TS.BS Nguyễn Đình Liên, Trưởng khoa Phẫu thuật Thận tiết niệu và Nam học (Bệnh viện E Trung ương) cho biết, vừa tiến hành phẫu thuật nội soi tán sỏi qua da thành công cho một cháu bé 33 tháng tuổi, bị sỏi cả hai bên thận. Khoảng gần một năm nay trẻ hay quấy khóc, kêu đau lưng, tiểu buốt. Cách đây 2 tháng gia đình đưa trẻ đi khám và được chẩn đoán sỏi thận 2 bên. Do còn quá nhỏ nên bệnh viện tuyến dưới chỉ theo dõi, không thực hiện mổ mở để lấy sỏi.
Gần đây, khi xuất hiện tình trạng bất thường về sức khỏe, bệnh nhi được đưa đến Bệnh viện E thăm khám. Qua các thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng, bệnh nhi được xác định bị sỏi thận cả hai bên; trong đó thận trái ứ nước độ 2, thận phải ứ nước độ 1.
Với tình trạng trên, bệnh nhi cần được xử lý để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, nếu không can thiệp sẽ gây nên tình trạng ứ mủ thận, đái mủ, mất chức năng thận, suy thận dẫn tới có thể phải chạy thận. Ngay sau đó, bệnh nhi đã được chẩn đoán với các bác sĩ chuyên khoa Chẩn đoán hình ảnh và Gây mê hồi sức để đánh giá tình trạng, đặc biệt là việc gây mê khi can thiệp vì tuổi còn quá nhỏ.
Hình ảnh phim chụp của bệnh nhi trước và sau khi được can thiệp. Ảnh: BSCC.
Sau hội chẩn, các bác sĩ đã thống nhất phương án tán sỏi qua da. Đây là phương án xử lý tối ưu nhất, ít xâm lấn, khả năng hồi phục nhanh mà vẫn có thể xử lý được sỏi thận cho bệnh nhi. “Trước khi thực hiện can thiệp, chúng tôi đã phải đặt ra bài toán, nên tán sỏi từng bên hay thực hiện đồng thời hai bên cùng một lúc. Sau khi cân nhắc và hội chẩn, các bác sĩ quyết định tán sỏi cả hai bên cùng một lúc để tránh can thiệp, gây mê nhiều lần, giảm đau đớn cho cháu bé”, bác sĩ Liên thông tin.
Sau khi tán sỏi qua da, bệnh nhi an toàn, kết quả kiểm tra cho thấy sỏi hai bên thận đã sạch, đặc biệt cháu bé đã đi lại được chỉ sau 12 tiếng. “Với trường hợp này, chúng tôi đang gửi mẫu sỏi thận đi xét nghiệm để đánh giá nguyên nhân, từ đó có hướng tư vấn, điều trị tiếp theo cho phù hợp”, bác sĩ Liên cho hay.
Qua khai thác tiền sử gia đình cho thấy, ông nội, các bác và bố của bệnh nhi đều có tiền sử bị sỏi thận. Từ các thông tin trên, các bác sĩ nghĩ nhiều đến nguyên nhân bệnh nhi bị sỏi thận là do yếu tố gia đình, di truyền. Tuy nhiên, cũng không loại trừ nguyên nhân do nguồn nước hoặc chế độ ăn không khoa học, hợp lý. “Để biết nguyên nhân chính xác, chúng tôi cần làm các xét nghiệm phân tích sỏi, gen và nước sinh hoạt, cũng như lấy thông tin về chế độ ăn của trẻ từ đó mới đưa ra kết luận cuối cùng”, bác sĩ Liên thông tin.
Khi trẻ có dấu hiệu các bệnh lý về thận cần được đi thăm khám để xử lý kịp thời. Ảnh minh họa.
Đánh giá về phương pháp tán sỏi qua da bằng nội soi, bác sĩ Liên cho biết, đây không phải trường hợp nhỏ tuổi nhất từng được thực hiện tại khoa, trước đó các bác sĩ đã tán sỏi cho một trường hợp 27 tháng tuổi. Khi tán sỏi qua da với trẻ nhỏ, điều quan trọng nhất là dụng cụ phẫu thuật phải hiện đại, kèm theo đó là kinh nghiệm và trình độ của bác sĩ để tránh để lại biến chứng. “Khi tán sỏi qua da bằng nội soi, ưu điểm lớn nhất là tổn thương nhỏ, ít xâm lấn và thời gian hồi phục nhanh”, TS Nguyễn Đình Liên nhận định.
Theo bác sĩ Liên, với trẻ nhỏ bị sỏi thận, đa số phụ huynh thường lo lắng, sợ phải mổ mở ảnh hưởng đến sức khỏe của con, do đó dùng các loại thuốc lá với hy vọng đẩy sỏi ra ngoài. Tuy nhiên, việc làm này sẽ bỏ lỡ cơ hội vàng để điều trị, từ đó tình trạng trẻ nặng hơn, dễ gây biến chứng thậm chí hỏng mất chức năng thận.
Do vậy, khi trẻ có biểu hiện bất thường cần đưa đi khám và nên tạo thói quen khám định kỳ cho trẻ để phát hiện bệnh sớm (nếu có). Ngoài ra, trong cuộc sống hàng ngày cần phải chú ý khâu vệ sinh và ăn uống. Bởi khi vệ sinh kém, ăn uống mất cân bằng cũng là nguyên nhân hình thành sỏi thận ở trẻ nhỏ.