Trước những kỳ thi quan trọng, học sinh phải đối diện với áp lực làm sao để ghi nhớ công thức tính toán hay cột mốc thời gian gắn liền với các sự kiện. Thế nhưng, để giảm thiểu khó khăn này, học sinh có thể áp dụng một số phương pháp học tập giúp ghi nhớ dễ dàng, ngoài ra, nó còn giúp người học sử dụng hiệu quả quỹ thời gian của mình.
Học bằng sơ đồ tư duy
Đây là cách học phổ biến nhất hiện nay, được nhiều cơ sở giáo dục áp dụng. Phương pháp học bằng sơ đồ tư duy "hô biến" những thông tin văn bản nhàm chán thành các hình ảnh minh hoạ, màu sắc bắt mắt và giúp học sinh nắm được thông tin cốt lõi của bài học.
Sơ đồ tư duy (mind map) là phương pháp học hiệu quả giúp học sinh hệ thống kiến thức một cách trực quan, dễ hiểu và kích thích sự sáng tạo.
Tuy nhiên, khi sử dụng phương pháp này đòi hỏi học sinh phải đọc nhiều tài liệu tham khảo, tìm kiếm từ khoá chính để có thể ghi chép ngắn gọn, tạo nên sơ đồ tư duy được sắp xếp trật tự, thông tin được biểu thị một cách trực quan. Và giữa các thông tin có sự liên kết, nên sử dụng đường nối, mũi tên để hệ thống các nhánh liên quan với nhau. Việc liên kết này sẽ giúp học sinh nhìn thấy các mối quan hệ hoặc tác động qua lại giữa các dữ kiện.
Phương pháp đọc SQ3R
Phương pháp đọc SQ3R là một kỹ thuật đọc hiểu hiệu quả, được thiết kế để giúp người học nắm bắt, ghi nhớ và hiểu sâu hơn. SQ3R là viết tắt của năm bước: Survey (khảo sát), Question (đặt câu hỏi), Read (đọc), Recite (nhắc lại) và Review (ôn lại).
Để áp dụng phương pháp này, học sinh nên bắt đầu bằng cách khảo sát tài liệu để nắm bắt ý chính, sau đó đặt câu hỏi liên quan đến nội dung. Tiếp theo, học sinh đọc kỹ tài liệu, nhắc lại những gì đã đọc và cuối cùng là ôn tập để củng cố kiến thức. Phương pháp SQ3R giúp tăng cường khả năng ghi nhớ, đồng thời khuyến khích người học suy nghĩ và tự đặt câu hỏi, tăng tương tác với tài liệu học tập.
Phương pháp SQ3R là một phương pháp đọc hiểu được phát triển bởi Francis P. Robinson vào những năm 1940, giúp học sinh nghiền ngẫm kiến thức, từ đó có thể ghi nhớ, hiểu sâu hơn về các vấn đề.
Phương pháp Feynman
Phương pháp này được đặt theo tên nhà vật lý nổi tiếng Richard Feynman, dựa trên ý tưởng: “Nếu bạn muốn hiểu rõ điều gì đó, hãy cố gắng giải thích nó một cách đơn giản”.
Để thực hiện phương pháp Feynman, đầu tiên học sinh phải xác định chủ đề hoặc một khái niệm cần học. Tiếp theo, hãy viết ra giấy những lời giải thích về chủ đề đó theo cách hiểu của riêng bạn hoặc trực tiếp trình bày cho bạn bè xung quanh.
Cuối cùng, bạn hãy kiểm tra lại thông tin, tìm ra những lỗi sai của bản thân và ôn tập lại những điểm còn thiếu sót. Từ đó, bạn sẽ tiếp thu được kiến thức mới và ghi nhớ lâu hơn.
Phương pháp Feynman là một công cụ mạnh mẽ không chỉ trong học tập mà còn trong cuộc sống, giúp người học tiếp cận kiến thức một cách dễ hiểu, sâu sắc và toàn diện hơn.
Phương pháp Pomodoro
Phương pháp Pomodoro được Francesco Cirillo phát triển vào cuối những năm 1980. Tên gọi này xuất bắt nguồn từ chiếc đồng hồ hình quả cà chua mà Cirillo sử dụng khi còn là sinh viên. Phương pháp này sẽ giúp học sinh quản lý thời gian hiệu quả, kích thích sự tập trung dựa trên việc chia nhỏ thời gian học tập thành các phiên ngắn hạn, thường là 25 phút, xen kẽ với khoảng nghỉ từ 5-10 phút.
Để bắt đầu áp dụng Pomodoro rất đơn giản, học sinh cần xác định được mục tiêu, nhiệm vụ cần hoàn thành, sau đó đặt đồng hồ hẹn giờ và tập trung ôn tập, làm việc cho đến khi chuông báo hiệu vang lên. Sau đó, học sinh hãy nghỉ ngơi 5 phút và tiếp tục lặp lại các phiên học kéo dài 25 phút này.
Kết thúc 4 phiên học tập tương đương 100 phút tập trung cao độ, học sinh nên nghỉ ngơi trong khoảng 15-30 phút.
Minh chứng cho sự thành công trong học tập khi áp dụng phương pháp quả cà chua là Đặng Lưu Anh - Thủ khoa ngành Quốc tế học năm 2022 (trường Đại học Hà Nội). Cô cho biết nhờ cách quản lý thời gian chặt chẽ nên bản thân có thể đạt thành tích cao trong kỳ thi THPT Quốc gia. Nữ thủ khoa tâm sự: “Việc sắp xếp thời gian hiệu quả luôn là chìa khoá để mình có kết quả học tốt. Mình sử dụng phương pháp học tập Pomodoro để ôn luyện, họcc tập. Nhờ vậy mà ngoài học ra, mình còn có dư kha khá thời gian để phụ mẹ việc nhà”.
Phương pháp Pomodoro giúp cải thiện sự tập trung, giảm thiểu sự mệt mỏi và có động lực hơn trong học tập. Hiện nay, phương pháp này đã được phổ biến rộng rãi trên khắp thế giới, được nhiều học sinh lựa chọn để không bị lãng phí thời gian vào những trò chơi tiêu khiển hay đắm chìm vào mạng xã hội một cách vô nghĩa.