Cụ ông 100 tuổi hằng ngày vẫn phục vụ vợ là cụ bà 94 tuổi, được con cháu ngưỡng mộ

Google News

“Ông nội mình dù đã 100 tuổi nhưng chiều bà nội lắm. Mấy năm trước ông khỏe, sáng đều dậy sớm nấu món này món kia rồi gọi bà dậy ăn sáng. Giờ ngày nào ông cũng pha sữa, pha sâm và gắp đồ ăn cho bà", anh Tuyến nói.

Trường thọ là ước vọng không của riêng ai. Vì thế, gia đình Việt có ông bà sống đến 90-100 tuổi đã là một phúc phần của người làm con làm cháu. Họ tự hào khi ông bà được tạo hóa ban cho kỷ lục sống rất lâu, có phước đức dày…

Dịp đầu xuân giáp Rằm tháng Giêng, đại gia đình anh Nguyễn Văn Tuyến (SN 1992, Hà Nội) rộn ràng công tác tổ chức lễ Khao Thọ cho ông nội – cụ Nguyễn Văn Rạng tròn 100 tuổi. Hình ảnh con đàn cháu đống tất bật, mỗi người chuẩn bị một công đoạn để buổi lễ diễn ra thành công đã khiến không ít người thấy vui lây.

Cụ Rạng và vợ trong lễ Khao Thọ.

“Từ Tết Nguyên đán, gia đình mình đã triệu tập con cháu từ xa về quê để họp, lên ý tưởng cho buổi lễ Khao Thọ ông nội 100 tuổi và mừng bà nội 94 xuân. Ai cũng hi vọng sẽ có một buổi lễ thật trang trọng nhưng không kém phần ấm cúng, đặc biệt phải có đông đủ con cháu.

Chúng mình nghĩ rằng người già giờ chẳng cần tiền bạc, chỉ cầu trời cho sức khỏe và con cháu tề tựu đông đủ trong những dịp lễ tết, giỗ chạp. Do đó con cháu quyết định ngày của ông bà dù bận rộn, ở xa đến mấy cũng phải tạm gác để về chúc mừng ông bà”, anh Tuyến tâm sự.

Ngày 25/2 (tức 16 tháng Giêng), đại gia đình anh Tuyến đã tổ chức lễ Khao Thọ cho cụ Rạng tại nhà riêng trước sự chứng kiến của lãnh đạo địa phương, hàng xóm và con cháu. Tất cả đều xúc động khi đón nhận tấm bằng chúc thọ 100 tuổi của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dành cho cụ.

Đại gia đình của anh Tuyến trong lễ Khao Thọ cụ Rạng.

“Lần đầu tiên ông nội nhận tấm bằng chúc thọ và quà của chủ tịch nước nên ai cũng xúc động lắm. Con cháu trong nhà đều tự hào và hãnh diện về điều đó. Qua đây mình cũng muốn gửi lời cảm ơn chân thành tới đoàn thể, các cụ, các ông bà và cô dì chú bác, anh chị em nội ngoại và bạn bè của gia đình trong suốt 1 tháng qua đã liên tục đến chúc thọ và hỏi thăm sức khoẻ 2 cụ”, anh Tuyến bộc bạch.

Cụ Rạng là người Sóc Sơn, cụ được bố cho ra ở riêng từ khi mới lên 8 tuổi. Khi trưởng thành cụ đã nên duyên với người con gái kém 6 tuổi ở cùng huyện. Sau đó hai cụ quyết định lựa chọn ở lại quê hương xây dựng tổ ấm. Cả hai cụ sinh được 7 người con: 5 trai và 2 gái. Sau đó cụ bà ở nhà chăm sóc con cái, còn cụ ông làm đủ nghề để có thể nuôi nấng được “đàn con thơ”.

“Mình nghe ông bà kể rằng ngày đó kinh tế nghèo đói, cụ khai hoang mở đất, làm cả chục mẫu ruộng chẳng đủ ăn. Vì thế ông phải bươn chải đủ mọi nghề nuôi bố, các chú và cô mình. Sau này ông bà còn đứng ra dựng vợ gả chồng, tậu mảnh đất nhỏ để các con có vốn lập nghiệp”, người đàn ông nói.

Cụ Rạng luôn răn dạy con cháu phải biết yêu thương đùm bọc nhau, sống ở đời phải biết phải trái.

Hiện tại vợ chồng cụ Rạng sinh sống cùng người con trai cả là ông Quang - tức cha anh Tuyến tại Sóc Sơn. Hai cụ có tất thảy 68 con cháu, chắt… Hằng ngày hai cụ vẫn làm việc nhà đỡ đần con cháu trong nhà, thậm chí lúc ốm đau tự chăm nhau, không cần đến con cái nhiều.

“Ông nội mình dù đã 100 tuổi nhưng chiều bà nội lắm. Mấy năm trước ông khỏe, sáng đều dậy sớm nấu món này món kia rồi gọi bà dậy ăn sáng. Giờ ngày nào ông cũng pha sữa, pha sâm và gắp đồ ăn cho bà.

Ông bảo bà kén ăn, chỉ có ông mới hiểu sở thích ăn uống ra sao nên để ông “phục vụ”. Khoảnh khắc ông chăm sóc, vỗ về khiến đám con cháu ai cũng ngưỡng mộ. Thậm chí các cháu dâu chỉ mong ước chồng có một phần tính cách của ông”, anh Tuyến tâm sự.

Nhắc đến bí quyết sống thọ của hai cụ, người đàn ông tiết lộ gia đình có gen sống thọ, hơn nữa, các cụ có thói quen rèn luyện sức khỏe bằng cách tập các bài thể dục thể thao. “Ngày trẻ, ông nội mình từng làm đô vật, vô địch các tỉnh miền Bắc. Sau này ông “về hưu” vẫn giữ tinh thần thể dục thể thao nên sức khỏe được rèn luyện đều đặn.

Mình còn nhớ cách đây vài năm,  khi trời đã khuya thấy cửa phòng ông đóng kín, bố mình nghĩ ông ngủ say nên khoá cổng đi ngủ. Cả nhà đang ngủ thì thấy tiếng chó sủa lại thấy có tiếng gọi ngoài cửa nhà, khi ra mở cửa thì bất ngờ thấy ông đứng ngoài, hỏi ra mới biết ông đi bộ xuống nhà bác họ  xem bóng đá. Ông về gọi cổng không thấy ai ra nên đã trèo tường vào.

Ông cũng thích đạp xe quanh làng, vừa rèn luyện sức khỏe vừa đi hỏi thăm bà con trong làng. Thậm chí lúc các cháu bận, ông vẫn sẵn sàng trông chắt giúp. Sống đến tuổi này, ông vẫn luôn răn dạy con cháu phải biết yêu thương đùm bọc nhau, sống ở đời phải biết phải trái, phải giúp đỡ người khác khi hoạn nạn, ông vẫn nhắc con cháu "phúc đức tại mẫu" phải biết làm gương để con cháu noi theo", anh Tuyến tâm sự.

NGỌC HÀ

Bình luận(0)