Ở tuổi 87, ông Nguyễn Tấn Thành sống tại TP. Cần Thơ vừa vượt qua kỳ thi tuyển vào chương trình học thạc sĩ chuyên ngành Văn học của Đại học Cần Thơ. Đây là thành tích đáng ngưỡng mộ và trở thành tấm gương học tập để nhiều bạn trẻ noi theo.
Theo chia sẻ từ ông Thành, từ năm 1975, cụ đã đỗ chương trình học thạc sĩ. Tuy nhiên, biến cố gia đình bất ngờ ập đến, vợ của ông Thành qua đời ở tuổi 27. Ông buộc gác lại việc học tập, ở nhà lo chuyện tang sự, chăm lo cho các con.
Khi đỗ vào chương trình học thạc sĩ, ông Thành nhận được học bổng khuyến học "Người cao tuổi có tinh thần học tập suốt đời" năm 2024 trị giá 24 triệu đồng của trường Đại học Cần Thơ.
Thuở ấy, ông Thành góa vợ một tay chăm lo cho 4 người con, đứa nhỏ nhất chỉ vừa hơn 1 tháng tuổi. Vì thế, chuyện học hành của ông Thành lúc bấy giờ là điều xa xỉ, ông quyết định tìm nhiều việc làm khác nhau dựa trên năng lực của mình để kiếm tiền, chăm lo cho các con ăn học.
Đến năm 2024, ông đã sắp xếp được công việc cá nhân, các con đã yên bề gia thất. Vì thế, ông quyết định thi tuyển và đến trường để miệt mài sách vở, chinh phục tấm bằng thạc sĩ.
Hiện nay, công việc chính của ông Thành là dạy ngoại ngữ và dịch giả. Ngoài ra, với đam mê nghệ thuật ông còn nhận phổ nhạc, sáng tác văn thơ, viết chữ thư pháp. Được biết, ông Thành có thể thành thạo viết và nói nhiều ngôn ngữ khác nhau như: Tiếng Anh, Pháp, Hoa, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản… Để có vốn từ rộng mở, khả năng sử dụng tiếng nước ngoài thuần thục, ông chia sẻ đã trải qua nhiều năm đèn sách, đa phần ông tự đọc sách, nghiền ngẫm và học hỏi từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau.
Ông Thành kể đã có hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghề phấn trắng bảng đen. Từ năm 7 tuổi đã biết làm thơ và đến năm 13 tuổi có truyện ngắn đăng tạp chí văn nghệ. Đến 15 tuổi đã có kha khá bài vở đăng trên báo chí. Mặc dù, nghỉ hưu hơn 20 năm nay nhưng cụ ông vẫn chăm chỉ sáng tác, sở hữu nhiều tác phẩm văn học được lưu giữ tại nhà riêng.
Trong căn phòng của ông lưu giữ nhiều tác phẩm nghệ thuật từ văn chương đến thư pháp...
Trong suốt khoảng thời gian đứng lớp, giảng dạy cho các thế hệ học trò, ông Thành luôn muốn các học sinh của mình vững kiến thức và rèn luyện đức tính tốt để trở thành người có ích cho xã hội. Đứng trước khó khăn, ông luôn khuyên học sinh phải đương đầu với thử thách: “Không bao giờ bỏ cuộc, thua ván này ta bày ván khác. Trong cuộc sống chắc chắn sẽ có phút giây thất bại nhưng không vì thế mà đầu hàng trước số phận, hãy rút kinh nghiệm từ những lần vấp ngã và tiếp tục bước về phía trước”.
Giờ đây, mỗi ngày của ông Thành vẫn tất bật với công việc và học tập. Từ tờ mờ sáng, ông đã lật đật rời khỏi giường, tập thể dục và tự thưởng cho mình cốc cafe để lấy năng lượng. Sau đó, ông tập trung 100% vào công việc, không muốn đi chơi hay trò chuyện cùng bạn bè. Ông Thành chia sẻ: “Tôi luôn muốn từng giây, từng phút trong ngày trôi qua đều có giá trị. Toàn bộ thời gian 24 tiếng, tôi tận dụng nó triệt để để học tập và làm việc mình yêu thích”.
Hơn nửa đời người gắn liền với nghề dạy học, ông không đếm xuể số lượng học trò mà bản thân đào tạo. Hằng năm, các học trò thành đạt ở trong nước lẫn quốc tế vẫn thăm hỏi về sức khoẻ của ông.
Ở tuổi xế chiều, định nghĩa về hạnh phúc của ông Thành rất đơn giản. “Khi còn sống, tôi muốn làm được việc có ích, cống hiến sức mình cho xã hội. Khi nhắm mắt xuôi tay, tôi phải để lại cho thế hệ mai sau những giá trị nhất định. Với quá trình dạy học của mình, tôi đã cho thế hệ mai sau là con chữ, kiến thức” - cụ ông bộc bạch.
Trong tương lai, ông Thành mong muốn có được sức khoẻ để tiếp tục làm việc, được đứng lớp truyền dạy kiến thức, kinh nghiệm cho các học trò. Ngoài ra, dự định của ông sau khi hoàn thành chương trình học thạc sĩ, ông sẽ tiếp tục chinh phục tấm bằng tiến sĩ.
Nguồn: Độc lạ Bình Dương.