1. PHÁ LẤU
Nguyên liệu
- 1 kg lòng
- Sả: 2 củ
- Riềng: 4-5 lát, thái tròn mỏng vừa.
- Hành củ tím: 5 củ
- Tỏi: 5 tép
- Nước dừa tươi: hai quả
- Nước cốt dừa: 150ml
- Rau răm
- Gia vị để làm sạch: bột mỳ, dấm, muối, rượu trắng, gừng.
- Các gia vị để ướp: bột nêm, bột canh, bột gia vị bò kho, ngũ vị hương, dầu điều, ớt bột Hàn Quốc, bột nghệ.
Cách làm:
Bước 1: Sơ chế
- Lòng bóp qua với bột mỳ, lộn trong lộn ngoài, rửa lại thật sạch.
- Đun sôi nồi nước thả vào một miếng gừng đập dập, một thìa canh dấm, 1 thìa canh rượu, 1 thìa cà phê muối... thả lòng vào chần qua cho hết mùi hôi. Rồi rửa lại bằng một lần nước nữa, để ráo.
Bước 2: Công đoạn ướp
Ướp lòng với 1 thìa canh ớt bột Hàn Quốc (không có bỏ qua, ớt Hàn Quốc làm cho màu phá lấu được đẹp hơn), 1 thìa cà phê ngũ vị hương, 1 thìa cà phê bột gia vị bò kho, 1 thìa canh dầu điều, 1 thìa cà phê bột nghệ, 1 thìa cà phê bột nêm, 1 thìa cà phê bột canh, 1/2 thìa cà phê hạt tiêu, tỏi đập dập băm nhỏ, hành củ đập dập băm nhỏ, sả đập dập cắt khúc, riềng thái lát mỏng, ai ăn được cay thì thái nhỏ một quả ớt cay vào, ai thích ăn ngọt thì cho vào 1 thìa canh đường (không thì thôi vì lát cho nước dừa tươi cũng ngọt rồi).
(Thìa canh: 1 thìa ăn phở)
Trộn thật đều các nguyên liệu với nhau, để ngấm trong vòng 1 giờ.
Sau 1 giờ, nguyên liệu đã ngấm gia vị.
Bước 3: Nấu phá lấu
- Cho dầu ăn vào nồi, phi thơm chút tỏi, đổ phần lòng đã ướp gia vị vào xào cho săn. Sau đó đổ nước dừa ngập lòng, không có hoặc không thích nước dừa tươi thì thay thế bằng nước trắng.
- Đun sôi nồi phá lấu, sau đó hạ nhỏ lửa đun liu riu, có bọt hớt bọt cho nồi phá lấu được trong.
- Đun đến khi các nguyên liệu chín mềm, vớt bỏ phần riềng và sả, rồi đổ nước cốt dừa vào (không cho nước cốt dừa ngay từ đầu). Nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn. Trung bình ninh khoảng 1h là chín mềm.
Phá lấu nấu xong sẽ có phần nước vàng sánh đẹp mắt. Những miếng lòng mềm ngon bùi bùi, dạ dày giòn sần sật, thơm nức mũi. Tất cả các nguyên liệu đều ngấm gia vị một cách đậm đà, hơi ngọt lại có chút mằn mặn, hơi cay... vô cùng thú vị.
Món này ăn kèm với bánh mỳ, mỳ tôm rất ngon, nên ăn nóng và cũng không thể thiếu rau răm khi ăn kèm.
2. SƯỜN NƯỚNG TẢNG
Nguyên liệu:
- Sườn nguyên tảng.
- Chanh vàng.
- Hương thảo.
- Sốt ướp thịt nướng (mua ở siêu thị).
- Tỏi, ớt.
- Măng tây, cà rốt.
- Bơ thực vật.
- Gia vị: mắm, hạt nêm, tiêu, ớt bột, tương ớt, mè trắng, mật ong.
