Hiện nay, cứ cách vài ba tháng, người Việt lại được phen xôn xao trước thông tin có người trúng độc đắc lên tới hàng tỷ đồng. Nhưng người lên nhận giải hầu như giấu mặt, không dám lộ diện vì sợ cuộc sống bị đảo lộn sau khi trở thành tỷ phú.
Đây chính là điểm “lợi”, khác biệt so với những năm về trước. Bởi xưa kia hễ ai trúng số sẽ khoe khắp nơi về may mắn của bản thân. Thế rồi kết cục của họ đều được dư luận biết và nhớ mãi chẳng thể quên, thậm chí đến giờ thi thoảng người ta vẫn nhắc đến như một bài học răn dạy con cháu nếu có một ngày được “lộc trời” cần biết trân trọng và sử dụng đúng chỗ. Điển hình như 3 trường hợp dưới đây:
Từ thợ sửa đồng hồ trở thành đại gia rồi chết thảm
Những năm 1980, ông Lộc (SN 1956, Bình Dương) hành nghề sửa đồng hồ trên vỉa hè tại con đường nhỏ tại thị xã Thủ Dầu Một (nay là thành phố Thủ Dầu Một). Ông chăm chỉ làm lụng kiếm đồng ra đồng vào nuôi thân và vợ con nhưng làm mãi vẫn chẳng thể thoát nghèo.
Năm 2000, ông Lộc bất ngờ đổi đời nhờ chơi xổ số. Người ta kể rằng một buổi chiều, ông thấy cụ bà nghèo khổ đi qua tiệm, trên tay cầm tệp vé số mời chào nhưng không ai mua. Ông bèn rủ lòng thương móc hết số tiền lẻ trong túi mua ủng hộ cụ 6 tờ vé có hàng số cuối cùng là 56.
Khi trời nhá nhem tối, ông Lộc lật đật dọn quán trở về nhà vợ để nghỉ ngơi. Vừa tới nơi, ông nghe xa xa có tiếng ai đó gọi mình. Ông vội chạy ra xem ai thì thấy bà cụ bán vé số đáng thương hồi chiều. Hóa ra cụ bà đến để báo tin ông đã trúng độc đắc. Ông liền bỏ 6 tờ vé số ra dò xem sao và không tin vào mắt khi vận mệnh cuộc đời đã đổi thay.
Sau lần trúng số độc đắc, người dân đất Thủ Dầu Một liên tục nghe tin đồn ông Lộc trúng số độc đắc thêm nhiều lần nữa. Tổng cộng, ông trúng giải của 3 công ty xổ số với tổng giá trị lên tới 7 tỷ đồng – một số tiền “siêu khủng” ở thời điểm những năm 2000, sánh ngang với độ giàu có của các đại gia Sài Gòn lúc bấy giờ.
Có trong tay số tiền lớn, ông Lộc bắt đầu thay đổi từ con người đến cách sống. Ông từ người đàn ông hiền lành chân chất, chỉ biết lo miếng cơm cho vợ con đã thành tay chơi khét tiếng Bình Dương. Ông sắm xe hơi rồi thuê riêng cho mình một tài xế chỉ để chở ông đi chơi và bia ôm. Đặc biệt ông tiêu tiền không hề suy nghĩ, thích là “phóng tay”.
Chưa dừng ở đó, ông Lộc còn ăn chơi tới mức hễ gặp ai bán vé số hoặc ai mời mua ông sẵn sàng mua hết cả tệp. Vậy mà ông lại “bỏ rơi” vợ con. Ông có một người con gái tật nguyền nhưng trúng số lại không hề đem con đi chữa. Lúc này vợ ông uất ức liền nói ông tiêu tiền mãi cũng hết, ông tức quá cho một ít tiền về Bình Phước cất tạm cái nhà để ở.
