Mới đây, nhóm chuyên gia sản khoa của Bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em Hải Nam (Trung Quốc) đã thực hiện ca sinh song sinh thành công, để hai em bé chào đời an toàn. Theo đó, cô Lưu, sống ở Hải Khẩu đã mang thai cặp song sinh nhờ các phương pháp hỗ trợ sinh sản. Trước đó, cô từng mang thai tự nhiên không thành công và thử nhiều cách khác nhau song nhận kết quả thất bại.
Chính vì thế, khi nhận tin mang song thai, cô Lưu và gia đình vô cùng hạnh phúc cũng như rất cẩn thận trong việc giữ gìn, đảm bảo an toàn cho hai thai nhi. Khi thai được 22 tuần, cô Lưu được chẩn đoán mắc bệnh suy chức năng cổ tử cung, đối mặt với nguy cơ sảy thai rất lớn.
Để giúp hai thai nhi phát triển khỏe mạnh trong bụng mẹ, các bác sĩ của Bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em Hải Nam đã thực hiện ca phẫu thuật khâu cổ tử cung cho người mẹ. Mọi thứ diễn ra khá suôn sẻ. Chính vì vậy, cô Lưu nhanh chóng được xuất viện trở về nhà tiếp tục dưỡng thai.
Hai em bé sinh đôi chào đời cách nhau 11 ngày.
Khi ở tuần thứ 25, cô Lưu bất ngờ bị vỡ ối sớm, những cơn đau co thắt tử cung không thể kiểm soát được. Kết quả kiểm tra cho thấy, cổ tử cung của cô đã giãn ra hoàn toàn và cần phải chấm dứt thai kỳ để đảm bảo an toàn cho mẹ và hai em bé
Nhưng một vấn đề đặt ra là, hai đứa trẻ này là sinh đôi khác trứng, mỗi em bé nằm trong một màng ối khác nhau ở trong tử cung của người mẹ, không gây trở ngại cho nhau. Một em bé bị vỡ ối sớm cần chào đời, trong khi em bé còn lại vẫn đang phát triển tốt trong bụng mẹ.
Đứng trước tình huống này, các bác sĩ đến từ các khoa: Khoa sản, khoa sơ sinh, khoa cấp cứu đã cùng nhau bàn bạc và đưa ra phương án điều trị phù hợp nhất để có kết quả “vẹn cả đôi đường”. Theo đó, dưới sự nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ, cô Lưu đã hạ sinh một bé trai, ngay lập tức em bé được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt. May mắn thay, màng và nhau thai của em bé thứ 2 vẫn nguyên vẹn, đủ khả năng tiếp tục phát triển trong bụng mẹ.
Các bác sĩ đã nỗ lực rất nhiều.
Do đó, các bác sĩ sản khoa rất chú trọng đến em bé thứ 2 trong bụng cô Lưu. Họ đưa ra chế độ ăn uống phù hợp cho người mẹ và thường xuyên theo dõi, kiểm tra sát sao. Với sự nỗ lực của đội ngũ y tế, em bé thứ hai chào đời sau đó 11 ngày. Cũng giống như anh trai, đứa trẻ ngay lập tức được chuyển đến khoa Sơ sinh để tiếp tục điều trị và theo dõi.
Sau hơn 2 tháng được ê-kíp sơ sinh chăm sóc và điều trị chu đáo, cả hai đứa trẻ đều khỏe mạnh, tăng cân đều và đã được xuất viện, đoàn tụ với gia đình.
Những điều cần biết về suy chức năng cổ tử cung:
- Suy cổ tử cung là tình trạng cổ tử cung mở rộng không đau, dẫn đến nguy cơ sảy thai hoặc sinh non.
- Bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng cho đến khi xảy ra hiện tượng sinh non. Tuy nhiên, một số phụ nữ có thể gặp các dấu hiệu sớm như: căng tức âm đạo, chảy máu âm đạo, đau bụng âm ỉ hoặc co thắt không theo quy luật, cảm giác đau nhức hoặc ê ẩm ở lưng dưới, tiết dịch âm đạo,…
- Tiền sử sản khoa có thể là một chỉ báo rất quan trọng về tình trạng suy cổ tử cung. Bất kỳ phụ nữ nào đã bị một hoặc nhiều lần sẩy thai ở tuần thứ 16 đến 26 nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa y trước khi mang thai lần nữa.