Các chuyên gia tìm cách “gỡ khó” giúp hàng nghìn người mù có cơ hội nhìn thấy ánh sáng

Google News

Dù nhu cầu cần ghép giác mạc ở Việt Nam là rất lớn, tuy nhiên nguồn hiến lại đang hạn chế, từ đó cơ hội để những người mù lòa được nhìn thấy ánh sáng là rất ít ỏi.

Mới đây, tại Hà Nội đã diễn ra chương trình Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm thu nhận và điều phối giác mạc giữa Việt Nam và Singapore, các chuyên gia hàng đầu về nhãn khoa đã cùng chia sẻ về kinh nghiệm trong thu nhận, điều phối giác mạc.

PGS.TS Hoàng Thị Minh Châu, Giám đốc ngân hàng Mô, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, cho biết, tọa đàm là tiền đề mở ra nhiều cơ hội hợp tác lâu dài với những quốc gia đi đầu về hoạt động của ngân hàng Mắt. Theo bà Châu, Ngân hàng Mô (BV Mắt Hà Nội 2) dù mới hoạt động được 8 tháng, nhưng đã thu nhận 57 giác mạc từ nhiều nguồn hiến. Bệnh viện cũng đã thực hiện thành công 42 ca ghép giác mạc, mang lại ánh sáng cho người bệnh, đồng thời điều phối một số giác mạc tới các bệnh viện khác để ghép cho người bệnh.

PGS Nguyễn Minh Châu chia sẻ với chuyên gia nước ngoài về kinh nghiệm vận động hiến, ghép giác mạc. 

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến tặng mô, tạng Việt Nam thông tin thêm rằng, hiện nay số cơ sở có khả năng thu nhận và ghép giác mạc còn hạn chế, trong khi đó nguồn hiến giác mạc cũng rất ít, đa số nguồn giác mạc được tặng từ nước ngoài về.   

Tuy nhiên, thủ tục hải quan và bảo quản giác mạc còn khó khăn bởi giác mạc không phải bệnh phẩm, không phải thiết bị, hay mẫu vi sinh vật mà giác mạc là mô cần bảo quản sống. Vì vậy, các cơ quan chức năng, các cơ sở thu, ghép giác mạc cần có kiến nghị chính thức tới Bộ Y tế, Tổng cục Hải quan cần tạo điều kiện về thủ tục để chuyển nguồn giác mạc từ nước ngoài về Việt Nam ghép cho người bệnh sớm.

Bác sĩ Howard Cajucon Uy chia sẻ kinh nghiệm tại buổi tọa đàm. 

Chia sẻ kinh nghiệm về thu nhận giác mạc từ người hiến, bác sĩ Howard Cajucon Uy, Phụ trách Ngân hàng Mắt Singapore, Phó chủ tịch Hiệp hội ngân hàng Mắt Châu Á cho biết, dù phải đối mặt với khá nhiều rào cản về quan niệm, xã hội, tôn giáo nhưng với những gia đình người cho giác mạc thì họ coi đây là món quà trao tặng cho người khác, giúp người không may mắn được nhìn thấy ánh sáng, chứ họ không có quyền lợi gì từ việc hiến giác mạc.

Theo ông Howard Cajucon Uy, việc thu nhận giác mạc hiến ở Singapore được ưu tiên lấy từ nguồn là người qua đời tại các bệnh viện. Bởi qua các bệnh viện, đơn vị thu nhận sẽ biết được sức khỏe của người hiến, với các tiêu chí về bệnh lý, tiền sử bệnh tật… Các đơn vị làm việc trực tiếp với các điều dưỡng ở các bệnh viện để nắm được bệnh nhân qua đời có nguyện vọng hiến giác mạc. Hệ thống quản lý giường trong bệnh viện sẽ liên kết với hệ thống ngân hàng Mắt. Khi có các bệnh qua đời họ sẽ thông báo cho ngân hàng Mắt để vận đồng và đến thu nhận nếu họ đồng ý hiến.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hoàng chia sẻ thông tin tại buổi tọa đàm. 

Tại buổi tọa đàm này, bác sĩ Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc Ngân hàng Mắt (Bệnh viện Mắt Trung ương) cho biết, tại Việt Nam, việc tuyên truyền, vận động hiến giác mạc được truyền thông bằng nhiều cách khác nhau, tuy nhiên số lượng người hiến giác mạc sau khi qua đời vẫn còn rất khiêm tốn. Đặc biệt, việc tuyên truyền lấy giác mạc là chỉ lấy phần giác mạc, không lấy nhãn cầu, điều này nhằm mục đich giữ cho người đã mất được lành lặn, đẹp đẽ nhất có thể.

Tuy nhiên, do phong tục của người Việt nên đa số người nhà đều mong muốn đưa người thân đã mất từ bệnh viện về nhà. Do vậy, khi người nhà đồng ý, các kỹ thuật viên mới có thể đến lấy giác mạc. “Điều này khiến nguy cơ giác mạc hiến đã lấy nhưng không dùng được rất lớn vì nhiều người hiến mắc bệnh truyền nhiễm đường máu nhưng không có thông tin trước. Các kỹ thuật viên ngân hàng mắt thường phải tìm hiểu bệnh sử của người chết, qua người nhà, tìm hiểu xem họ nằm viện nào, nguyên nhân nằm viện… để biết chất lượng của giác mạc hiến”, ông Hoàng chia sẻ.

Các chuyên gia trong nước và quốc tế chia sẻ về kinh nghiệm vận động hiến, ghép giác mạc. 

Được biết, tại Việt Nam, việc lấy - ghép giác mạc được thực hiện từ năm 2007. Đến nay đã có hơn 3.000 người được ghép giác mạc, trong đó có hơn 50% là từ nguồn người hiến tại cộng đồng, tập trung chủ yếu ở Ninh Bình, Nam Định,... nhiều nhất là năm 2020, có 169 người được ghép.

Đến nay, hơn 20 tỉnh thành đã có người hiến tặng giác mạc sau khi qua đời. Tuy nhiên, số người mù vì bệnh lý giác mạc đang rất lớn, khoảng hơn 30.000 người, nhưng con số ghép được rất ít ỏi. Trong số bệnh nhân chờ ghép giác mạc, nhiều nhất là ở độ tuổi 30-60, có cả trẻ em.

LÊ PHƯƠNG.

Bình luận(0)