Muốn cuộc sống trường tồn theo năm tháng và sống đúng với giá trị của bản thân, bạn cần học cách giảm bớt những ồn ào xung quanh.
1. Tập trung vào thời điểm và chặn tiếng ồn từ thế giới bên ngoài
Bạn đã từng trải qua tình huống như vậy chưa? Trong giờ làm việc, đồng nghiệp xung quanh tán gẫu, bạn tham gia cùng, xong câu chuyện mới biết đã đến giờ tan sở, công việc trước mắt không có tiến triển gì. Ngồi ở nhà, vừa mới cầm một quyển sách lên, điện thoại báo có tin nhắn, bạn không nhịn được lại cầm điện thoại lên, lúc đặt xuống đã là đêm khuya.
Có quá nhiều âm thanh xung quanh khiến chúng ta mất tập trung, nuốt chửng thời gian của chúng ta từng chút một. Trong thời đại bùng nổ thông tin, khi đủ mọi tiếng động cất lên, sự yên tĩnh dường như đã trở thành một thứ xa xỉ.
Ngày mới bước chân vào công ty, Xuân nghĩ rằng nếu mình chăm chỉ làm việc và chịu khó mở rộng các mối quan hệ, nhất định thăng chức và tăng lương sẽ là điều trong tầm tay. Cô tập trung vào việc làm hài lòng cấp trên và đồng nghiệp của mình, chủ động giao tiếp với mọi người hơn bất kỳ ai khác. Thế nhưng cuối cùng, Xuân không những không có được bước tiến mà hiệu suất làm việc còn thấp đến thảm hại.
Sau đó, cô mới hiểu rằng sự hối hả và nhộn nhịp chỉ là vẻ bề ngoài, công việc cuối cùng được quyết định bởi năng lực. Cô đã gỡ cài đặt tất cả các phần mềm giải trí trên điện thoại di động của mình, từ chối các cuộc hẹn vô bổ, dành thời gian nghỉ trưa và sau khi tan sở để đọc sách một mình trong phòng đọc của công ty.
Cánh cửa phòng đọc cách ly mọi âm thanh làm phiền cô, để cô có thể tạm thời quên đi những vướng bận ngoài kia, không bị phân tâm. Trong công việc, cô cố gắng để tập trung cao độ, khi đồng nghiệp đang trò chuyện cô sẽ đeo nút tai thay vì cùng tham gia rồi phân trần đúng sai. Trong không gian tĩnh lặng ấy, cô không ngừng hoàn thiện bản thân và thể hiện những bước tiến của mình. Sau nhiều năm làm việc chăm chỉ, cô trở nên nổi bật giữa đám đông và thành công ngồi vào vị trí cô mong muốn.
Chúng ta có lẽ ai cũng từng nghĩ rằng sự sôi động là tất yếu của cuộc sống. Chúng ta quan tâm đến mọi tin tức và không muốn bỏ lỡ bất kỳ bữa tiệc nào. Mãi cho đến khi đi nhiều và trải nghiệm nhiều hơn, chúng ta mới nhận ra rằng sự phấn khích rất dễ có được và sự tĩnh lặng mới là điều đáng quý.
Khoảng thời gian yên lặng thường là khoảng thời gian tốt nhất để một người trưởng thành. Hãy chủ động che chắn sự hối hả và nhộn nhịp không liên quan, tích cực mở ra khía cạnh yên tĩnh trong sự bận rộn có kiểm soát của mình, bạn sẽ sống thực sự hiệu quả và có ý nghĩa.
2. Làm sạch trái tim của bạn, lọc tin đồn
Steve Jobs từng nói: “Đừng để những lý lẽ của người khác át đi tiếng nói bên trong, suy nghĩ và trực giác của bạn”. Nếu bạn quá quan tâm đến nhận xét của người khác, bạn sẽ chỉ tự trói buộc mình và trở nên rối loạn mà thôi.
