Có câu nói rằng: "Sự khôn ngoan thực sự không chỉ nằm ở khả năng vượt trội trong một lĩnh vực nào đó, mà còn ở việc có một tâm thái trưởng thành, giữ được sự tỉnh táo và không làm những việc ngu ngốc".
Thật vậy, cuộc sống vốn đầy rẫy những thăng trầm. Nếu luôn giữ được sự tỉnh táo thì cũng là một loại trí tuệ. Khi đứng trước những lựa chọn quan trọng, ta sẽ không đi sai đường; trên con đường phía trước, ta sẽ nhanh chóng tìm ra gốc rễ của vấn đề, giải quyết chúng và không để lại tiếc nuối.
Trong khi mọi người đều u mê, ta vẫn tỉnh táo, sống một cuộc đời sáng suốt và thấu đáo. Ta hiểu rõ mình nên đi đâu, nên làm gì trong cuộc sống, sự nghiệp và các mối quan hệ. Ta sẽ không dễ dàng bị những đám mây mờ che mắt, cũng không bị những tiếng ồn ào làm xao nhãng tâm trí mà nhìn thấu bản chất của mọi việc.
Trong cuộc sống thực tế, những người thực sự khôn ngoan có suy nghĩ và quan điểm riêng chính là nhờ sự tỉnh táo. Họ có thể làm được "4 chữ không” dưới đây, giúp cuộc sống trở nên thoải mái hơn.
1. Không mang tâm lý đám đông
Trong tâm lý học có một khái niệm gọi là "tâm lý đám đông": "Hiện tượng cá nhân dưới sự ảnh hưởng và áp lực của nhóm, từ bỏ ý kiến hoặc quan điểm của mình để hòa hợp với ý kiến và hành vi của nhóm". Nói cách khác, đó chính là việc "theo đám đông", "làm theo người khác".
Trong mắt một số người, việc luôn làm theo quyết định của người khác là cách dễ dàng bởi họ nghĩ làm như vậy thì chắc chắn sẽ không sai. Nhưng thực tế lại khác.
Nếu bạn luôn có tâm lý đám đông, bề ngoài có vẻ rất thoải mái, nhưng thực tế bạn sẽ không thể phát triển và tiến bộ. Khi đối mặt với những quyết định quan trọng, bạn sẽ cảm thấy lúng túng và bế tắc.
Tâm lý đám đông khiến bạn không phân biệt được đúng sai, thật giả. Việc mù quáng làm theo người khác không chỉ không mang lại thành công mà còn dễ dẫn chúng ta đến tổn thất.
Người thực sự khôn ngoan sẽ không mang tâm lý đám đông mà có những phán đoán và phân tích riêng của mình. Suy cho cùng, chỉ bạn là người hiểu rõ bản thân mình nhất và việc giao quyền quyết định cuộc đời mình cho người khác sẽ khiến bạn trở nên bị động.
2. Không dễ dàng tin vào những "thành công" mà bạn thấy
Trong cuốn sách "Nghệ thuật suy nghĩ tỉnh táo" có câu: "Trong cuộc sống hàng ngày, bạn dễ dàng nhìn thấy sự thành công hơn là thất bại, vì vậy bạn sẽ đánh giá quá cao khả năng thành công của mình, điều này gọi là hiệu ứng thiên lệch kẻ sống sót".
Sống trong thời đại thông tin bùng nổ, chúng ta rất dễ nhìn thấy những người giàu có, thành công qua các video ngắn hay các phương tiện truyền thông khác. Họ được bao quanh bởi hoa tươi, bởi những tiếng vỗ tay, danh vọng và tiền tài.
Thấy vậy, con người ta dễ nghĩ rằng thành công là chuyện đơn giản, đặc biệt khi được nghe kể về những câu chuyện thành công một cách nhẹ nhàng. Họ ngay lập tức tin rằng mình cũng sắp đạt được đỉnh cao của sự nghiệp.
