Ngành học vô cùng triển vọng, thị trường "khát" nhân lực
Các sản phẩm công nghệ thông tin, phổ biến nhất là các phần mềm, ứng dụng trên điện thoại thông minh, máy tính ngày nay đều là những sản phẩm không thể thiếu đối với con người. Cũng vì vậy, ngành kỹ thuật phần mềm dần trở thành ngành học HOT được nhiều bạn trẻ yêu thích bởi tính ứng dụng cao.
Ngành Kỹ thuật phần mềm (Software Engineering) là lĩnh vực khoa học kỹ thuật liên quan đến việc thiết kế, phát triển và bảo trì các ứng dụng phần mềm. Nó bao gồm phân tích yêu cầu, quản lý dự án, kiểm thử và triển khai, phát triển sản phẩm. Trong ngành này, người ta sử dụng các phương pháp và công nghệ để tạo ra sản phẩm phần mềm có tính ứng dụng, chất lượng cao.
Ngành Kỹ thuật phần mềm được nhiều bạn trẻ yêu thích bởi tính ứng dụng cao
Hiện nay, ngành Kỹ thuật phần mềm là một trong những lĩnh vực phát triển nhanh nhất và được coi là một phần quan trọng tại các doanh nghiệp công nghệ với nhu cầu tuyển dụng ngày càng cao. Theo đó, chính làn sóng đầu tư từ nước ngoài đã gia tăng số lượng việc làm IT tại thị trường Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê, tháng 8/2023, hơn 14.000 doanh nghiệp công nghệ thông tin đã thành lập với số vốn 135,3 nghìn tỷ đồng tại Việt Nam giúp mở rộng cơ hội nghề nghiệp trong ngành công nghệ.
Tuy nhiên, báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng cho hay, Việt Nam hiện là quốc gia có con số thấp nhất về lực lượng Kỹ thuật phần mềm so với nhu cầu của thị trường. Số liệu từ Báo cáo thị trường từ DevTop năm 2023 cho thấy, số lượng sinh viên theo đuổi ngành Kỹ thuật Phần mềm còn khá khiêm tốn, dao động khoảng 55.000 sinh viên/năm. Số lượng kỹ sư phần mềm, lập trình viên cũng đang ở mức thiếu hụt khoảng 150.000 - 200.000 trong khoảng thời gian từ năm 2023 - 2025 dù thu nhập và phúc lợi của ngành Kỹ thuật Phần mềm đang tăng mạnh so với mặt bằng chung.
Trong khi đó, báo cáo Thị trường nhân lực ngành công nghệ thông tin của VietnamWorks chỉ ra, nhu cầu tuyển dụng của nhóm ngành Công nghệ thông tin đã tăng gấp 4 lần trong 10 năm qua. Riêng nhóm ngành Kỹ thuật phần mềm chiếm hơn 50% và có ảnh hưởng lớn nhất đến nhu cầu tuyển dụng của toàn ngành Công nghệ thông tin. Qua đó cho thấy rõ tiềm năng và cơ hội việc làm của ngành học này.
Theo học chuyên ngành Kỹ thuật Phần mềm, sinh viên được đào tạo các kiến thức liên quan đến quy trình phát triển phần mềm chuyên nghiệp nhằm tạo ra sản phẩm phần mềm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu nghiệp vụ cụ thể trong nền sản xuất của xã hội. Người học được hướng dẫn cách mô tả, viết lập trình để máy tính có thể từng bước thay thế con người điều khiển các thiết bị phần cứng, tự động hóa các quy trình, thao tác của con người trong công việc, hoạt động, giải trí.
Bên cạnh đó, sinh viên còn được trang bị kiến thức chuyên sâu về công nghiệp phần mềm, bao gồm: Quy trình phát triển phần mềm, kỹ năng vận dụng các công cụ phần mềm vào việc hỗ trợ phát triển các phần mềm khác. Các kiến thức liên quan đến hoạt động thực hiện trong một dự án phần mềm như: Thu thập yêu cầu, phân tích, thiết kế, lập trình, kiểm thử, vận hành và bảo trì phần mềm.
Mức lương thuộc top cao nhất nhì hiện nay
Vì ngành kỹ thuật phần mềm đang là ngành rất "hot" hiện nay nên ngày càng có nhiều trường đại học đào tạo chuyên ngành này. Tiêu biểu phải kể đến các trường: Đại học Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia TP.HCM; Đại học Kinh tế TP.HCM; Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM; Đại học Tôn Đức Thắng; Đại học Hoa Sen; Đại học Công nghiệp TP.HCM & Hà Nội…
Sinh viên theo học ngành này có cơ hội việc làm rộng mở
Trong năm 2024, điểm chuẩn ngành Kỹ thuật phần mềm xét theo phương thức xét kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT ở mức khá cao. Tại Trường Đại học Công nghệ Thông tin - Đại học Quốc gia TP.HCM, điểm trúng tuyển là 26,85 điểm. Điểm chuẩn tại Đại học Kinh tế TP.HCM là 25,43 điểm.
Trong khi đó, tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng năm 2024, mức điểm trúng tuyển là 33,3 điểm ở chương trình tiêu chuẩn; chương trình chất lượng cao lấy 30,90 điểm và chương trình đại học bằng tiếng Anh lấy 28 điểm theo thang điểm 40. Tại Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM, điểm trúng tuyển lấy 23,5 điểm ở chương trình đại trà và lấy 22 điểm ở chương trình tăng cường tiếng Anh; còn tại Đại học Công nghiệp Hà Nội, mức điểm chuẩn là 24,68. Tại trường Đại học Hoa Sen (TP.HCM) điểm chuẩn 18, còn Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM điểm chuẩn là 17 điểm.
Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật phần mềm tại các trường đại học, sinh viên có thể đảm nhận một số vị trí công việc như: Chuyên viên phân tích, thiết kế, cài đặt, quản trị, bảo trì phần mềm máy tính đáp ứng các ứng dụng khác nhau trong cơ quan, công ty, trường học… Kỹ sư phát triển phần mềm, xây dựng giải pháp và dịch vụ công nghệ thông tin, truyền thông tại các đơn vị có nhu cầu. Bên cạnh đó, các bạn trẻ còn có thể thử sức với vị trí kỹ sư tư vấn, thiết kế, xây dựng, đánh giá và quản trị cơ sở dữ liệu, các hệ thống thông tin cho các doanh nghiệp, tổ chức sản xuất, gia công phần mềm trong và ngoài nước.
Hiện nay, mức lương của ngành Kỹ thuật phần mềm được đánh giá thuộc vào hàng cao nhất nhì Việt Nam. Mức lương trung bình một kỹ sư phần mềm có thể nhận được dao động ở mức 13,4 - 16,1 triệu đồng/tháng, tùy thuộc vào kỹ năng, trình độ và kinh nghiệm.
Ngoài những kiến thức chuyên môn liên quan đến ngành kỹ thuật phần mềm, nếu am hiểu thêm về blockchain hoặc những kiến thức khác liên quan đến công nghệ thông tin,mức đãi ngộ nhận được còn có thể tăng gấp nhiều lần so với những con số kể trên.