Cách làm:
- Rửa sạch sườn. Đun sôi nồi nước, cho gừng và muối rồi chần sơ sườn cho sạch. Để ráo, ướp với sốt ướp thịt nướng, mật ong, tương ớt, hạt nêm, mắm, ớt bột, tiêu, tỏi băm nhuyễn. Bọc lại cất trong tủ lạnh qua đêm hoặc ít nhất 3-4 tiếng để sườn được ngấm gia vị.- Cho sườn vào nồi chiên không dầu, nướng ở nhiệt độ 160 độ C trong 20-30 phút.
Sau đó cho thêm vài lát chanh vàng, hương thảo lên mặt sườn.
Cắt đôi củ tỏi xếp vào khay, tiếp tục nướng ở nhiệt độ 190-200 độ C đến khi mặt sườn chín vàng.
- Phi thơm tỏi băm với bơ thực vật, rồi dùng bơ này trộn đều với măng tây và cà rốt, thêm chút xíu tiêu và muối để rau củ có vị đậm đà hơn. Xếp vào khay cho vào nồi chiên không dầu, cài nhiệt 180 độ C, măng tây khoảng 7-8 phút, cà rốt khoảng 15 phút là chín.
- Phi thơm hành tỏi băm nhuyễn rồi cho nước ướp sườn vào đun sôi lăn tăn để làm nước chấm, thêm ít mè rang vào là xong.
- Xếp sườn nướng lên dĩa, cùng với cà rốt, măng tây, tỏi nướng, thêm chén nước sốt ướp thịt để chấm sườn. Sườn nướng kiểu này lên màu cực đẹp, thơm nức, có vị ngòn ngọt lại có chút cay cay ai thưởng thức cũng thích!
3. VỊT NẤU CHAO
Nguyên liệu:
- 1 con vịt
- Khoai môn sáp
- Ngò gai, rau muống, nấm
- Nước dừa tươi
- Gia vị: chao, muối, hạt nêm, dầu ăn, đường phèn, sate
- Bún
Cách làm:
- Vịt đã mổ đem rửa thật sạch, chặt miếng vừa ăn. Đem rửa lại lần nữa cho hết máu thừa, để ráo. Sau đó ướp thịt vịt với 2 hũ chao bông sen nhỏ, dầu ăn, hạt nêm, đường, muối, sa tế vừa ăn trong 2-3 tiếng cho thấm gia vị.
- Khoai môn sáp gọt vỏ, xắt miếng vuông vừa ăn, sau đó đem khoai môn chiên sơ vàng mặt.
- Phi thơm hành tỏi trong nồi áp suất ở chế độ Xào, cho vịt đã ướp vào xào cho săn lại. Nếu không có nồi áp suất bạn nấu bằng nồi thường.
- Thêm nước dừa vào nồi, để chế độ hầm trong thời gian 20 phút. Sau đó cho khoai đã được chiên vào. Đun sôi thêm 15 phút để khoai chín mềm và nêm nếm gia vị cho vừa ăn. Rắc ngò gai xắt nhỏ vào nồi là xong. Nếu dùng bằng nồi thường thì thời gian hầm sẽ lâu hơn, chỉ thấy thịt vịt mềm ngon vừa tới là được.
- Nước chấm chao: Nửa hũ chap nhỏ tán nhuyễn + 2 muỗng cà phê sa tế tôm + 2 muỗng canh nước lọc + 2 muỗng canh đường. Đun sôi hỗn hợp đến khi sệt lại là xong.
- Món này ăn kèm với bún và các loại rau cực ngon. Hoặc đơn giản ăn vịt nấu chao với cơm cũng hấp dẫn rồi!
Bạn cũng có thể chuyển vịt nấu cho ra nồi lẩu, rồi đun nóng nhúng với các loại rau như rau muống, nấm... cũng là một ý tưởng tuyệt vời cho ngày lạnh thế này!