Hoa mới mua một căn nhà cũ phù hợp với khả năng tài chính của mình. Những tưởng sự kiện này sẽ khiến cô cảm thấy an tâm hơn nhưng từ ngày chuyển đến nhà mới, cô chỉ cảm thấy chán nản. Vừa dọn đến nơi, mẹ chồng đã nói căn nhà ít cửa sổ, không khí lưu thông không tốt. Vài ngày sau, bạn bè đến thăm lại trách sao mua nhà cũ quá, bài trí không đẹp, không gian quá nhỏ...
Trong những bình luận từ thế giới bên ngoài, cô ấy đã mất đi sự đánh giá của chính mình và rơi vào trạng thái lo lắng. Nhớ rằng, miệng là của người khác còn cuộc sống là của chính mình. Dù là ai đi chăng nữa thì cũng là người qua đường trong cuộc đời bạn, chỉ có bạn mới là người chèo lái cả cuộc đời mình.
Cuộc sống này thuộc về cảm xúc của chính mỗi chúng ta, không phụ thuộc vào ý kiến của bất kỳ ai khác. Dù là ai ở bất kỳ vị trí nào, chúng ta không thể ngăn người khác buôn chuyện, chỉ trỏ, quan tâm hay đánh giá. Tin vào đánh giá của người khác, bạn sẽ chỉ đánh mất chính mình.
3. Chấp nhận bản thân, ngừng chỉ trích bản thân
Có bà mẹ nọ đưa con trai đến công viên chơi. Trong lúc chơi đùa, con bà có va chạm với một đứa trẻ khác. Thấy lũ trẻ khóc, hai người mẹ không kiểm soát được cảm xúc của mình mà tranh cãi kịch liệt với nhau. Nhưng sau cuộc cãi vã, cô bắt đầu tự trách mình sâu sắc:
"Mình có tệ quá và làm gương xấu cho con cái không?"
"Mình đúng là một người mẹ vô dụng, thậm chí còn không bảo vệ được con mình."
"Tại sao mình không thể làm tốt được việc nhỏ này, không thể thắng người khác trong cuộc tranh luận."
Đứa trẻ đã quên chuyện ngày hôm ấy từ lâu nhưng người mẹ lại chẳng thể ngủ ngon giấc nhiều ngày sau đó. Trên thực tế, cô luôn là một người mẹ xuất sắc và hầu như không bao giờ xung đột với người khác. Nhưng càng muốn trở thành một người mẹ hoàn hảo, cô càng khắt khe với bản thân, không ngừng tự tạo thêm gánh nặng cho mình, sợ bản thân làm sai. Kết quả là cô bị suy nhược thần kinh trước áp lực và chỉ có thể tìm đến sự tư vấn tâm lý.
Lời khuyên mà chuyên gia tư vấn dành cho cô là hãy là một bà mẹ bình thường và ngừng tìm lỗi cho bản thân. Cuộc sống vốn đã khó khăn, nếu bạn còn đứng về phía đối diện với chính mình thì sẽ chỉ còn lại nỗi đau vô tận. Hãy công nhận và bao dung hơn với bản thân mình, đón nhận con người không hoàn hảo của mình, may mắn sẽ tự nhiên kéo đến.
Không có phê bình nào mạnh hơn tự phê bình, không có quan tòa nào nghiêm khắc hơn chính bản thân. Nhiều khi, gốc rễ của nỗi đau của chúng ta là từ sự phủ nhận mình. Tự trách bản thân một cách mù quáng sẽ chỉ khiến nỗi đau bị gặm nhấm. Chỉ khi chấp nhận chính mình, bạn mới có thể nhìn thấy tia sáng le lói trong màn sương mù.
Thế giới đầy hối hả và nhộn nhịp, lượng thông tin rất nhiều và phức tạp. Tất cả những gì chúng ta có thể làm là chủ động giảm tiếng ồn cho chính mình trong thành phố bận rộn kia.
Đừng đánh mất ý định ban đầu của bạn để theo đuổi sự phấn khích.
Đừng xáo trộn tâm trạng vì lời nói của ai kia.
Đừng rơi vào tình trạng tự phê bình và đứng yên một chỗ.
Loại bỏ những tạp niệm, giữ một trái tim thanh khiết và cuộc sống của bạn sẽ ngày càng tốt đẹp, hạnh phúc hơn.