Thấy ông Lộc tiêu tiền như đốt, người dân đất Thủ ai cũng chắc bẩm rằng chỉ vài ba năm sẽ trắng tay. Và họ đã không nghĩ sai, chỉ 3 năm sau, ông đã trở thành kẻ trắng tay, đi lừa gạt bạn bè. Ông đành quay trở lại cuộc sống bần hàn, trong người chẳng có lấy vài trăm nghìn. Lúc này ông bỗng hóa điên dại, lao vào uống rượu. Còn vợ ông không chịu được đã dẫn 2 đứa con về quê sinh sống. Bạn bè quen ở bar, nhận ông là huynh đệ với lời thề không bao giờ phản bội nhau thấy ông nghèo khổ cũng chào tạm biệt.
Trong một lần tranh cãi với người bạn, ông Lộc nổi cơn điên loạn lấy dao đâm họ bị thương. Sợ bị đi tù, ông bỏ trốn rồi sống chui lủi không dám về. Một thời gian sau người dân ngỡ ngàng trước thông tin ông đã qua đời vì tai nạn giao thông.
Trúng độc đắc 2.7 tỷ đồng nhưng vài năm đã nghèo khó
Anh H (42 tuổi, ngụ thị trấn Phong Điền, TP.Cần Thơ ) làm nghề bốc gạch thuê từng tâm sự: “Tôi không phải người dân ở đây. Nhiều năm trước 2 vợ chồng chuyển về đây sinh sống. Cuộc sống của chúng tôi khá ấm êm, chăm chỉ làm lụng kiếm tiền nuôi 2 đứa con. Song sau đó vài năm vợ tôi bỏ đi vì không chịu được cảnh nghèo khó”.
Thương con, anh H nhiều lần đi tìm và năn nỉ vợ về nhà. Tuy nhiên người đàn bà ấy cứ về được vài nữa lại bỏ đi. Lúc này anh đoán vợ đã có người khác ở ngoài nên chấp nhận cảnh bị phản bội.
Tháng 10/2015, anh H mua tấm vé số của đài Vĩnh Long rồi bất ngờ trúng 2.7 tỷ đồng, đã trừ thuế. Ngay lập tức anh lấy điện thoại gọi cho vợ và mạnh mẽ tuyên bố nếu vợ anh về anh sẽ giao hết tài sản cho giữ, còn nếu đi luôn chỉ được 100 triệu đồng coi như dứt tình. Chị vợ đã về ngay trong đêm khiến hàng xóm ngỡ ngàng.
Nhận thưởng 2.7 tỷ đồng, anh H gửi 2 tỷ vào ngân hàng lấy lãi, còn 700 triệu tiêu trong vòng 1 tuần. Theo đó anh mua xe máy cho anh chị em bên vợ, sắm một chiếc cho hai vợ chồng chạy và mua vàng bạc trưng diện... Thậm chí vợ anh lén lút mua tặng người tình chiếc xe coi như quà “chia tay”. Còn người mẹ nghèo khó, anh chỉ biếu hơn 10 triệu đồng. Bà đã từ chối không nhận.
Khi tiêu hết số tiền trên, vợ chồng anh rút 500 triệu đồng để mua nhà. “H bỗng dưng có tiền tỷ trong tay, không phải vất vả lao động nên chi tiêu phung phí lắm. Họ còn không chịu đi làm vì nghĩ tiền trong ngân hàng sẽ sinh sôi nảy nở”, lãnh đạo thị trấn Phong Điền – nơi anh H sinh sống cho hay.
Nhân cơ hội đó, đám chơi bời ở thành phố tìm đến gạ đá gà, cờ bạc... và anh H đã lao vào với những thú vui ấy. Dần dần số tiền 1.5 tỷ còn lại trong ngân hàng đã “đội nón” ra đi. Cả hai lại rơi vào cảnh nghèo khó khi xưa. Hiện anh H làm nghề bốc vác gạch thuê, còn vợ anh ở nhà chăn nuôi lợn.
Người đàn ông trúng số chia tiền cho các con vẫn bị lườm nguýt
Ông L (Cần Giuộc, Long An) sinh ra trong gia đình nghèo khó, chẳng được học hành tử tế nên chỉ biết làm nông, quanh năm “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”. Khi trưởng thành, ông lấy vợ rồi sinh một lèo bảy đứa con.
