Sau hơn 10 năm chung sống, chị M và chồng có với nhau 2 đứa con. Gia đình chị M sống chung với bố mẹ chồng và nhà anh trai chồng. Cuộc sống cứ thế êm ả trôi qua cho đến khi dịch Covid-19 ập đến, tổ ấm của chị M đã đổ vỡ.
Mẹ 2 con cho biết, đến năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh, chị đã tạm ngừng công việc kế toán để về chăm sóc tổ ấm. Một năm sau đó, gia đình chị liên tục đón nhận nhiều tin buồn khi anh trai chồng và mẹ chồng lần lượt mất.
Sau đó, 3 mẹ con chị dâu vẫn sống chung nhà. Thương chị dâu, chị M luôn ở bên cạnh động viên, giúp đỡ và hỗ trợ chị chăm sóc 2 cháu. “Chị em vẫn đùm bọc nhau, tôi vẫn chăm con cho chị. Tôi rất thương chị và chị nói chuyện với tôi rất bình thường”, chị M kể lại.
Thậm chí, cả hai còn cùng nhau hùn vốn kinh doanh bán đồ ăn sáng ngay cạnh nhà. Công việc buôn bán thuận lợi, nhưng trong những lúc đông khách, người chị dâu lại liên tục viện cớ bận. “Ngày nào cũng vậy, cứ khoảng 9 giờ sáng, giờ cao điểm thì chị dâu lại viện cớ bận, đi mua cái này, mua cái kia”, chị M cho hay.
Chị M chia sẻ câu chuyện hôn nhân của mình trong chương trình Người thứ 3.
Tình trạng chị dâu “mất tích” đúng giờ cao điểm kéo dài trong một khoảng thời gian, nhưng chị M chẳng mảy may nghi ngờ, nghĩ ngợi điều gì. Thậm chí, khi các con đề cập việc ba thường xuyên ra vào phòng của bác gái, thậm chí con của chị dâu cũng nói nhưng chị M không tin. Chị nghĩ rằng chồng vào phòng chị dâu là để giúp chị sửa gì đó nên mắng ngược lại các con nói linh tinh.
Mãi cho đến khi các con bất lực nói: “Ba với bác gái đang ở trên phòng, con nói mẹ không tin thì mẹ về xem đi”. Nghe chuyện này, chị M mới nhanh chóng về nhà và bàng hoàng khi bắt gặp cảnh hai người đang mặn nồng với nhau trong phòng ngủ.
“Anh làm đêm, đến sáng về nhà ngủ. Bình thường tôi án đồ ăn sáng thì 3-4 giờ sáng đã ra ngoài rồi nên không để ý anh về ngủ ở đâu, nhưng khi đó con nghỉ học nên để ý. Lúc đó tôi chỉ mở hé cửa ra, thấy cảnh trong phòng tôi không xông vào bắt ghen tại trận mà lặng lẽ xuống phòng khách. Khi ấy vì tính nóng nên tôi đã đập nát đồ đạc với mục đích tạo tiếng động để hai người kia dừng lại”, chị M kể lại.
Khi nghe tiếng động, chồng và người chị dâu lật đật chạy xuống. Chưa để chị M nói gì, chị dâu đã gào lên trách móc chị tại sao đập đồ. Không kiềm chế được nữa, chị M đã xông vào túm tóc người chị dâu nhưng bị chồng can ngăn.
Ngay đêm hôm đó, chị M về nhà mẹ đẻ. Một thời gian sau, chồng chị tới xin lỗi và ngỏ ý quay lại cùng lời hứa hẹn sẽ chấm dứt mối quan hệ với chị dâu. Nghe lời mẹ ruột khuyên bảo, chị M tha thứ cho chồng vì để con có mái ấm đầy đủ cả bố lẫn mẹ.
Thời điểm này, ba chồng chị M chia tài sản. Ông bán nhà và cùng gia đình chị M chuyển về Củ Chi sinh sống để tạo môi trường mới cho con. Ba mẹ con chị dâu dọn ra ở trọ.
Dù thay đổi môi trường hoàn toàn mới, nhưng chồng chị M vẫn “ngựa quen đường cũ”, qua lại với chị dâu. “Anh vẫn làm công việc cũ, từ công ty về nhà xa nên anh lại quay về phòng trọ của chị dâu ở”, chị M cay đắng kể lại.
Sau cùng, khi mọi thứ không thể cứu vãn, chị M làm đơn ly hôn. Thời điểm quyết định ly hôn, mẹ chị M ngăn cản vì không muốn các cháu không có bố sống bên cạnh. Mặc dù vậy, chị M vẫn kiên quyết với lựa chọn của mình.
Khi cuộc hôn nhân tan vỡ, chị M tiếc nuối vì đã quên chăm lo cho bản thân: “Tôi uổng phí công sức làm công việc nội trợ, mải mê chăm lo cho chồng, cho con mà quên đi tấm bằng cao đẳng mà mẹ cố gắng làm việc để tôi có được”.
Hiện tại, chị M đã quay lại môi trường làm việc văn phòng. Thỉnh thoảng, chị vẫn cho chồng cũ ghé thăm, liên lạc với hai con. Khi bố chồng cũ mất, chị cũng để hai con tới đội tang để làm tròn đạo hiếu.