Chuyện ca song sinh ở Đồng Nai bị cha bỏ rơi từ lúc chào đời đã lấy nước mắt của rất nhiều người, nhất là trong cộng đồng các mẹ bỉm sữa. Mọi người đều mong hai bé gái Bột Mì – Bột Gà có một cuộc sống đủ đầy, được uống sữa, mặc bỉm như bao đứa trẻ sơ sinh khác.
Sau một thời gian “nổi tiếng” trên mạng xã hội, không ít người tò mò hiện tại cuộc sống của hai bé ra sao, có được mạnh thường quân giúp đỡ nhiều hay không?
Bà Yến – bà ngoại của cặp song sinh cho biết: “Xưa mấy mẹ con, bà cháu tôi thuê trọ ở Nhơn Trạch rồi sinh sống bằng nghề bán trứng gà trứng vịt ở đầu đường. Thu nhập từ nghề đó chẳng đáng là bao vì kinh tế suy thoái, có người mua mấy đâu.
Sau đó tôi chẳng thể gồng gánh nổi, đành dắt díu con cháu về Long Thành sinh sống, tìm kiếm việc làm thêm. Tôi đã lựa được công việc phụ bưng bê ở quán phở buổi sáng, đến trưa sẽ tranh thủ về ra đồng mò cua bắt ốc, hái rau ở mương sông đem ra đường lớn bán”.
So với công việc trước đây, bà Yến kể công việc hiện tại đem lại thu nhập ổn định, 300.000 đồng/ngày. Bà có thể chi tiêu đủ cho cả gia đình, từ đóng tiền trọ, mua cái ăn thức uống và bỉm sữa cho hai cháu ngoại song sinh.
Bột Mì - Bột Gạo giờ đã lớn khôn, kháu khỉnh hơn trước rất nhiều.
Nhắc đến cặp đôi Bột Mì – Bột Gạo, người phụ nữ ngoài 50 tuổi hào hứng nói: “Trộm vía lũ trẻ kháu khỉnh và ngoan ngoãn lắm, đã biết trườn bò cả rồi. Sáng nào hai đứa cũng được cái Hương (con gái bà Yến, mẹ ruột cặp song sinh – PV) cho ăn uống, thay tã bỉm và rong đi chơi khắp xóm trọ.
Tôi đi mần cua ốc về là đưa hai đứa vào trong sọt, chở ra đường lớn bán đồ. Khi ấy người ta thương tình mua ủng hộ nhiều hoặc cho cái gì thì xin. Tôi may mắn được bà con trong vùng giúp đỡ, khen ngợi hai đứa trẻ ngoan mà vui lòng lắm”.
Bà Yến vừa dứt lời, Hương bỗng lên tiếng cho biết hai con gái hiện trưởng thành so với trước rất nhiều. Chúng có thể uống sữa, ăn cháo một cách ngon lành. Đặc biệt chúng không bao giờ khóc quấy, hờn dỗi như nhiều đứa trẻ khác.
“Em cảm nhận hai đứa trẻ biết hoàn cảnh không cha, mẹ khờ khạo, bà vất vả nên hiểu chuyện lắm. Em có thể trông cả hai mà không mệt nhọc gì cả, cứ ngồi ngoan chơi đồ chơi thôi.
Về phần em, bệnh mẩn ngứa đã đỡ rất nhiều. Em cảm ơn mạnh thường quân đã chung tay giúp đỡ gia đình em rất nhiều. Nếu không có họ, có lẽ các con em không có sữa bỉm, mẹ em còn vất vả trăm bề”, cô gái trẻ tâm sự.
Hai bé gái thường được bà ngoại chở trong sọt đi bán rau, tôm cua ốc...
Hương là con gái của bà Yến nhưng không được thông minh, nhanh nhẹn như người khác. Vì thế bà luôn canh chừng con để không “sa ngã” hoặc bị người ta dụ dỗ nhưng vẫn không thể để mắt con 24/24.
“Năm ngoái, cái Hương bị một người đàn ông dụ dỗ về Kiên Giang sinh sống. Nó cãi lời tôi, kiên quyết đòi xuống đó. Tôi chẳng biết sao đành để nó đi, đồng thời khấn tổ tiên hi vọng con không bị hại”, bà Yến nhớ lại.
Một thời gian sau, người mẹ đơn thân thấy con gái khờ trở về trong bộ dạng bụng to. Bà hoảng hốt nhận ra con đã mang thai và bị ruồng bỏ. Bà muốn đánh chửi con nhưng nghĩ đi nghĩ lại người có lỗi vẫn là bà. Bà đành gắng gượng vực dậy tinh thần, chấp nhận sự thật và chăm sóc con gái.
“Tôi biết để xảy ra chuyện này người có lỗi nhất chính là tôi. Tôi là một người mẹ có con gái không bình thường nhưng lại không bảo ban, dạy dỗ và bảo vệ được nó. Tôi không được phép bỏ rơi con lúc này.
Tôi cũng không thể dắt nó đến bệnh viện bỏ cái thai. Vì đứa trẻ trong bụng làm gì có lỗi, cũng là một sinh linh. Tôi tự động viên bản thân cháu đến với gia đình là duyên số, không được chối bỏ”, người phụ nữ ngoài gần 50 tuổi tâm sự.
Bà Yến đã ân cần chăm sóc con gái với hi vọng cả hai cùng khoẻ mạnh. Và đến giữa thai kỳ bà đưa con đi khám mới ngã ngửa: Con mang song thai. Bà lặng người hồi lâu vì nghĩ đến cảnh nhà nghèo lại phải nuôi cùng lúc 2 đứa trẻ. Bà sợ bản thân chẳng thể gồng nổi kinh tế.
Lo lắng là thế nhưng bà Yến vẫn háo hức chờ đợi ngày cặp song sinh chào đời. Bà nhớ lại: “Cái Hương mang bầu đến tháng thứ 8 thì có dấu hiệu sinh non. Tôi nhờ người đưa vào bệnh viện cấp cứu.
au vài giờ đồng hồ đau đớn, nó đã hạ sinh hai bé gái với cân nặng vỏn vẹn 1kg. Lúc nhìn thấy cháu mà tôi đã bật khóc bởi quá thương. Hai đứa chỉ bằng con cá lóc, không biết phải nuôi sao cho lớn bằng con nhà người ta”.
Bà Yến đã đặt tên cúng cơm cho cặp song sinh là Bột Mì – Bột Gạo với mong ước cả đời sống sung túc, không phải đói ăn như ngoại, như mẹ… Hằng ngày bà phải ninh gạo với đường phèn, lấy nước cho các cháu thay sữa.