Chánh án TAND tối cao vừa ban hành Quyết định số 220 công bố 6 án lệ được Hội đồng thẩm phán TAND tối cao thông qua, các tòa án trên toàn quốc có trách nhiệm nghiên cứu, áp dụng trong xét xử kể từ ngày 1/6. Việc Việt Nam áp dụng án lệ trong xét xử chính là một bước tiến dài trong hoạt động tư pháp.
Theo nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng thẩm phán TAND tối cao lựa chọn và được chánh án TAND tối cao công bố là án lệ để các tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.
|
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet. |
Án lệ được lựa chọn phải đáp ứng ba tiêu chí: chứa đựng lập luận để làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau, có tính chuẩn mực và có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử...
Các cơ quan, cá nhân, tổ chức có thể gửi đề xuất lựa chọn các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật về TAND tối cao để phát triển thành án lệ. Việc tổ chức rà soát án lệ được tiến hành định kỳ sáu tháng. Sau khi được lựa chọn, án lệ được công khai rộng rãi.
Việc ban hành án lệ là bước tiến dài trong hoạt động tư pháp của nước ta. Lần đầu tiên VN chấp nhận và sử dụng án lệ trong việc xét xử nhằm đảm bảo công bằng, công lý mà không phải đợi việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật - điều mà không phải lúc nào cũng được thực hiện một cách nhanh chóng và dễ dàng.
Tuy nhiên, do án lệ lần đầu tiên được công bố ở nước ta nên chắc chắn có những khó khăn nhất định khi sử dụng, áp dụng trong quá trình xét xử. Án lệ không mang tính hệ thống và tính khái quát như văn bản pháp luật nên sẽ có tranh cãi về việc khi nào áp dụng án lệ? Việc án lệ này có phù hợp với tranh chấp đang được giải quyết hay không? Nếu áp dụng án lệ sẽ tạo nên sự tùy tiện trong xét xử không?
>>> Xem thêm video: Sự cần thiết phải áp dụng án lệ tại Việt Nam - Tuổi trẻ