Khi các con đến tuổi cập kê, ông L lần lượt dựng vợ gả chồng cho các con. Người ở lại làng bám ruộng với hi vọng chăm chỉ sẽ có ngày khấm khá hơn. Đứa quyết chí đi khỏi lũy tre làng lên thành phố làm mướn đổi đời. Còn vợ chồng ông sống cùng cậu con út với nỗi khắc khoải bao giờ có mấy chục triệu gửi tiết kiệm như hàng xóm....
Và trong lúc cuộc sống bế tắc nhất, người đàn ông miền Tây bỗng đổi đời, trở nên giàu có nhờ... vài tờ vé số. Ông L kể vào buổi chiều tháng 6 cách đây chục năm, ông đi nhậu cùng vài người bạn rồi say xỉn đến mức chẳng biết gì. Vậy mà không hiểu sao khi đó ông lại chạy theo bà bán vé số mua mấy tờ cho bằng được.
Sau khi tỉnh rượu, ông L đột nhiên nhớ đến mấy tờ vé số đã mua chiều qua. Ông liền đưa cho cháu nội dò thử thì phát hiện trúng giải đặc biệt. Ông nhớ lại: “Khi đó con trai tôi hét toáng lên vì sung sướng làm tôi cũng vui theo. Bà xã tôi từ ngoài chạy vào xem có chuyện gì rồi mắng đã nghèo còn hay đùa dai. Tôi thấy vậy liền nói nghiêm túc cho bà ấy biết rằng vợ chồng mình trúng lớn rồi, giàu lắm, được hẳn 2 tỷ lận.
Vợ tôi dụi mắt xem đi xem lại và bật khóc nức nở. Có lẽ bà ấy cả đời khổ cực, đến khi về già có số tiền lớn đến thế nên không kìm chế được xúc động”.
Sau khi trúng số, ông L đã gọi các con lại để cùng nhau lên kế hoạch chia tiền, tính chuyện sửa sang nhà cửa cho sung túc. Song mọi chuyện từ đây mà phát sinh, bảy người con của ông khi nhìn thấy tiền đều “sáng mắt” lên, chẳng ai bận tâm đến lời ông nói, chỉ mong được phần hơn.
Tất cả đều kể công suốt bao năm qua: đứa kể chi li việc cho vợ chồng ông mượn mấy chục nghìn đi đám giỗ, người kể mua biếu cha mẹ vài con cá, đứa nhắc chuyện cho ông vay tiền trăm tiền triệu... Cứ thế, đứa này đứa kia tranh nhau kể công của mình với hi vọng ông sẽ ưu ái chia cho phần nhiều.
“Tôi chứng kiến các con cứ kể công nên gắt giọng bảo tiền sẽ chia đều, đứa nào cũng như đứa nào. Sau đó tôi bảo sẽ dựng lại căn nhà cho ba mẹ trước rồi để chút vốn phòng thân, ai không đồng ý sẽ không được nhận một xu. Thấy vậy, chúng miễn cưỡng nhận tiền dù trong lòng ấm ức lắm. Thậm chí chúng còn theo dõi tôi xem có lén cho đứa này đứa kia hơn không”, ông L nói.
Dần dần tình cảm của bảy người con ông L tan vỡ. Đặc biệt thay vì làm ăn, các con của ông lại tiêu phung phí, mua sắm xe ga, đồ hiệu, vòng vàng chưng diện để thể hiện mình giàu có. Điều đó khiến ông vô cùng buồn bã song chẳng thế bảo ban được ai cả.
Ông L càng buồn hơn khi ông cất xong ngôi nhà khang trang, sắm đồ đạc... thì số tiền tiết kiệm chẳng còn là bao, vậy mà cứ vài bữa các con lại đến nài nỉ, van xin ông cho thêm chút tiền đóng học cho con, mua sữa. Khi ông kêu hết tiền, các con lại quay ra lườm nguýt, xỉa xói.
Chỉ vì đồng tiền mà các con của ông L từ mặt nhau nhưng ông không hề trách ai cả. Ông bảo muốn trách thì nhìn lại bản thân mình bởi đã không giáo dục con cái đến nơi đến chốn. Giờ ông cũng sống trong cảnh túng thiếu triền miên. Các con khi thấy ông nghèo khó không ai ngó thăm.