4. GÀ HẤP LÁ SEN
Nguyên liệu:
- Gà mái ri tầm 1.2-1.3kg
- Hoa sen tầm 10 bông, thêm cả lá sen
- Muối hạt, hành tây, gia vị, tiêu
Cách làm gà hấp lá sen:
- Gà làm sạch, ướp gia vị, hạt tiêu, xoa đều khắp con gà cho ngấm. Nhồi đài sen và cánh hoa, sợi gạo sen vào trong bụng gà.
- Hoa sen tẽ cánh hoa, lấy gạo và đài sen bên trong, bọc trong lá sen cùng gà.
Món gà hấp lá sen bạn không cần ướp thêm nấm hương hay gia vị gì thêm để giữ nguyên hương vị của gà.
- Rải muối hạt xuống đáy nồi, rải lớp muối dày, xếp hành tây lên trên xong rải thêm cánh hoa sen lên trên mặt và đặt gói gà bọc lá sen lên trên. Không hấp với gừng sả hay nấm hương để mùi sen không bị gia vị át đi mất.
- Đặt lên bếp để lửa to, sau đó giảm lửa hấp 45 phút là vừa ngon.
Gà hấp bọc trong lá sen nên không bị mất nước. Gà mọng nước thơm ngon ngọt thịt. Món gà hấp lá sen chấm cùng gia vị muối tiêu ớt giã thơm phức là hết xảy. Món gà hấp lá sen này làm nhanh như món gà hấp muối sả nhưng lại mùi sen thơm tự nhiên, đảm bảo cả nhà sẽ thích.
5. DẠ DÀY HEO NHỒI LÁ MẮC MẬT HẤP
Nguyên liệu:
- 1 cái dạ dày lợn, lá mắc mật.
- Gia vị: Bột canh, nước mắm, hạt tiêu, ớt.
Cách làm:
Chọn một cái dạ dày tươi, dày, không chọn cái mỏng. Đem lộn trái rửa qua cho đỡ bọt nhớt
Đun một nồi nước sôi, cho dạ dày vào chần khoảng 40 giây tính từ lúc thả dạ dày vào và nước sôi trở lại.
Vớt ra tuốt bỏ phần màng trắng ở ống dẫn và các phần vàng vàng xung quanh. Khi chần rồi các chất nhầy còn lại cũng bị loại bỏ rất dễ dàng.
Xát sạch dạ dày bằng muối hạt khoảng 1 phút. Lưu ý, đừng xát lâu sẽ làm dạ dày ngấm mặn và dễ bị dai. Các bạn có thể tẩy sạch mùi của dạ dày bằng chanh, dấm hoặc mẻ.
Sau khi làm sạch dạ dày xong, đem ướp. Gia vị ướp dạ dày gồm bột canh, nước mắm, hạt tiêu, lá lắc mật thái nhỏ, mỗi thứ vừa đủ, cùng 1 quả ớt.
Lưu ý nên ướp nhạt vì dạ dày dễ ngấm mặn. Hơn nữa dạ dày nhạt một chút để lát sau còn chấm sẽ ngon hơn. Ngoài ra, để lại vài lá nguyên trang trí cho đẹp.
Lộn trái và lộn phải dạ dày để trộn gia vị cho thấm, nhét thêm ít lá vào trong dạ dày.
Cho dạ dày vào trong một bát, thêm 1/3 bát ăn cơm nước thôi vì khi đun dạ dày sẽ tiết ra nước. Cho bát vào nồi hấp, đun sôi rồi hạ lửa nhỏ liu riu chừng 30 phút hoặc đến khi thấy xiên đũa qua được là chín.
Đem dạ dày ra thái miếng vừa ăn. Khi ăn chấm với nước mắm pha hạt tiêu, ớt cực ngon.
Dạ dày hấp giòn giòn, tươi ngon, thanh mát, thoang thoảng mùi má mắc mật thơm nức mũi chắc chắn ai thấy cũng phải thèm chảy nước miếng.
Chúc các bạn thành công!