Bệnh tuyến giáp là nhóm bệnh do rối loạn sản xuất hormone tuyến giáp gây nên. Khi lượng hormone tiết ra quá ít là nguyên nhân gây bệnh suy giáp. Ngược lại, khi hormone tiết ra quá nhiều sẽ dẫn đến cường giáp. Theo các bác sĩ, đây là căn bệnh đơn giản, nhưng nếu không điều trị bệnh sẽ trở nặng, để lại nhiều biến chứng cho người mắc.
Chị Hoàng Thị Phương (38 tuổi), làm nhân viên văn phòng cho một công ty ở Đồng Nai, trước đây là người luôn vui vẻ, ăn uống khoa học, mỗi sáng đều dậy sớm tập thể dục và dành ra 3 buổi/tuần leo núi. Chị Phương cho biết, nhờ các thói quen tốt này chị có dáng người cân đối, ít bị bệnh vặt.
Khoảng 2 tháng qua, chị Phương trở nên hay mệt, khó ngủ hay mơ màng, chán ăn, sút cân, thường thở dốc, khó tính, khó chịu. “Nếu như trước đây tôi leo núi, tập thể dục mạnh không sao thì giờ chỉ cần leo 4-5 bậc cầu thang là thở dốc, hay nhiều lúc không làm gì tim tôi cũng đập nhanh thình thịch”, chị Phương chia sẻ.
Chị Phương đang nhân viên văn phòng cho 1 công ty ở Đồng Nai. Ảnh minh họa.
Đặc biệt, chị luôn khó chịu, bực bội, bứt rứt, cáu gắt với người thân, đồng nghiệp, chồng con. “Tôi như không thể kiểm soát được cảm xúc của bản thân, nhiều khi nói nặng lời với người thân, đồng nghiệp. Khi bình tĩnh lại, tôi hối hận, day dứt", chị Phương chia sẻ. Chính điều này, chị Phương bị nhiều người nghi ngờ bị tâm thần, tìm cách né tránh.
Khi đến bệnh viện tư tại TP.HCM khám, chị được bác sĩ khuyên chị nên làm các xét nghiệm chuyên sâu vì có nghi ngờ chị mắc bệnh do rối loạn hormone gây nên.
Từ các kết quả xét nghiệm máu, Ths.BS Võ Đình Bảo Văn, khoa Nội tiết - Đái tháo đường chẩn đoán chị Phương bị bệnh cường giáp. “Hormone tuyến giáp của chị Phương cao hơn gấp 2 lần người bình thường, trong khi hormone kích thích tuyến giáp lại giảm”, bác sĩ Văn chia sẻ.
Theo bác sĩ Văn, hormone tuyến giáp có vai trò quan trọng trong chuyển hóa của cơ thể. Khi bị tăng hormone giáp sẽ ảnh hưởng đến nhiều chức năng như thân nhiệt, tim mạch, hệ thần kinh, tinh thần, cơ xương. Sự thay đổi nhanh chóng về nồng độ hormone tuyến giáp có thể làm xáo trộn cảm xúc của người bệnh, họ có thể có các triệu chứng như bồn chồn, tính tình thay đổi, dễ cáu gắt, xúc động, giận dữ, nếu không điều trị sớm có thể dẫn đến trầm cảm, rối loạn tâm thần.
Ngoài ra, tăng hormone tuyến giáp cũng dễ khiến người bệnh bị men gan cao, rối loạn chuyển hóa protid, lipid. Ở trường hợp của chị Phương là bị tăng men cao hơn gấp 7 lần người bình thường nên phải nhập viện điều trị.
Bác sĩ Văn cho biết, ngoài được dùng thuốc kháng giáp, ức chế tổng hợp hormone tuyến giáp bằng thuốc, chị Phương còn được điều trị men gan cao. Sau 1 tuần điều trị, men gan gần về ngưỡng ổn định, hormone tuyến giáp được kiểm soát, chị Phương ăn cơm ngon miệng hơn, bớt mệt, hết hồi hộp đánh trống ngực, tâm trạng vui vẻ hơn. Ngoài ra, chị cũng được trao đổi, chia sẻ, tư vấn để ổn định tâm lý trở lại.
Theo các bác sĩ, tuyến giáp là căn bệnh đơn giản, nhưng nếu không điều trị sớm sẽ dễ có biến chứng nguy hiểm. Ảnh minh họa.
Cường giáp nếu không điều trị sớm dễ bị trầm cảm, suy tim
Theo bác sĩ Văn, bệnh tuyến giáp là bệnh thông thường, điều trị đơn giản, nhưng nếu người bệnh đến viện muộn, bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm khác như rung nhĩ, suy tim, song thị, mất thị lực (mù) do bệnh lý mắt (lồi mắt) hoặc thậm chí là cơn bão giáp – tình trạng cấp cứu đe dọa tính mạng.
Bác sĩ Văn khuyến cáo, nếu người dân có các dấu hiệu dưới đây cần đi khám sớm để được phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp như trường hợp của chị Phương.
- Luôn có cảm giác nóng bức, ra nhiều mồ hôi, có thể sốt nhẹ 37,5°C – 38°C.
- Lòng bàn tay ấm, ẩm ướt.
- Khoảng 50% trường hợp cường giáp bị tiêu chảy không kèm đau quặn với số lượng 5-10 lần/ngày do tăng nhu động ruột và giảm tiết các tuyến của ống tiêu hóa.
- Hồi hộp đánh trống ngực, nhịp tim nhanh.
- Có thể đau đầu, chóng mặt, rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi, giảm khả năng lao động.
- Mỏi cơ, yếu cơ, nhược cơ hoặc liệt.
* Tên người bệnh đã thay đổi.