Sau 40 ngày chạy bộ từ mũi Tràng Vĩ (Quảng Ninh) đến sông Cửa Lớn (Năm Căn, Cà Mau), tôi thấy nước hiện diện phần lớn trên lãnh thổ VN và quyết định phần lớn đến tự nhiên, sinh thái, công việc của người dân. Nhưng khi đi môtô nước từ Năm Căn về TP.HCM, trực tiếp chứng kiến nước ở một khía cạnh khác - sự ô nhiễm - lại càng thấy sự quan trọng của nước với tương lai của người dân VN.
|
Ông Pat Farmer (giữa, hàng trên) chạy trên cầu Mỹ Thuận trong hành trình Nối liền một dải VN |
Đến nay, giữa tháng 2, khi ngồi ở Sydney (Úc), lúc mà báo Tuổi Trẻ muốn nghe tôi chia sẻ điều gì đó về “nước” của VN, tự nhiên tôi thấy nước của các bạn có mấy cấp độ.
Hồi còn là một chính khách của Úc, nghĩa là nhìn nước khác trong con mắt chính trị, tôi được nghe về tính cách của người Việt “giống như nước”, linh hoạt, dễ lành vết thương và dễ thích nghi. Cũng trong “tai nghe” của một nhà chính trị, tôi được dự báo rằng nước và những vấn đề liên quan đến nước như thủy điện, đắp đập và hải đảo sẽ là vấn đề lớn của nhiều quốc gia, trong đó có VN.
Khi là vận động viên marathon, chuẩn bị được Phòng Thương mại công nghiệp châu Á (Asian Chamber of Commerce & Industry) tại Sydney mời sang VN chạy để nâng cao ý thức của người dân về nước sạch và bảo vệ nguồn nước sạch, để tăng cường hoạt động kỷ niệm 40 năm thành lập quan hệ hữu nghị và hiệp định thương mại giữa VN và Úc, để gợi hứng cho giới trẻ VN hành động vì tương lai đất nước..., “nước” lúc ấy giống như một biểu tượng để tuyên truyền các khẩu hiệu này nọ, dù chúng rất tốt đẹp. Thông qua các hội chữ thập đỏ, tôi cũng đã được cho biết rằng nhiều triệu dân VN chưa có cơ hội dùng nước sạch, nhiều triệu dân khác mới chỉ dùng được nước trong chứ không bảo đảm sạch.
Thế nhưng, khi đã đặt chân đến VN, sau 40 ngày đồng hành cùng với các thành viên trong đoàn và người dân VN, tôi lại thấy nước ở khía cạnh cụ thể hơn. Khác với những xứ sở khô cằn ở vài châu lục, VN là nước của sông ngòi, kênh rạch, từ Móng Cái đến Cà Mau, tôi có cảm tưởng như kilômet đường nào cũng có một cây cầu. Chính vì vậy, nước là chuyện thiết thân của người Việt, nơi có nền nông nghiệp và nền văn minh gắn liền với nước.
Một dịch giả, tôi xin lỗi đã quên tên của ông, nói với tôi rằng nước là một thành tố quan trọng làm nên cội nguồn văn hóa VN. Chỉ sau 40 ngày này, tôi đã thấy rõ ràng chạy vì nước sạch và vì nâng cao ý thức bảo vệ nguồn nước sạch tại VN là hành động rõ ràng nhất cho “tôn chỉ chạy” mà tôi đề ra lâu nay. VN không thiếu nước, nhưng nhiều miền quê đang thiếu nước sạch, đó là thực tế; đặc biệt thiếu ý thức sử dụng nước sạch. Nhiều tổ chức và cá nhân còn vô tư tàn phá môi trường.
Với một đất nước có mặt nước biển rộng, lượng mưa phong phú, nhiều sông ngòi như VN, chỉ cần có ý thức bảo vệ nơi bắt nguồn của nước, trong tương lai gần nước sẽ sạch hơn đáng kể. Tôi cũng nhận ra rằng VN cần một chiến dịch lâu dài để nâng cao nhận thức nơi chính quyền và người dân với các vấn đề nước sạch. Và hãy đừng quá bi quan khi nhìn sang các nước, bởi như Úc, hơn 20 năm trước cũng ô nhiễm môi trường tùm lum, chỉ bằng chương trình “làm sạch nước Úc” (The Australian Clean Up Australia Campaign), tình trạng ô nhiễm đã cải thiện đáng kể như hiện nay.
Tôi ấn tượng sâu sắc về những nụ cười, sự thiện cảm và cách đồng hành nhiệt tình của người dân VN trong chương trình chạy vì nước sạch vừa rồi, điều mà tôi chưa từng gặp ở bất kỳ đâu. Tôi tin rằng những nụ cười ấy sẽ giúp VN vượt qua mọi khó khăn và gìn giữ được “tính cách nước” của mình.
Bảo vệ nước sạch để xuất khẩu trong tương lai
Tôi cũng muốn nhắc lại rằng, có khoảng 880 triệu người trên thế giới đang không tiếp cận được nguồn nước sạch. Khoảng 4 triệu người chết mỗi năm do các chứng bệnh liên quan tới việc thiếu nguồn nước sạch, hệ thống vệ sinh không thỏa đáng và vệ sinh kém. Có 4.000 trẻ em dưới 5 tuổi chết mỗi ngày do những chứng bệnh liên quan đến thiếu nước sạch (dẫn theo Hội Chữ thập đỏ Úc). Chính vì vậy, nước sạch không chỉ là vấn đề của VN, mà của toàn thế giới. Một xứ sở nhiều nước như VN phải có nghĩa vụ bảo vệ nước sạch để chia sẻ và xuất khẩu nước trong tương lai.
|
TIN LIÊN QUAN
BÀI ĐỌC NHIỀU