Tôi là ai sau khi rời bỏ vị trí hiện tại?" Chỉ khi nhận thức rõ ràng về bản thân và không ngừng trau dồi khả năng của chính mình thì cuộc sống của bạn mới trở nên suôn sẻ hơn.
Tư duy con lừa
Tại cuộc họp cuối năm, con lừa một lần nữa không được đánh giá là “nhân viên gương mẫu”. Lừa ta bực tức phàn nàn với lãnh đạo: “Tại sao tôi là người siêng năng và chăm chỉ nhất, vậy mà năm nào cũng không được giải?”
Lãnh đạo mỉm cười nói: “Đúng vậy, kỹ năng đó của bạn rất tốt nhưng bạn lại không có gì ngoài nó, chỉ đơn giản là lặp đi lặp lại. Ngoài ra, công ty chúng tôi dự định sẽ tự động hóa khâu đó nên sẽ sớm không cần bạn nữa”.
Con lừa hiển nhiên không ngờ rằng công việc mà nó muốn gắn bó cả đời lại có một ngày nhanh chóng bị vứt bỏ.
Luôn ở trong vùng an toàn và lặp đi lặp lại sự siêng năng ở mức độ thấp chính là tư duy con lừa. Xã hội không ngừng tiến về phía trước. Nếu bạn vẫn bướng bỉnh và không mở rộng vùng thoải mái của mình thông qua việc học tập mà chỉ sử dụng sự siêng năng ở mức độ thấp để gây ấn tượng, bạn thậm chí sẽ không kịp nhận ra khi số phận bỏ rơi bạn.
Đừng bao giờ sử dụng sự siêng năng đơn thuần để che đậy sự lười biếng trong chiến lược. Điều không thể thiếu nhất ở bất cứ đâu là những người làm việc chăm chỉ, nhưng việc cố gắng đột phá chỉ bằng cách lặp lại những công việc có yêu cầu thấp chắc chắn là viển vông.
Trong cuốn sách “Thức tỉnh nhận thức” có viết: “Nhiều người hoàn toàn không biết gì về quy luật vận hành của thế giới này. Họ luôn quen đi lòng vòng trong vùng an toàn của mình, lặp đi lặp lại những điều họ đã nắm vững và nhắm mắt làm ngơ trước thực tế".
Cách tốt nhất để tiêu diệt một người là để người đó lặp lại sự siêng năng ở mức độ thấp trong vùng an toàn của chính họ. Chỉ sự học hỏi không ngừng và vượt qua chính mình mới giúp bạn tự tin trong cuộc sống.
Suy nghĩ của ngựa hoang
Ở Châu Phi có một loại dơi ma cà rồng rất nhỏ nhưng lại là kẻ thù tự nhiên của loài ngựa hoang cao lớn. Nhiều con ngựa hoang đã chết vì chúng. Trên thực tế, lượng máu mà ngựa bị con dơi này hút vào rất ít và không có chất độc gây chết.
Khi con dơi nằm trên lưng ngựa hoang để hút máu, ngựa ta dù có cố gắng thế nào cũng không thể đuổi dơi đi. Chính điều này khiến con ngựa hoang mất kiểm soát cảm xúc, bỏ chạy một cách tuyệt vọng và cuối cùng chết trong đau đớn. Thực ra không phải con dơi đã giết chết ngựa hoang mà chính là việc mất kiểm soát cảm xúc của nó.
Tính bốc đồng, cáu kỉnh và cảm xúc quá mức là những tư duy ngựa hoang điển hình. Nhiều người vì buổi sáng có mâu thuẫn với ai vì vài chuyện nhỏ nhặt liền tức giận, không có tâm trạng trong cả ngày. Đến nơi làm việc, họ hoàn thành dự án nhưng không nhận được lời khen ngợi từ cấp trên liền cảm thấy mất tự tin và trở nên chậm chạp suốt một tuần...
Điều khủng khiếp của tư duy ngựa hoang là bạn cho phép cảm xúc kiểm soát bộ não của mình, bất kể hậu quả ra sao và thường phóng đại những vấn đề nhỏ, cuối cùng để chúng phát triển đến mức mất kiểm soát.
Có câu: “Cảm xúc là một khẩu súng. Khi chúng ta bóp cò, họng súng ấy thực sự chĩa vào chính chúng ta”.
Trong cuộc sống, những điều khó chịu là điều không thể tránh khỏi. Chỉ bằng cách học cách kiểm soát cảm xúc của mình, bạn mới có thể thực sự kiểm soát được vận mệnh của bản thân.
Triết gia Schopenhauer đã nói: “Nhà tù lớn nhất thế giới chính là tâm trí con người”.
Điều thực sự có thể hạ gục một người không phải là môi trường hay khả năng mà là lối suy nghĩ. Chỉ khi thoát khỏi tư duy con chuột, bạn mới có thể nhận ra bản thân và trân trọng những cơ hội. Chỉ khi loại bỏ tư duy con lừa, bạn mới có thể cải thiện bản thân và không ngừng bứt phá. Hãy tránh xa tư duy ngựa hoang để bạn có thể ổn định về mặt cảm xúc và không bị bất ngờ trước những thay đổi.