Ngành học khát nhân lực trong những năm tới
Sự lên ngôi của hàng loạt siêu công nghệ, nâng cao tương tác giữa người và máy... đều những từ khóa nổi bật được nhấn mạnh khi nhắc đến kỷ nguyên 5.0. Đây là kỷ nguyên của một xã hội siêu thông minh. Mốc thời gian được xác định sẽ diễn ra vào năm 2035 hoặc có thể sớm hơn. Hơn bao giờ hết, máy tính và công nghệ thông tin chắc chắn trở thành công cụ hữu hiệu trong mọi lĩnh vực của đời sống.
Ngành Kỹ thuật máy tính - ngành học thuộc nhóm công nghệ thông tin cũng được xác định là một trong những ngành nghề cần ưu tiên phát triển hàng đầu tại nước ta. Điều này được thể hiện qua việc áp dụng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và việc triển khai dự án sản xuất chip đầu tiên tại Việt Nam.
Các cuộc khảo sát cho thấy, sự khan hiếm về nhân lực trong lĩnh vực Kỹ thuật máy tính không chỉ ở thời điểm hiện tại mà còn trong khoảng thời gian 10 năm tới. Ông Chu Tuấn Anh, Giám đốc trung tâm Aprotrain Aptech cho biết, vài năm trở lại đây, số lượng các hợp đồng công nghệ thông tin đổ về Việt Nam nhiều hơn, một phần do những biến động của thị trường thế giới. Các nhà đầu tư đang có xu hướng dịch chuyển sang các quốc gia như Philippines, Myanmar hay Việt Nam.
Trưởng Bộ môn Kỹ thuật điện tử, Khoa Điện-Điện tử, trường Đại học Giao thông vận tải nhận định, lĩnh vực này đang thiếu hụt lao động và dự kiến tình trạng này sẽ tiếp tục trong 10 năm tới. Điều này cho thấy cơ hội việc làm của các bạn sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật máy tính hết sức rộng mở.
Mức lương hấp dẫn, điểm chuẩn thuộc top đầu ở Việt Nam
Ngành Kỹ thuật máy tính (Computer Engineering) là một ngành có sự kết hợp đặc biệt giữa kiến thức của cả lĩnh vực Điện tử và Công nghệ thông tin. Trong ngành Kỹ thuật máy tính, các bạn sinh viên sẽ được tiếp cận các nguyên tắc và phương pháp để xây dựng, phát triển hệ thống phần cứng cũng như phần mềm nhằm phục vụ cho hoạt động của các thiết bị phần cứng.
Ngành Kỹ thuật máy tính gồm nhiều lĩnh vực như mạch điện tử, vi mạch xử lý, máy tính cá nhân, siêu máy tính. Đặc biệt, việc tạo ra các hệ thống nhúng dành cho phần lớn các thiết bị điện tử như điện thoại di động, các bộ điều khiển trong máy móc, ô tô và robot công nghiệp là một phần không thể thiếu trong lĩnh vực này.
Để theo đuổi ngành Kỹ thuật máy tính, các bạn trẻ cần nắm chắc kiến thức ở nhiều lĩnh vực như toán học, vật lý, cơ sở dữ liệu và thuật toán, điện tử số, hệ thống thông tin cũng như những kiến thức chuyên ngành về cơ chế kết nối, điều khiển, vận hành hệ thống máy tính, mạng truyền dữ liệu.
Với những kiến thức được học, sau khi tốt nghiệp, sinh viên ngành Kỹ thuật máy tính có thể đảm nhận công việc tại nhiều vị trí như: Lập trình viên, Kỹ sư thiết kế vi mạch, mạch điện - điện tử, chip, Kỹ sư lắp đặt, xây dựng, quản lý và vận hành hệ thống máy tính, Nhân viên kiểm thử ứng dụng và phần mềm nhúng hay Giảng viên giảng dạy và nghiên cứu.
Ngành Kỹ thuật máy tính có mức lương khá hấp dẫn, nằm trong top 10 ngành nghề có mức lương cao nhất hiện nay. Với các nhân sự 5 năm kinh nghiệm trở lên, mức lương trung bình đạt từ 20 - 50 triệu đồng/tháng. Nếu làm việc ở nước ngoài hoặc các công ty nước ngoài, mức lương có thể lên tới 70 triệu đồng/tháng. Người lao động hoàn toàn còn có thêm cơ hội nhận nhiều công việc bên ngoài để làm thêm, nâng cao thu nhập thực tế của mình.
Các trường đào tạo ngành Kỹ thuật máy tính gồm: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia TP.HCM), Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM,...
Năm 2024, ngành Kỹ thuật máy tính tại Đại học Bách khoa Hà Nội lấy điểm chuẩn là 28,53 điểm. Tại trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, mức điểm trúng tuyển là 26,97 điểm. Đại học Công nghiệp Hà Nội lấy điểm chuẩn là 24,55 điểm; Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng lấy 25,82 điểm. Trường Đại học Cần Thơ xét điểm trúng tuyển ngành Kỹ thuật máy tính (thiết kế vi mạch bán dẫn) là 24,28 điểm.