Vụ cá chết hàng loạt: Ngư dân ven biển thấp thỏm chờ kết luận

Google News

Trao đổi với báo giới về hiện tượng cá chết hàng loạt tại miền Trung, chủ tịch hội nghề Cá Việt Nam cho biết nhiều thông tin.

Trao đổi báo chí ngày 25/4 về hiện tượng cá chết hàng loạt tại miền Trung trong thời gian qua, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch hội nghề Cá Việt Nam cho rằng, điều này không chỉ gây hoang mang, ảnh hưởng đến việc đánh bắt thủy sản của người dân mà nó còn là vấn đề môi trường và nguồn lợi quốc gia.
Theo ông Thắng, đây là vấn đề sinh kế của người dân sống trong khu vực trải dài 300 km ven biển chứ không đơn thuần là chuyện mấy con cá chết.
Vu ca chet hang loat: Ngu dan ven bien thap thom cho ket luan
 Người dân đang rất lo lắng khi những ngày gần đây cá chết bất thường không rõ nguyên nhân. (Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN)
“Ngư dân đang rất lo lắng vì các sản phẩm cá đánh bắt xa bờ, cá ven bờ và nuôi trồng tiêu thụ chậm. Thậm chí nhiều ngư dân hiện không dám đi biển, người nuôi trồng thì không dám thay nước,” ông Thắng nói.
Nhận định đây lần đầu tiên ở Việt Nam có hiện tượng cá chết, Hội đề nghị các cơ quan chức năng cần nhanh chóng tìm ra nguyên nhân cá chết và có chính sách hỗ trợ cụ thể cho ngư dân.
"Mấu chốt của vụ việc là phải phân tích cá chết vì cái gì, tại sao nó chết. Đáng lẽ cơ quan chức năng cần nhanh chóng tìm nguyên nhân ngay khi cá chết từ đầu tháng Tư", ông Nguyễn Tử Cương, Trưởng ban phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững bày tỏ lo lắng.
Theo ông Cương, nếu không xác định được nguồn gây độc thì những thông tin liên quan tới việc có dùng cá làm thực phẩm được không, có tiếp tục đánh bắt và nuôi trồng sẽ không trả lời được.
Vu ca chet hang loat: Ngu dan ven bien thap thom cho ket luan-Hinh-2
 Ngư dân lo lắng bắt cá về chẳng biết bán cho ai. (Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN)
"Và điều quan trọng cơ quan chức năng phải trả lời câu hỏi: Biển đã an toàn chưa?”, ông Cương nhấn mạnh và cho rằng nếu chưa có câu trả lời thì người dân vẫn ngồi thấp thỏm chờ kết luận.
“Việc này đồng nghĩa với việc hàng trăm, hàng nghìn hộ ngư dân họ làm gì đề sống đây và họ lấy gì để sống, vì vậy nên có chương trình tổng kết nhanh và hỗ trợ coi như đây là vấn đề thiên tai và họ phải được trợ cấp hàng tháng,” ông Cương phân tích.
Đồng quan điểm, ông Hoàng Đình Yên, Tổng thư ký hội nghề cá Việt Nam đề nghị các địa phương cần tổng kết thiệt hại, ảnh hưởng tới đời sống ngư dân ra sao. Sau đó cần trợ cấp cho họ.
Theo ông Yên, một trong giải pháp trước mắt là cần cứu trợ người dân ngay vì tình trạng này đã kéo dài hơn 10 ngày.
"Chưa kết luận nguyên nhân và không nói rõ nguồn nước biển đã sạch chưa thì mọi sản xuất đứng lại hết, như vậy ngư dân phải sống sao đây. Nhà nước cần có chính sách và giải pháp cụ thể hỗ trợ người dân,” ông Yên nói.
Hội nghề cá cũng đề nghị không nên có sự đánh đổi điều gì đó để lấy sự phát triển bền vững của môi trường. "Nguyên tắc của phát triển bền vững là an toàn về môi trường, hiệu ích về kinh tế và an sinh xã hội, chứ không có chuyện đánh đổi cái này lấy cái kia,” ông Yên bày tỏ quan điểm.
Theo Vietnam Plus

Bình luận(0)