Thực tế, những "thành công" này thường chỉ cho bạn thấy những gì bạn muốn nhìn thấy, khiến bạn tin vào những điều không thực tế trong lúc bốc đồng và mất đi lý trí. Trong khi đó, những người thực sự khôn ngoan hiểu rằng thành công không dễ dàng. Nó đòi hỏi sự nỗ lực và cố gắng không ngừng, phải tích lũy dần dần mới có thể đạt được.
Nếu ai đó nói rằng thành công rất dễ dàng, thì hoặc là họ đang giăng bẫy cho bạn, hoặc là họ đang nói dối. Muốn thành công thực sự, bạn không chỉ nhìn vào mặt thành tựu của người khác mà còn phải nhìn vào những thất bại, rút kinh nghiệm từ đó để tránh đi đường vòng.
3. Không quá bận tâm đến chi phí chìm
Chi phí chìm là gì? Chi phí chìm là một thuật ngữ kinh tế, ám chỉ những chi phí đã phát sinh và không thể thu hồi được, chẳng hạn như thời gian, tiền bạc, công sức.
Thực tế, chi phí chìm xuất hiện rất nhiều trong cuộc sống của chúng ta. Ví dụ, khi bạn mua vé xem phim, xem được nửa chừng thì thấy phim không hay, muốn ra về nhưng lại nghĩ rằng đã bỏ tiền ra thì nên xem hết, cuối cùng bạn vẫn ngồi lại. Điều bạn không ngờ là, bạn đã lãng phí một phần thời gian và công sức của mình, rồi lại vì quá bận tâm đến chi phí đã bỏ ra mà lãng phí thêm thời gian và công sức nữa.
Hoặc như khi bạn yêu một người không phù hợp. Dù biết rằng mối quan hệ đó không có tương lai nhưng vì đã đầu tư quá nhiều tình cảm nên không muốn buông tay. Kết quả là bạn càng sa lầy vào mối quan hệ sai lầm và mất đi khả năng tìm kiếm hạnh phúc thực sự.
Người thực sự khôn ngoan sẽ không quá bận tâm đến chi phí chìm. Họ hiểu rằng quá khứ đã qua, càng níu kéo càng khó buông tay và càng dễ gây ra tổn thất lớn hơn.
Khi nhận ra một điều gì đó là sai lầm, cách tốt nhất là dừng lại kịp thời. Trên đường đời, chúng ta khó tránh khỏi những người và những việc không như ý. Điều khôn ngoan là dứt khoát buông bỏ để giảm thiểu tổn thất và tìm kiếm những điều tốt đẹp hơn.
4. Không tùy tiện nhận quà của người khác
Chỉ khi mọi người có thể đóng góp cho nhau và làm việc cùng nhau thì mối quan hệ mới ngày càng tốt đẹp hơn. Mối quan hệ giữa người với người cần sự trao đổi, cho và nhận để trở nên bền chặt hơn.
Một trong những cách tốt nhất để duy trì mối quan hệ là cho đi và nhận lại. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn có thể tùy tiện nhận quà của bất kỳ ai. Đôi khi, đằng sau những món quà ấy là những ý đồ khác.
Theo tâm lý học, con người thường cảm thấy không dễ dàng khi mắc nợ người khác. Một khi đã nhận quà của người khác, bạn sẽ khó từ chối những yêu cầu tiếp theo của họ và cuối cùng bạn có thể phải trả giá rất nhiều.
Không có bữa trưa nào miễn phí nào trên đời. Những thứ có vẻ dễ dàng có được thường ẩn chứa những mục đích khác. Khi bạn hiểu rõ điều này, bạn có thể từ chối những món quà miễn phí để tránh rơi vào những tình huống khó xử.
Sự tự nhận thức giúp chúng ta tỉnh táo và sáng suốt hơn. Trên con đường đời, hãy luôn giữ cho mình sự tỉnh táo để nhận ra bản chất của mọi việc và sống một cuộc sống ngày càng hạnh phúc, ý nghĩa